Thị trường

Đường dài cải thiện môi trường kinh doanh

Việt Nam vẫn đứng sau Singapore (xếp thứ 2), Malaysia (15), Thái Lan (27) và Brunei (55) về cải cách môi trường kinh doanh. Muốn vào Top 4 ASEAN, Việt Nam phải vượt được 42 bậc nữa, đó là hành trình gian nan.

Việt Nam và Mỹ vừa ký 5 thỏa thuận kinh doanh lớn trị giá nhiều tỷ USD / 'Soi' kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2019 của 4 ông lớn ngân hàng

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2019 sắp qua đi, nhiều cải cách đã được thực hiện, thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) hoạt động. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những điểm nghẽn, những lĩnh vực còn “dậm chân tại chỗ” gây khó cho DN.

Doanh nghiệp chưa hài lòng

Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam có những lĩnh vực cải cách đột phá, có những lĩnh vực cải cách khá chậm trễ, thậm chí là đứng yên, tụt hạng, như các lĩnh vực về tư pháp, các thiết chế bảo vệ quyền và lợi ích của DN, đất đai…

Nghiên cứu của VCCI đã chỉ ra 20 điểm chồng chéo trong hệ thống pháp luật về đất đai, môi trường, xây dựng, đấu thầu, tranh chấp, phá sản…

Bên cạnh đó, đang tồn tại chênh lệch môi trường kinh doanh tại các địa phương. Có những địa phương bứt phá, thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhưng có những địa phương đang đi “thụt lùi”.

Khảo sát đánh giá tại các DN cho thấy DN còn phản ánh về sự thay đổi, bất ổn của chính sách khiến họ không thể dự báo được để có những kế hoạch kinh doanh dài hạn, chắc chắn.

Có tới 48% DN phải xin giấy phép con, nghĩa là nếu nhân với hơn 714.000 DN hiện nay thì có đến gần 350.000 DN vẫn phải xin một loại giấy phép con nào đó.

Bên cạnh đó, với các quy định về điều kiện kinh doanh, năm 2019, thực hiện theo Nghị quyết 02, các Bộ đã tiếp tục đưa ra Nghị định cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực do mình quản lý. Tuy nhiên, chỉ một số Bộ là: Công Thương, Y tế, NN&PTNT là đã đưa ra dự thảo Nghị định cắt giảm, “còn nhiều Bộ, ngành khác có vẻ không muốn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này vì đã làm ở đợt cắt giảm năm 2018”, báo cáo của VCCI nhận định.

Do đó, mức độ cắt giảm không còn được mạnh mẽ như năm trước, nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, không minh bạch, không khả thi.

Chia sẻ về những khó khăn của DN, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng dường như các Bộ, ngành có sự nể nang nhau nhiều, kéo theo khi DN kiến nghị sửa đổi lại không đạt được kết quả sửa đổi 100%, “có những kiến nghị nói đi nói lại vẫn chưa thông”.

Ví dụ như chỉ tiêu xả thải của ngành tài nguyên môi trường đang làm khó DN. Nhiều nhà máy chế biến thủy sản đang gặp vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành môi trường khi áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản. Các vi phạm chủ yếu ở các nội dung vượt ngưỡng chỉ tiêu phốt pho và nitơ.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, Dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản vẫn chưa có trong kế hoạch ban hành quy chuẩn Việt nam.

Ông Nam chia sẻ: tháng 10/2018, VASEP đã tiến hành khảo sát, hầu hết các DN kêu còn nhiều khó khăn, đến nay ý kiến của DN vẫn còn nguyên. “Sự chậm trễ này khiến các DN khó khăn trong cạnh tranh với các đối thủ khi xuất khẩu, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang cận kề thời điểm thực thi”, ông Nam cho hay.

DN vẫn chưa hài lòng về mức độ cải thiện môi trường kinh doanh

DN vẫn chưa hài lòng về mức độ cải thiện môi trường kinh doanh

Cơ hội vàng cần thể chế kim cương

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu như cải cách môi trường kinh doanh không có đột phá trong năm 2020, mục tiêu 1 triệu DN sẽ không đạt được.

“Năm 2020 là thời điểm tăng tốc về chuyển động của Chính phủ và địa phương. Đây là mục tiêu mà Việt Nam nên có chương trình mạnh mẽ hơn trong khoảng thời gian còn lại. Cần có những biện pháp cải cách mạnh mẽ hơn rất nhiều, không chỉ về gia nhập thị trường mà còn cả các biện pháp hỗ trợ DN thì mới có thể đạt được mục tiêu đề ra”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, cho hay.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng: “Lâu nay thường nghe nói đến nhiều cơ hội vàng, như biển bạc rừng vàng, dân số vàng, nhưng những cơ hội vàng này chỉ có thể được khơi dậy bằng thể chế kim cương. Một thể chế minh bạch, toả sáng có khả năng hội tụ thì mới khơi dậy được cơ hội đó, đó cũng là tinh thần của nghị quyết 02 và Nghị quyết 35 của Chính phủ”.

 

Theo ông Lộc, nếu xét riêng trong khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu lọt vào Top 4 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất. “Chúng ta vẫn đứng sau Singapore (xếp thứ 2), Malaysia (xếp thứ 15), Thái Lan (xếp thứ 27) và Brunei (xếp thứ 55). Muốn vào Top 4 ASEAN thì phải vượt được 42 bậc nữa, đó là hành trình gian nan. Nếu chừng nào chất lượng thể chế vẫn ở mức trung bình thì không thể thoát được bẫy thu nhập trung bình”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Do đó, cần đặt hành trình cải cách của Việt Nam vào cuộc đua toàn cầu về năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh. “Cỗ xe” thể chế với rất nhiều bánh xe, rất nhiều khớp nối nhưng sẽ rất thuận lợi cho phát triển nếu các bánh xe này khớp nhau.

Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng một trong những nhiệm vụ để thúc đẩy cải cách trong thời gian tới, không chỉ quán triệt thực thi những đường lối chính sách chủ trương của tỉnh/ thành phố và Trung ương mà còn phải sáng tạo ra những mô hình cải cách phù hợp với các địa phương. Mỗi địa phương có cách làm khác nhau, nhưng hiệu quả như thế nào phụ thuộc vào năng lực của địa phương.

“Việc lan tỏa, chia sẻ những thực tiễn quản trị tốt ở địa phương sẽ là cách thức tốt để cải thiện năng lực cạnh tranh và nâng cao sự phát triển cho cộng đồng DN chung cả nước. VCCI sẽ chung tay với các địa phương trong việc lan tỏa này, để tạo thành phong trào các địa phương học tập lẫn nhau, để đưa mô hình, công cụ quản trị mới vào điều hành”, ông Lộc nói.

Thực tế là những biện pháp trên đã tạo nên kết quả rõ nét trong thời gian qua. Điều tra về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI cho thấy khoảng cách về quản trị giữa các địa phương đã thu hẹp lại, cho thấy sự bứt phá của các địa phương đi sau trong việc cố gắng bắt kịp địa phương đi trước. Đây là kết quả cố gắng của nhiều địa phương, nên các địa phương còn “đứng yên” cần học tập cũng như có quyết tâm chính trị cao hơn.

 

Ông Nguyễn Văn Thân -Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa

Để cộng đồng DN phát triển cần tiếp tục có những chính sách, giải pháp quyết liệt về cải thiện môi trường kinh doanh. Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính cần phải được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh nhằm xây dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi, không chỉ phấn đấu đứng đầu trong nhóm các nước ASEAN, mà còn vươn lên tiêu chí của các nước nhóm OECD.

Bà Nguyễn Minh Thảo -Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM)

Chi phí không chính thức còn phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực. Cùng một quy định chính sách nhưng cách thức thực thi khác nhau, có tình trạng tùy tiện trong áp dụng pháp luật và phần thua luôn thuộc về DN. Đặc biệt, đang xuất hiện xu hướng các văn bản pháp luật thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn cho DN.

 

TS Nguyễn Đình Cung -Nguyên Viện trưởng CIEM

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất nỗ lực cải cách và quyết liệt thúc đẩy cải cách, nhưng thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn chưa cải thiện nhiều dù điểm số có tăng. Hai từ khóa là giảm chi phí, giảm rủi ro và phía sau đó là giảm rào cản, tăng mức an toàn trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nhìn vào hoạt động xây dựng luật pháp thì lại có tình trạng một cải cách nhưng lại có hai, ba điểm không cải cách khác kéo lại.


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm