Dựng tóc gáy, lạnh sống lưng với làng tỷ phú nuôi 3 loài rắn độc
Nuôi loài “máu lạnh”
Hiện nay, ở đồng bằng Bắc Bộ, nghề nuôi rắn đã khởi phát ở nhiều nơi. Quy mô đáng nể nhất phải kể đến xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), nghề nuôi rắn đã giúp xã này nổi tiếng ra cả nước ngoài, nhất là các nước cận kề như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…
Cách Hà Nội khoảng 60km, cạnh con đường Quốc lộ số 2 là xã Vĩnh Sơn. Con đường dẫn vào làng đã bê tông hóa từ lâu lắm rồi, đảm bảo cho các xe vận tải lớn vào ra, cùng đó là san sát các nhà cao tầng với vóc dáng hiện đại. Trong huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Sơn được mệnh danh là xã giàu của huyện. Nguồn gốc của sự giàu có này, nếu được hỏi, ngoài nghề canh nông, buôn bán thì người ta không ngại ngần mà nói đến lợi nhuận do…nuôi rắn độcmang lại.
Nghề nuôi rắn mà đặc biệt chỉ thuần một loại rắn độc ở Vĩnh Sơn có từ bao giờ? Đem câu hỏi này tới các cụ cao niên sẽ không ai đưa ra được câu trả lời chính xác. Câu trả lời từ cụ già ngót trăm tuổi cũng chỉ là: Lâu lắm rồi! Từ ngày chúng tôi còn đánh trần, chạy trên đê đã thấy bố, ông mình làm nghề có một không hai này. Theo lời kể, suy tính thì thấy, làng nghề nuôi loài “máu lạnh” này đã ngót 200 – 300 năm về trước và có thể lâu hơn thế nữa.
Những người già trong làng kể, trước đây Vĩnh Sơn vốn là vùng hoang vu, rậm rạp cùng các đầm, bãi. Thổ nhưỡng này đã tạo điều kiện để các loài bò sát trong đó có rắn tìm đến. Rắn ngày ấy, theo lời kể thì nhiều lắm. Vậy nên phản xạ về việc bắt rắn để trừ hậu họa, rồi làm thức ăn, làm thuốc đã có từ đấy. Xã hội phát triển, cùng với khoa học, rồi nhu cầu bồi bổ sức khỏe mà nhiều công dụng được phát hiện từ loài rắn đã đem đến cho dân Vĩnh Sơn thêm cái nghề bắt rắn để bán.
Rồi rắn tự nhiên cũng hết trong khi nhu cầu ngày một tăng. Từ săn và bắt rắn tự nhiên, rắn cạn kiệt dần, như một hướng mưu sinh, người Vĩnh Sơn đã tìm tòi và đến với nghề nuôi rắn theo hướng công nghiệp. Vĩnh Sơn cũng là một trong những nơi đầu tiên nổi tiếng với hiện tượng nuôi được rắn đẻ và ấp nở thành công các loại rắn độc đầu bảng. Từ thành công này, người Vĩnh Sơn đã táo bạo nuôi rắn với quy mô lớn. Những năm 70 của Thế kỷ 20, Vĩnh Sơn đã đầu tư xây dựng được cả một Trại rắn Trung tâm với sự tìm đến cộng tác của các nhà khoa học đầu ngành của Viện Khoa học và Công nghệ của Việt Nam.
Theo thông tin từ UBND xã Vĩnh Sơn hiện nay xã chỉ có trên 327ha đất nông nghiệp với khoảng trên 5.000 nhân khẩu. Vĩnh Sơn trở thành một trong những nơi chật chội nhất và có quỹ đất nông nghiệp trên đầu dân không cao. Nhờ nghề nuôi rắn có một không hai này mà hiện nay mỗi năm đã có trên 200 tấn rắn được người dân Vĩnh Sơn xuất đi tứ xứ, ra cả nước ngoài, nhiều nhất là Trung Quốc. Nhờ việc kinh doanh thứ “hàng đặc biệt” này mà hàng năm Vĩnh Sơn đã thu về từ 30 – 45 tỷ đồng.
Sinh nghề… tử nghiệp!
Vì cái nghề siêu lợi nhuận này nên hiện nay tất cả các quỹ đất dành cho sinh hoạt của mỗi gia đình trong làng Vĩnh Sơn đều được tận dụng để… nuôi rắn. Và để có lợi nhuận với cái nghề này thì càng nuôi rắn độc bao nhiêu thì càng thu được nhiều tiền bấy nhiêu. Ngoài các loại rắn độc thông thường, hiện tại người Vĩnh Sơn chỉ… ưu tiên nuôi 3 loại rắn độc nhất là hổ mang chúa, hổ mang phì và hổ mang trâu. Đã có kết quả nghiên cứu cho biết, với các loài rắn độc đầu bảng này, nọc độc của một con rắn đủ giết chết một con voi.
Mưu sinh từ rắn, giàu từ rắn, ăn cùng rắn, ngủ cùng rắn và… chết cũng vì rắn đang là những cụm từ mà thiên hạ dành cho người Vĩnh Sơn và cái nghề đầy nguy hiểm này. Lợi nhuận và nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn hiện nay thu hút đến trên 85% các hộ trong xã vào cuộc. Đâu đâu cũng thấy hầm nuôi cùng những tiếng thở phì phò của rắn. Người lạ đến làng, nếu không quen tối sẽ không ngủ được vì những nơm nớp lo sợ về tính mạng của mình. Vỉa hè, sân phơi, hiên nhà… chỗ nào cũng được người dân tận dụng để làm hầm nuôi và nhốt rắn.
Nhà chị Vũ Thị Nga nằm gần con đường trục chính dẫn vào xã. Là thế hệ sau, vợ chồng trẻ nên khi xây dựng gia đình, bố mẹ chỉ cho được 40m2 đất để làm nhà. Nhưng 40m2 đất này vợ chồng chị chỉ… dám dùng có 20m2 đất để ở còn lại là dùng… cho rắn.
Nói về sự nguy hiểm, chị Nga ưu tư: “Cũng biết là vậy. Nhưng hiện tại, với vợ chồng em cũng như dân Vĩnh Sơn mà bỏ nghề này thì không biết mưu sinh bằng nghề gì. Vì miếng ăn, vì tương lai cho con cho cháu nên đành phải… liều thôi”.
Ông Vũ Mạnh Hùng - một trong những người có “số má” về nuôi rắn ở Vĩnh Sơn cho biết, trước đây ông từng làm cán bộ nhưng kinh tế cứ chật vật nên lại chuyển sang làm nghề chụp ảnh. Nghề ảnh cũng không đủ nuôi thân và gia đình nên ông quay về kiếm sống bằng nghề cũ: Nuôi rắn độc.
Ông Hùng cho biết, với cái nghề này chả ai dám nói mạnh được. Thận trọng là trên hết và đôi khi còn phải tùy thuộc vào… mệnh trời nữa. Ông Hùng bảo, từ ngày người Vĩnh Sơn nuôi và ấp nở thành công các loại rắn độc thì hậu họa tiềm ẩn ngày một tăng.
Vì cái loại rắn do con người ấp và nuôi theo kiểu công nghiệp này nó có những phản xạ không thể lường được. Nó không như rắn ngoài tự nhiên. Có thể rắn bất thường “nổi nóng” và quay lại “tớp” chủ mà không có kinh nghiệm hay bài vở nào để dạy dỗ cả. Càng có lợi nhuận, càng tự chủ về con giống bao nhiêu thì hậu họa của rắn ngày càng được nhân lên với người dân Vĩnh Sơn.
Què, cụt, thương tích là những sự thực đang hiện diện ở làng rắn Vĩnh Sơn. Ai cũng ngại đưa ra những số liệu chết chóc liên quan đến rắn. Đi trong làng Vĩnh Sơn, giữa sự giàu có chúng tôi ưu tư dừng chân trước một ngôi nhà khá hiện đại. Ngôi nhà này chủ nhân xây được cũng từ tiền bán rắn. Nhà có duy nhất cậu con trai tên H. Cách đây mấy năm, trong một bữa rượu, cậu ấy tuyên bố với bạn bè là đã đủ giàu. Nuôi nốt đợt rắn này cậu ấy sẽ “treo kiếm” để lấy vợ và tìm một nghề khác mưu sinh.
Nhưng cực thay, chuyến hàng chở rắn cuối cùng của cậu lên Lạng Sơn bán thì cậu đã bị một con rắn cắn. Cậu lấy thuốc gia truyền uống và điện thoại cho gia đình. Nghe hung tin, vì có điều kiện nên gia đình cậu cũng tức tốc thuê một xe cứu thương cùng các bác sỹ ở Bệnh viện Bạch Mai để chạy ngược lên Lạng Sơn, với ý định gặp đâu sẽ cứu cậu ta tại đấy. Nhưng chuyến xe cấp cứu và “chuyến xe đời” của cậu đã không thể gặp nhau!
Rắn Vĩnh Sơn cùng các sản phẩm về rắn như cao, nọc, rượu rắn đã nổi tiếng, đi khắp nơi và cùng với đó là một khoản tiền rất lớn được mang về làng. Những năm 90, khắp nơi còn đang lung bung với đói kém do việc chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang thị trường thì dân Vĩnh Sơn lúc nào cũng được bưng những bát cơm trắng đầy ngật. Thời cao điểm này, trong sổ lưu về tài chính, tổng giá trị sản xuất của xã có năm đã đạt trên 28 tỷ thì trong đó có tới gần 18 tỷ do… rắn mang lại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025