Giám đốc phân tích SSI: Chứng khoán Việt Nam hấp dẫn nhưng luôn ở dạng tiềm ẩn
Những tiểu thư kế nhiệm nổi tiếng của tỷ phú châu Á / Bên trong cuộc sống xa hoa của 7 người con nhà Roman Abramovich
Bước sang năm Kỷ Hợi, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc phân tích khách hàng tổ chức CTCP Chứng khoán SSI (HoSE: SSI) đã chia sẻ với NDH về triển vọng thị trường chứng khoán cùng những thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2019.
Năm qua kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao nhất 11 năm, tuy nhiên điều này không được thể hiện qua các chỉ số chứng khoán. Theo bà đâu là nguyên nhân?
Thứ nhất, đặc điểm của chứng khoán Việt Nam đa phần chịu ảnh hưởng bởi cách nhìn của nhà đầu tư (NĐT) cá nhân. Hiện nay, nhóm NĐT này đang đóng góp 84% tổng giá trị giao dịch hàng ngày của thị trường. Khi NĐT cá nhân cảm thấy không an toàn, hoặc nhìn triển vọng không tốt, họ sẽ rút khỏi thị trường.
Mặt khác, những NĐT cá nhân này theo dõi sát diễn biến của NĐT nước ngoài, trong khi có một giai đoạn khối ngoại rút vốn và chuyển hướng đầu tư do ảnh hưởng bởi động thái tăng lãi suất của FED, chiến tranh thương mại.
Yếu tố chiến tranh thương mại thực tế đã phản ánh vào thị trường từ năm 2018. Những ảnh hưởng chủ yếu do cảm tính của nhà đầu tư, đặc biệt là với thị trường tài chính, nơi phản ánh kỳ vọng tương lai. Dù GDP tiếp tục tăng trưởng, tình hình vĩ mô ổn định, chứng khoán vẫn đi xuống.
Dù vậy, một số lo ngại là có cơ sở. Nếu kinh tế Trung Quốc yếu đi, Nhân dân tệ sẽ bị ảnh hưởng và tác động đến Việt Nam đồng. Cán cân thương mại của Việt Nam vẫn thâm hụt với Trung Quốc rất nhiều. Mức độ biến động sẽ không cùng pha 100% nhưng sẽ ở một mức độ nào đó.
Lãi suất sẽ được điều chỉnh theo hướng cân đối với diễn biến của tỷ giá. Nếu tỷ giá chịu áp lực, đôi khi lãi suất có thể hỗ trợ.
Thực tế năm qua, lãi suất đã tăng hơn so với dự kiến banđầu. Ngân hàng Nhà nước đã rất “dẻo tay” trong việc cân đối với chính sách lãi vay và chính sách lãi suất để đồng tiền không bị mất giá.
Lãi suất và tỷ giá là hai yếu tố mà nhà đầu tư trong nước lo ngại nhất. Bất cứ khi nào có thông tin về tỷ giá và lãi suất, thị trường sẽ phản ứng ngay. Năm 2018 với biến động tăng của lãi suất, khả năng chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư cũng giảm xuống. Họ rút tiền và đầu tư vào các sản phẩm mang lại dòng thu nhập cố định (fixed income). Một phần dòng tiền năm qua đã chảy vào kênh đầu tư này vì nhà đầu tư nghĩ an toàn hơn.
Tương tự trên thị trường thế giới, dòng tiền đã bị rút. Tuy nhiên, có một điểm được nhiều NĐT nước ngoài nhận định là Việt Nam sẽ ít chịu tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại so với các nước khác. Vì một số doanh nghiệp có thể dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Câu chuyện khối ngoại và tiềm năng TTCK Việt Nam
Bà nhận định như thế nào về dòng vốn ngoại năm qua và 2019 sẽ diễn biến như thế nào?
Năm 2018, có một số đợt IPO, bán vốn doanh nghiệp mà NĐT nước ngoài tham gia đã khiến họ bị thiệt hại. Một số thương vụ của Techcombank, Lọc hóa Dầu Bình Sơn… bán thành công cho khối ngoại nhưng hiện tại giá trên thị trường so với giá IPO đều giảm 30-40%.
Những diễn biến này tạo ra một góc nhìn không tốt của NĐT ngoại về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Trong số họ, có một số nhà đầu tư lớn lần đầu tiên tham gia vào thị trường. Khi họ tham gia bị lỗ hoặc không như kỳ vọng, họ sẽ dừng lại và cân nhắc “liệu đã đúng thời điểm để đầu tư chưa?”. Đồng thời, họ cũng sẽ có suy nghĩ vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn nên họ chưa đầu tư nhiều.
Dù vậy, nếu năm nay Chính phủ đẩy mạnh IPO doanh nghiệp lớn thì có thể dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại tiếp nhận vì còn rất nhiều công ty tiềm năng ngoài thị trường.
Bên cạnh đó, việc IPO và đưa các doanh nghiệp lên sàn sẽ tăng dung lượng thị trường, mở rộng quy mô. Dần dần NĐT sẽ chú ý và sẽ thuyết phục được họ quay trở lại.
Trong quá trình làm việc, khi tiếp xúc các tổ chức và định chế nước ngoài, bà nhận thấy mối quan tâm của họ đến TTCK Việt Nam như thế nào?
- NĐT ngoại rất quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng vì một số lý do nên họ vẫn tiếp tục quan sát và chờ đến khi thị trường Việt Nam có những bước tiến mới. Quan trọng nhất vẫn là những nguyên tắc mở cửa thị trường và cách doanh nghiệp đối xử với NĐT nước ngoài (Nguyên tắc quản trị công ty). Thường NĐT ngoại vào các doanh nghiệp dưới dạng nhà đầu tư thiểu số nắm dưới 50% cổ phần, nên họ cần đảm bảo không có rủi ro quá lớn mà không lường trước.
Năm 2018, không có nhiều chuyển biến trong các nguyên tắc mở cửa thị trường. Thị trường Việt Nam lúc nào cũng hấp dẫn nhưng luôn luôn ở dưới dạng tiềm ẩn, tức là quy mô quá nhỏ so với nhu cầu của NĐT nước ngoài. Họ đứng ngoài, vì nếu họ tham gia sẽ làm thị trường tăng rất mạnh. Thị trường hiện nay chưa đủ lớn để NĐT ngoại đầu tư.
Vốn hóa thị trường bây giờ đã mở rộng nhưng còn một số yếu tố khác thể hiện qua thanh khoản và cổ phiếu free-float lại hạn chế. Trong free-float có yêu cầu giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại). Năm qua không có nhiều thay đổi về room ngoại tại các doanh nghiệp, thậm chí xuất hiện hiện tượng doanh nghiệp còn khóa room, khiến NĐT hoang mang.
Nhiều NĐT ngoại thường xuyên đặt câu hỏi, có tiến triển gì về việc nới room ngoại không. Khi mở room thì họ mới vào được. Ví dụ, NĐT ngoại muốn có nhu cầu mua 5-10% vốn nhưng room ngoại của nhiều công ty không còn thì họ sẽ không đầu tư.
Tăng quy mô cũng là điều kiện tiên quyết để nâng hạng thị trường Việt Nam. Vì khi nâng hạng dung lượng của quỹ đầu tư cho thị trường cận biên lớn hơn nhiều so với mới nổi. Giả sử được nâng hạng, chỉ một số mã cổ phiếu đủ tiêu chuẩn để họ mua vào như HPG, VNM, SSI, VCB…
Về việc nâng hạng thị trường, theo bà còn cần những yếu tố nào Việt Nam được MSCI nâng hạng. Với luật chứng khoán sửa đổi có giúp TTCK Việt Nam được nâng hạng?
Việt Nam đã đáp ứng hầu hết tiêu chí về định lượng, bây giờ chủ yếu là các yếu tố định tính – những tiêu chí về nguyên tắc mở cửa thị trường (Market access), trong đó có vấn đề nới room, tỷ lệ free-float và tính minh bạch.
Để xem xét nâng hạng, MSCI cũng cần thu thập phản hồi từ các NĐT nước ngoài về thị trường chứng khoán Việt Nam, xem đã đủ để nâng hạng chưa? Nếu gặp phải mấy nhà đầu tư vừa đầu tư vào các thương vụ IPO 2018 thì câu trả lời có thể sẽ là không.
Chứng khoán Việt Nam cần cải thiện “market access” tốt hơn, 2 yếu tố chính là thanh khoản lớn và tỷ lệ free-float phải đủ cao. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch. Một số doanh nghiệp Nhà nước trên UPCoM không thực hiện tốt điều này, không cung cấp đủ thông tin cho nhà đầu tư. Đây là điểm rất quan trọng. Thị trường càng minh bạch càng được định giá cao.
Với luật chứng khoán sửa đổi, điểm quan trọng là luật có thể làm tăng tính tiếp cận thị trường cho nhóm VN30 và VN50 hay không, thay đổi về vốn hóa, thanh khoản, free-float?. Vì NĐT nước ngoài chủ yếu sẽ nhìn nhóm công ty vốn hóa lớn để xem xét. Theo tôi, sự thay đổi là không nhiều vì một số cổ phiếu không thể mở room thêm như MWG, FPT, hay nhóm ngân hàng. Hầu hết đều hết room.
Thị trường không phản ánh đúng tiềm lực nhiều cổ phiếu
Nhìn lại thời gian qua, khối phân tích khách hàng tổ chức SSI đã thu được những thành quả gì, và bà có nuối tiếc điều gì không?
Khối phân tích của SSI đã được khách hàng công nhận qua một số giải thưởng uy tín. Với những năm mà thị trường biến động như 2018, SSI hy vọng có thể giúp nhà đầu tư giảm thiểu thiệt hại tối đa bởi thị trường, tránh được những biến động mạnh không mong muốn.
SSI sẽ tiếp tục nỗ lực để gửi đến nhà đầu tư những thông tin và phân tích chính xác bám sát thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thực tế có rất nhiều cổ phiếu năm qua được khối phân tích đánh giá khuyến nghị “outperform” nhưng cuối cùng thị trường lại không đánh giá đúng mức như vậy?
Nếu xét về tiềm năng doanh nghiệp, kết quả doanh thu lợi nhuận thì SSI vẫn dự báo khá sát. Tuy nhiên năm vừa rồi thị trường không phản ánh đúng tiềm lực do sự lo ngại về biến động kinh tế thế giới và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Một số diễn biến xảy ra ngoài dự kiến khi mà thực tế và kỳ vọng tương lai khác nhau. Nếu loại bỏ các yếu tố này thì có thể thị trường sẽ phản ánh đúng năng lực và kết quả của các doanh nghiệp. Yếu tố tâm lý là nguyên nhân chính khiến thị trường tương đối yếu. Mặt khác, thị trường Việt Nam vẫn “theo” nước ngoài rất nhiều.
Câu chuyện vĩ mô của năm 2019 là CPTPP có hiệu lực, theo bà điều này sẽ tác động ra sao đến TTCK và các doanh nghiệp?
Bản thân tôi không trông đợi quá nhiều từ CPTPP vì thị trường mới trong hiệp định chỉ có 3 nước là Canada, Mexico và Peru. Dung tích thị trường mở rộng không nhiều. Việc gia nhập của các quốc gia lớn như Anh, Mỹ mới có thể tạo ra nhân tố thay đổi quy mô ảnh hưởng với Việt Nam. Một số ngành nổi bật có thể được hưởng lợi như dệt may, da giày…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương