Thị trường

Du khách Việt 'sập bẫy' khi mua sắm tại nước ngoài

Du khách Việt thường mạnh tay bỏ ra số tiền khá lớn để mua sắm bởi hướng dẫn viên đã đánh trúng tâm lý của họ về thành kiến chất lượng sản phẩm trong nước kém hơn nước ngoài và hàng mua được là 'độc - lạ', trong nước không có.

Du khách Việt kể lại hành trình khám phá miệng núi lửa kỳ ảo ở Indonesia / Những món đặc sản độc đáo du khách đến Campuchia không thử sẽ tiếc cả đời

Số liệu từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VN) cho thấy năm 2016 có hơn 6, 5 triệu người Việt ra nước ngoài du lịch và con số này tiếp tục tăng nhanh chóng qua các năm. Ước tính hằng năm người Việt chi 7-8 tỉ USD cho việc đi nước ngoài du lịch .

Điều đáng nói là không chỉ bỏ tiền mua tour, khách Việt rất bạo chi để mua sắm hàng hóa ở nước ngoài.

“Chở củi về rừng”

Theo một khảo sát của tổ chức Visa về xu hướng du lịch trong năm 2018, người VN chi rất mạnh khi đi du lịch nước ngoài. Trung bình trong một chuyến du lịch, mỗi người Việt chi khoảng 880 USD và dự kiến sẽ chi khoảng 1.100 USD trong chuyến đi tiếp theo.

Du khách Việt không chỉ mua hàng lưu niệm, dầu gió, trái cây, thực phẩm chế biến, bia rượu… mà còn mạnh tay mua hàng cao cấp và đặc sản. Trong đó nhiều nhất là mỹ phẩm, sâm, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, vàng bạc nữ trang, đá quý, ngọc trai… tại Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, Trung Quốc (TQ).

Điều đáng nói là nhiều du khách sẵn sàng mua cả những hàng hóa với giá cao ngất ngưởng, trong khi những mặt hàng cùng loại ở trong nước bán đầy rẫy với giá cả hợp lý và chất lượng không hề thua kém. Chẳng hạn mới đây tham gia một tour đi TQ, tôi thấy nhiều khách Việt sẵn lòng chi đến 230 nhân dân tệ (gần 780.000 đồng) để mua 5 kg táo đóng thùng, tức khách phải bỏ ra hơn 150.000 đồng để mua 1 kg táo TQ. Nguyên nhân do sản phẩm này được quảng cáo trồng tại vùng đất “sạch nhất TQ với tiêu chuẩn sinh thái hàng đầu thế giới!”.

Tôi cũng chứng kiến khách trong đoàn dễ dàng móc túi gần 60 triệu đồng để mua bộ ấm trà bạc chạm khắc thủ công của người Miêu ở TQ. Trong khi đó tại thị trường trong nước và ngay tại cửa hàng bạc Ngôi Nhà Việt ở quận 5, TP.HCM có nhiều sản phẩm thuần Việt cùng loại với giá rất phải chăng.

Cũng có khách Việt mua những hộp trà đặc sản TQ giá lên đến 1.400 nhân dân tệ, tương đương 5 triệu đồng. Trong khi ở VN trà Ô Long, trà Tâm Châu, Thái Nguyên… chất lượng, mẫu mã không kém với giá rẻ hơn nhiều. Thậm chí có du khách mua một cái lắc bạc với giá hơn 50 USD nhưng đeo không bao lâu thấy nổi mẩn và đưa ra thợ bạc xem mới biết đó chỉ là đồ… mạ.

Du khách Việt ngày càng mạnh tay chi tiêu mua sắm khi đi du lịch nước ngoài. Trong ảnh: Du khách Việt đang mua sắm trang sức tại một cửa hàng ở Trung Quốc. Ảnh: T.TRUNG

Sập bẫy vì những lời có cánh

Vì sao du khách Việt lại mê mẩn hàng ngoại đến vậy? Thực tế đa số khách Việt thích mua đặc sản ở nước ngoài là do hướng dẫn viên đánh trúng tâm lý: Người Việt hay có thành kiến chất lượng hàng trong nước kém hơn. Đồng thời, mọi người cứ nghĩ rằng hàng mình mua khi đi du lịch là “độc, lạ” mà trong nước không có, làm quà mới quý. Nói cách khác, nhiều mặt hàng ở VN đầy rẫy nhưng khách Việt vẫn mua hàng ở nước ngoài với tâm lý “hàng xịn, hàng chính gốc, đặc sản nước ngoài”.

Không chỉ vậy, để dụ khách Việt mạnh tay mua sắm, các hướng dẫn viên và công ty du lịch nước ngoài tung ra rất nhiều chiêu. Ví dụ, họ cho du khách ở khách sạn xa trung tâm mua sắm hoặc đưa khách đến những khu vực không đáp ứng được nhu cầu mua sắm của khách. Mục tiêu là để khách không chi tiêu gì nhiều được ngoài các địa điểm mua sắm đã được các công ty du lịch bố trí đưa đến sẵn, kết hợp với việc quảng cáo, ca tụng bằng những lời có cánh.

Bên cạnh đó, hễ cứ đến địa điểm mua sắm do các công ty du lịch sắp đặt sẵn thì hướng dẫn viên lại tìm cách câu giờ để khách phải ở lâu, mua càng nhiều hàng hóa càng tốt. Lý do là khách mua càng nhiều, tiền hoa hồng càng cao (tỉ lệ chi hoa hồng cho hướng dẫn viên khá cao, 10%-30% theo doanh số mua hàng của khách).

Đối với cửa hàng kinh doanh tại các điểm du lịch, chiêu họ thường dùng để dụ du khách mua là miễn phí thăm mạch, bấm huyệt, bắt bệnh, miễn phí ngâm chân massage; miễn phí uống trà, ăn bánh, ăn trái cây… Nhưng sau đó cửa hàng nài nỉ, chèo kéo khách mua thuốc, mua trà, mua đặc sản, phẩm vật của cửa hàng dù khách không muốn.

 

Du lịch và thương mại cần bắt tay nhau

Du lịch VN phải làm gì để giữ chân khách đi trong nước và thúc đẩy mua sắm chi tiêu hàng hóa, đặc sản VN thay vì để cho dòng tiền chảy ra nước ngoài? Theo tôi, ngành du lịch và ngành thương mại dịch vụ trong nước cần bắt tay thật chặt để hỗ trợ các trung tâm thương mại, cơ sở mua sắm.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng của các sản phẩm Việt từ hình thức mẫu mã, bao bì, hương vị. Kết nối các cơ sở mua sắm với các hãng lữ hành chặt chẽ để cùng chia sẻ lợi nhuận, giảm giá tour kích cầu du khách đến với VN.

Tuy nhiên, quan trọng nhất là chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ mua sắm để mỗi sản phẩm du lịch có một câu chuyện độc đáo gắn kết với nó, tạo sự thu hút riêng. Bởi vì bán một sản phẩm trong ngành du lịch bây giờ không chỉ là bán một món hàng cụ thể mà còn là bán cả một sự trải nghiệm với cảm xúc không quên về VN.

Tiền mua sắm nhiều hơn so với tiền tour

 

Có thể dễ dàng nhận thấy các tour du lịch nước ngoài ngày càng hấp dẫn do giá ngày càng rẻ. Chẳng hạn, trước đây tour Nhật Bản có giá 30-40 triệu đồng thì nay chỉ hơn 20 triệu đồng; trước đây tour TQ giá hơn 20 triệu đồng, nay chỉ còn 12-1 6 triệu đồng trở lên. Đặc biệt là Thái Lan thậm chí rẻ hơn tour trong nước. Điều này làm cho việc mua sắm ở nước ngoài của du khách Việt chưa bao giờ dễ dàng và thuận tiện hơn.

Thống kê của Tổng cục Du lịch Singapore cho thấy trong năm 2017, VN lọt vào tốp 10 thị trường khách nước ngoài chịu chi tiêu nhất ở Singapore. Trong tổng số tiền 176 triệu SGD mà du khách người Việt chi chỉ trong quý II-2017, có 30% được chi cho nhu cầu mua sắm, 23% chi phí cho nghỉ dưỡng, 11% cho ăn uống và 35% cho các nhu cầu khác.

Khảo sát của một số công ty du lịch cũng cho thấy giá tour có thể vài chục triệu nhưng số tiền mua sắm của khách cao hơn nhiều so với tiền tour. Khách Việt nằm trong tốp khách hàng tiềm năng của nhiều nước vì thường chi tiêu cao để mua sắm, có khi lên đến 1.200-1.500 USD/người.

1
Theo PLO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm