Thị trường

Doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ lo gián đoạn đơn hàng

DNVN - Căng thẳng gia tăng giữa Iran và Israel đang khiến các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đứng trước nguy cơ gián đoạn đơn hàng, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Dù Israel là một thị trường tiềm năng cho cá ngừ Việt Nam, xung đột khu vực có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến vận tải và xuất khẩu.

Nhẫn tròn trơn vượt mốc 84 triệu đồng/lượng, thiết lập kỷ lục mới / Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu có gây khó cho các nhà phân phối nhỏ lẻ?

Israel đã trở thành thị trường xuất khẩu cá ngừ quan trọng của Việt Nam, đứng sau Mỹ và EU. Thống kê từ Hải quan Việt Nam cho thấy, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang Israel tăng 37% so với năm trước, đạt trên 50 triệu USD. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Israel (VIFTA), được ký kết vào tháng 7/2023, đã mang lại nhiều cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt là cá ngừ.

Bước sang năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang Israel tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh, nhưng trong ba tháng gần đây đã có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu giảm 31% trong tháng 7, tuy nhiên, sang tháng 8 đã có dấu hiệu hồi phục với mức tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chưa đạt mức kỳ vọng.


Căng thẳng giữa Iran và Israel có thể tạo ra những biến động trong xuất khẩu cá ngừ trong thời gian tới.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá Israel là thị trường tiềm năng cho cá ngừ Việt Nam. Dù khu vực Trung Đông thường xuyên xảy ra xung đột, nhưng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang đây vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP, cảnh báo căng thẳng giữa Iran và Israel có thể tạo ra những biến động trong thời gian tới.

Ngoài ra, khu vực Trung Đông, với vị trí chiến lược kết nối ba châu lục Á, Âu, Phi, là một điểm nóng về vận tải biển. Nếu xung đột tiếp diễn, tuyến đường biển qua Vịnh Aden, một trong những tuyến quan trọng nhất giữa châu Âu và châu Á, có thể bị ảnh hưởng. Việc gián đoạn tuyến này sẽ tác động đến thương mại quốc tế, trong đó có thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ cũng gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu trong nước do các quy định về kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn được phép đánh bắt. Điều này buộc các doanh nghiệp phải tăng cường nhập khẩu nguyên liệu, kéo theo chi phí vận chuyển và tài chính tăng cao.

Sau một thời gian dài đối mặt với khó khăn, nhiều doanh nghiệp hy vọng vào dịp lễ cuối năm để phục hồi sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu thị trường Israel gặp trở ngại, lượng hàng tồn kho sẽ tăng, gây áp lực lên dòng vốn lưu chuyển, khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn trong việc duy trì hoạt động.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm