Thị trường

Giảm gánh nặng cho ngành nông sản

Có 2 gánh nặng mà ngành nông sản Việt phải gánh vác hậu Covid-19 là từ khó khăn của các chuỗi bán lẻ trong nước và đình trệ giao thương quốc tế. Liệu các doanh nghiệp trong ngành này có chịu đựng nổi các “cơn bão” tiếp theo.

Cơ hội từ EVFTA trước biến động của đại dịch Covid-19 / Bắc Giang: Thu hàng trăm triệu đồng từ trồng rau củ sạch

Chuyên về trồng dưa lưới công nghệ cao để tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu, ông Trần Phong Lan, Giám đốc CTCP phát triển nông nghiệp Hải Âu, cho biết trong mùa dịch Covid-19 vừa qua, mảng nông nghiệp của công ty đang bán ở các siêu thị đã bị ảnh hưởng không ít.

“Cơn bão” tiếp theo!

Và ngay thời điểm này, theo ông Lan, các doanh nghiệp (DN) cần phải chuẩn bị các nguồn lực cho “cơn bão” tiếp theo để tự cứu mình.

Có thể thấy, việc các DN trong ngành hàng nông sản đối diện với các “cơn bão” hậu Covid-19 là khó tránh khỏi khi nguồn lực của họ có hạn, còn sức mua ở thị trường nội địa chưa thể bật tăng, trong khi xuất khẩu (XK) vẫn đang gặp gián đoạn.

Sau dịch Covid-19, các DN ngành hàng trái cây đối mặt nhiều gánh nặng

Sau dịch Covid-19, các DN ngành hàng trái cây đối mặt nhiều gánh nặng

Như ở Đồng Tháp có khá nhiều DN nhỏ và siêu nhỏ hoạt động ở mảng nông nghiệp đang bị giảm doanh thu, hoạt động cầm chừng do gặp khó khăn trong XK, đầu ra ở hệ thống bán lẻ trong nước cũng không suôn sẻ.

Chưa kể, theo giám đốc một DN chuyên XK xoài, dù hoạt động giao thương được kết nối trở lại nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chi phí logistics tăng rất nhiều so với thời điểm trước khi có dịch Covid-19 trên toàn cầu. Đây là một trong những khó khăn lớn của DN khi hoạt động kinh doanh trở lại.

Còn theo một chủ DN XK cá tra ở Đồng Tháp, một trong những bài toán đặt ra cho DN là cân bằng giữa cung và cầu. Như hồi năm ngoái đã xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu ở thị trường trong nước, dẫn tới giá sụt giảm nghiêm trọng, từ trên dưới 30.000/kg cá hồi đầu năm xuống còn trên dưới 20.000/kg vào cuối năm.

Và chính vì tiêu thụ ở thị trường nội địa gặp khó khăn sẽ gián tiếp tạo áp lực lên XK. Vị chủ DN này cho rằng việc cân bằng cung - cầu ở thị trường nội địa là một trong những bài toán quan trọng đối với các nhà DN trong thời gian tới.

 

Quan sát hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong ngành hàng nông sản hiện nay, Ts. John Walsh (Đại học RMIT Việt Nam) cho rằng có 2 gánh nặng mà họ đã phải gánh vác do Covid-19 từ các chuỗi bán lẻ trong nước và đình trệ giao thương quốc tế.

Nhất là theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương cho thấy đại dịch đã tác động trực tiếp lên các nhà phân phối. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.913,9 nghìn tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%).

Bên cạnh đó, XK một số mặt hàng nông, thủy sản cũng gặp nhiều bất lợi trong 5 tháng qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điển hình như XK thủy sản chỉ đạt 2,8 tỷ USD (giảm 10,3% so cùng kỳ năm ngoái), rau quả 1,6 tỷ USD (giảm 10,3%), cao su 470 triệu USD (giảm 29,6%), hạt tiêu 309 triệu USD (giảm 17,9%)…

Nhắm vào sản phẩm có giá trị gia tăng

Theo Ts. John Walsh, mua bán nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc đã giảm 7% theo từng năm. Trong khi đó, giao thương toàn cầu dự đoán giảm 40% vào năm sau “vì chúng ta vẫn chưa thấy được tác động của virus đối với châu Phi, Nam Mỹ, Trung Á và các khu vực khác, nơi hệ thống y tế còn hạn chế”.

 

“Báo cáo Toàn cảnh phát triển châu Á 2020 cho thấy nông nghiệp trên toàn châu lục giảm nhẹ trong năm 2019 vì thời tiết khắc nghiệt, do những vấn đề dài hạn còn tồn đọng từ biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như do suy thoái đất và nước”, Ts. John Walshcho hay.

Ông còn nhấn mạnh vào việc ngày càng nhiều ý kiến cho rằng các phương thức thâm canh trong nông nghiệp, đang được áp dụng ở Việt Nam cũng như trên thế giới, là phần tất yếu dẫn đến sản sinh ra những dịch bệnh sẽ khiến tác động của chủng virus hiện tại nhân lên nữa.

Nhìn chung, áp lực và gánh nặng đối với ngành nông sản Việt trong thời gian là rất lớn. Nhiều ý kiến cho rằng việc cần làm đầu tiên đối với các DN trong ngành hàng nông sản là phải giải quyết thách thức dài hạn về năng lực cạnh tranh và phải có sự can thiệp đa ngành của Chính phủ và phối hợp hành động của các Bộ.

Nhất là các DN hay ngành nông sản nói chung cần vượt qua tình trạng thương phẩm để vươn lên thành sản phẩm có thương hiệu. Lấy hạt điều làm ví dụ, Ts. John Walshdẫn lại thông tin từ Hiệp hội Hạt điều Việt Nam cho thấy cả nuớc XK khoảng 370.000 tấn hạt điều từ cách đây 2 năm, chiếm 14% tổng sản lượng của loại nông sản này.

“Thành quả đó đưa Việt Nam lên vị trí hàng đầu thế giới về khối lượng XK hạt điều, đồng thời chỉ ra cơ hội để Chính phủ hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước theo mô hình Mỗi làng một sản phẩm”, Ts. Wash chia sẻ.

 

Đây là sáng kiến phổ biến ở Nhật Bản, nhằm xác định một hoặc một số sản phẩm địa phương đặc trưng, tập trung nguồn lực sản xuất, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm đến thị trường trong nước hay ra nước ngoài. Mô hình này được ứng dụng thành công ở Thái Lan và hiện cũng đang được áp dụng tại Ấn Độ.

Theo chuyên gia của RMIT, đã đến lúc ngành nông sản Việt Nam cần tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng trước tình hình sụt giảm nhu cầu sản phẩm nông nghiệp do các chuỗi cung ứng bị đứt đoạn, cũng như hạn chế vận chuyển hàng hoá trong nước và quốc tế do đại dịch Covid-19.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm