Giảm thuế nhập khẩu sữa bột tăng áp lực cạnh tranh
Tuy nhiên, một số ý kiến lại đánh giá mức thuế của nhiều mặt hàng sữa nhập khẩu (NK) hiện đã giảm mạnh kể từ khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), nếu tiếp tục giảm sẽ khiến các DN sản xuất trong nước khó cạnh tranh.
Giảm từ 3-5%
Theo kiến nghị của Hội đồng xuất khẩu sữa Mỹ là giảm thuế MFN (thuế NK ưu đãi thông thường) đối với sữa bột tách kem; sữa bột nguyên kem; pho mát và sữa đông; albumin sữa. Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) cũng đề nghị xem xét giảm thuế suất thuế NK của các mặt hàng trên từ 3 - 5% tùy loại.
Cụ thể, theo quy định mức thuế suất MFN đối với sữa công thức cho trẻ em; sản phẩm dinh dưỡng y tế hiện là 10%, đề xuất giảm xuống 7%. Cùng với đó, một số chế phẩm thực phẩm dùng cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ, mức thuế suất MFN hiện tại là 15%, đề xuất giảm xuống 10%; sản phẩm dinh dưỡng y tế khác hiện có thuế suất MFN 10%, đề xuất giảm xuống 7%.
Sau khi cân nhắc, Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên mức thuế MFN các mặt hàng sữa và sản phẩm sữa thuộc các nhóm hàng trên.
“Vì qua số liệu thống kê kim ngạch NK cho thấy mặt hàng sữa, pho mát sữa đông, albumin được NK chủ yếu từ các thị trường NewZealand, Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Australia và đã được hưởng mức thuế NK ưu đãi đặc biệt theo các FTA mà Việt Nam ký kết (ATIGA, AANZFTA), cũng như sẽ tiếp tục được hưởng ưu đãi từ Hiệp định CPTPP, EAEUFTA”, Bộ Tài chính cho biết.
Có thể thấy, sữa là mặt hàng thuộc danh mục quản lý giá và có tác động khá lớn trong việc tiêu dùng. Trước đây, khi thị trường sữa liên tục biến động, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh sữa liên tục điều chỉnh tăng giá sữa, Bộ Tài chính đã thực hiện bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi thông qua việc áp giá trần.
Thời điểm đó, việc áp dụng giá trần mặt hàng sữa trẻ em đã phần nào giúp thị trường sữa tại Việt Nam bình ổn hơn. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp căn cơ để quản lý trong nền kinh tế thị trường, nên khi thị trường sữa ổn định, cơ quan quản lý đã bỏ trần giá sữa.
Sức ép cạnh tranh lớn
Theo các chuyên gia, sau khi bỏ trần giá sữa, các hãng sữa trong và ngoài nước đã cạnh tranh một cách lành mạnh và thị trường sữa không còn những “cơn sốt giá” như trước.
Tuy nhiên, thị trường có những biến động hơn kể từ khi Việt Nam thực hiện cam kết giảm thuế NK một số mặt hàng sữa theo các FTA, khiến sữa ngoại ồ ạt tràn vào trong nước, cạnh tranh gay gắt với sữa nội.
Số liệu thống kê kim ngạch NK sữa cho thấy hầu hết các mặt hàng sữa đang được đề xuất giảm thuế MFN cũng được NK chủ yếu từ các thị trường New Zealand, Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Úc và đã được hưởng mức thuế NK ưu đãi đặc biệt theo các FTA mà Việt Nam ký kết như EVFTA, CPTPP…
Chưa kể, hiện nay, trong nước đã có nhiều DN sản xuất được mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa như Vinamilk, TH True Milk… Do đó, các chuyên gia cho rằng nếu các mặt hàng trên tiếp tục được giảm thuế NK sẽ tạo ra sự mất ổn định thị trường sữa trong nước.
Lãnh đạo một DN sữa chia sẻ: nếu mức thuế MFN cho sản phẩm sữa NK tiếp tục giảm thì lượng sữa từ EU sẽ tăng đáng kể. Cùng với việc cắt giảm thuế, các yếu tố khác như tâm lý người tiêu dùng trong nước muốn sử dụng sản phẩm NK sẽ làm gia tăng cạnh tranh đáng kể cho ngành sữa Việt Nam tại thị trường nội địa. Nói cách khác, giá rẻ cộng với những tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc…, sữa từ châu Âu có thể sẽ “hạ gục” sữa sản xuất tại Việt Nam.
Thực tế, nhiều DN sữa nội cũng đang chật vật tìm cách tồn tại trên thị trường, điển hình như Hà Nội Milk. Công ty này đã nỗ lực để 6 tháng đầu năm 2019 thu vào khoản lợi nhuận vài trăm triệu đồng và năm 2018 có một khoản lợi 1,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ đến 18 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT Hà Nội Milk Hà Quang Tuấn thừa nhận sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định EVFTA, các công ty sữa nước ngoài vào Việt Nam sẽ có lợi thế ở mảng sữa bột công thức.
Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cảnh báo trong các năm tới, do thuế giảm, kim ngạch NK sữa của Việt Nam sẽ tăng mạnh. Người tiêu dùng có cơ hội sử dụng sữa ngoại giá rẻ hơn, song các DN sữa trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các hãng ngoại ngay trên sân nhà. Thậm chí, nếu không có chiến lược kinh doanh hiệu quả, rất có thể các DN sữa nội địa sẽ mất dần thị phần.
Trong phản hồi các DN nước ngoài, Bộ Tài chính cũng giải thích: “Việc giữ nguyên mức thuế NK MFN các mặt hàng sữa và sản phẩm sữa thuộc các nhóm hàng sữa bột tách kem, sữa bột nguyên kem, pho mát và sữa đông, albumin sữa nhằm hỗ trợ ngành sữa trong nước ổn định phát triển”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều