Thị trường

Giày Việt tìm hướng đi trên sân nhà

Việt Nam là quốc gia sản xuất giày xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới nhưng chủ yếu làm gia công cho các thương hiệu lớn, thị trường nội địa bỏ ngỏ cho hàng ngoại chi phối. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giày dép trong nước khoảng 150 triệu đôi/ năm nhưng sản xuất trong nước mới đáp ứng được 40%.

Hiệp hội Da Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) da giày năm 2019 đạt khoảng 21,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018. Sản phẩm giày dép Việt Nam đã được XK tới hơn 100 nước, trong đó 50 nước có kim ngạch XK trên 1 triệu USD. Tuy nhiên, một trong những điểm yếu của XK da giày Việt Nam là chủ yếu làm gia công, thiếu thương hiệu. Kim ngạch XK ngành da giày lớn nhưng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) chiếm tới 79,4%.

Khối ngoại thâu tóm

DN da giày Việt chủ yếu sản xuất theo hình thức gia công, do thiếu vốn và phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu (NK). Tỷ lệ nội địa hóa trung bình của ngành chỉ đạt khoảng 50%, trong đó khối DN FDI vẫn chiếm ưu thế lớn về số lượng, mức đóng của DN trong nước còn khiêm tốn.

Vì làm gia công, thiếu thương hiệu nên việc chinh phục người tiêu dùng Việt là điều khá khó khăn. Mặc dù nhu cầu mua sắm giày dép của người Việt ngày càng tăng nhưng vẫn vắng bóng những sản phẩm nội địa hợp với túi tiền, thị hiếu.

Khảo sát thực tế cho thấy thị trường trong nước bị chi phối bởi sản phẩm nước ngoài hoặc các DN nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Chỉ tính riêng sản phẩm giày thời trang nữ, 95% thị phần là hàng ngoại nhập là thực tế đáng suy ngẫm.

Nhìn thấy tiềm năng từ thị trường, nhiều DN nước ngoài đang chọn Việt Nam làm đích đến mở rộng hoạt động kinh doanh, trong đó cách nhanh nhất là thâu tóm các thương hiệu giày dép lâu đời của Việt Nam - vốn đã rất ít ỏi.

Mới đây, công ty bán lẻ thời trang của Nhật là Stripe Internationa đã tiến hành thâu tóm công ty TNHH MTV Global Fashion - đơn vị sở hữu thương hiệu giày, túi xách dành cho phái nữ Vascara.

Không giấu tham vọng, ông Harigae Tsutomu, Chủ tịch HĐQT Stripe Saigon, đánh giá cao tiềm năng của thị trường thời trang Việt Nam, đặc biệt là ngành giày dép, túi xách. Ngành da, giày Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân 9,7%/năm.

Theo Lefaso, số lượng giày dép bán ra tương đương 12,5 triệu đôi/ tháng, tính trung bình mỗi ngày thị trường Việt Nam tiêu dùng khoảng 0,41 triệu đôi/ngày.

Trước thương vụ trên, nhiều người tỏ ra tiếc nuối vì Vascara là thương hiệu giày dép lâu đời của Việt Nam. Có ý kiến cho rằng sẽ là quá đáng tiếc nếu DN này chưa đánh giá hết tiềm năng thị trường mà đã vội bán đi thương hiệu. Lợi nhuận trước mắt có thể lớn nhưng cũng cần thấy rằng lâu dài thì chưa chắc. Khi một thương hiệu lớn đi mua lại một thương hiệu nhỏ cần phải hiểu rằng họ đã nhìn thấy tầm ảnh hưởng của thương hiệu nhỏ trong tương lai sẽ đe dọa sự phát triển của mình.

Cùng với đó, thời gian qua, nhiều DN nước ngoài cũng đang nhắm tới thị trường giày dép Việt Nam. Ông Paolo Lemma, Trưởng Đại diện Thương vụ Italia tại Việt Nam, cho hay nhiều DN da giày của Italia - được mệnh danh là thủ phủ của thời trang thế giới, đang tìm kiếm các cơ hội xa hơn tại thị trường Việt Nam thông qua việc mở văn phòng, tìm kiếm DN hợp tác và có thể tiến tới chuyển giao công nghệ.

Xuất khẩu giày (Ảnh minh họa)

Tạo dựng

thương hiệu

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), da giày nằm trong các ngành có dư địa thị trường nội địa lớn nhất trong các ngành công nghiệp của Việt Nam do lợi thế dân số tương đối lớn, đồng thời mức sống và thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm da giày trong nước tăng lên. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giày dép trong nước khoảng 150 triệu đôi/năm nhưng sản xuất trong nước mới đáp ứng được 40% nhu cầu.

Cục Công nghiệp cũng cho biết hầu hết sản phẩm giày dép nội thuộc phân khúc trung cấp và phục vụ cho vùng nông thôn... Bên cạnh đó, thị trường đòi hỏi sản phẩm phải đa dạng về chủng loại, mẫu mã nhưng nhu cầu số lượng ít, khiến hàng hóa tồn kho cao, khả năng quay vòng vốn chậm... Mặt khác, sản phẩm của các DN ngay khi rời xưởng ra thị trường trong nước đã phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Trên các khu phố mua sắm nổi tiếng, người tiêu dùng không khó tìm một đôi giày của Trung Quốc có giá từ dưới 100.000 đồng.

Theo các DN, áp lực cạnh tranh với hàng giá rẻ từ Trung Quốc là nguyên nhân khiến các DN nội địa gặp khó khăn, phải thu hẹp hệ thống phân phối. Hơn nữa, hàng Trung Quốc liên tục thay đổi mẫu mã, giá rẻ, trong khi hàng Việt mẫu mã khá đơn điệu, giá cả cao, chất lượng chưa đảm bảo.

Nhiều DN cũng cho rằng làm hàng phục vụ XK đôi khi dễ hơn phục vụ thị trường trong nước. Thực tế làm hàng XK DN chỉ việc gia công theo mẫu mã đã có sẵn, không phải tốn công nghiên cứu thị trường, xu hướng ưa chuộng của người tiêu dùng, trong khi nhu cầu đầu ra khá bấp bênh.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Lefaso, không nhiều DN giày dép nội địa chủ động xây dựng mẫu mã thiết kế, tạo thương hiệu sản phẩm riêng. Thị trường nội địa với đặc trưng là đơn hàng nhỏ, xu hướng tiêu dùng thay đổi rất nhanh, khả năng tồn kho cao nên đòi hỏi DN phải có chiến lược phát triển phù hợp. Đó cũng là lý do khiến DN ngại mở rộng kinh doanh trên chính “sân nhà”.

Thời gian tới, để giúp DN xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường trong nước, Lefaso sẽ tập trung xây dựng bộ tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng và quy tụ các DN đạt tiêu chí thành chuỗi để đưa vào các trung tâm siêu thị, cửa hàng.

Ngoài việc không thể cạnh tranh về thiết kế mẫu mã, chi phí sản xuất của nhiều DN trong nước cũng khó cạnh tranh được hàng nhập khẩu vì khả năng tự động hóa thấp, năng suất lao động không cao và hơn 50% nguyên phụ liệu da giày vẫn phải NK từ nước ngoài. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso, cho biết năng lực sản xuất của công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành da giày còn yếu, thiếu đồng bộ trong phát triển sản xuất và cung ứng nguyên phụ liệu. Còn quá ít cơ sở sản xuất các loại nguyên liệu chính như giả da, vải không dệt, vải kỹ thuật, phụ liệu kim loại, phụ kiện nhựa, keo dán, hóa chất...

Ngành da giày chưa có sự kết nối, chia sẻ lợi ích (ví dụ tạo thị trường trong nước, liên danh liên kết...) với các ngành công nghiệp khác như cơ khí, tự động hóa... trong việc phát triển CNHT sản xuất nguyên phụ liệu da giày.

Chủ tịch Lefaso đề nghị CNHT ngành da giày cần được áp dụng các chính sách ưu đãi như đối với phát triển các CNHT khác, trong đó có những ưu đãi về khuyến khích đầu tư, các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ tín dụng...

Theo Lê Thúy/Thời báo Kinh doanh

loading...

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo