Thị trường

Gỡ nghẽn lưu thông hàng hóa hậu Covid-19

Để thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu cho giai đoạn hậu Covid-19, điều mong mỏi của giới doanh nghiệp là việc tháo gỡ các điểm nghẽn về mặt chính sách lưu thông hàng hóa rất cần được ưu tiên.

KTG Energy ra mắt dịch vụ tư vấn lắp đặt miễn phí năng lượng mặt trời / Lạng Sơn: Chặn đứng xe khách chở hàng trăm lọ sơn móng tay và bột xả bồn cầu không có hóa đơn chứng từ

Mới đây, trong cuộc khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp (DN) Nhật Bản và Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Tp.HCM về tình hình dịch Covid-19 đối với các nhà đầu tư Nhật, việc lưu thông hàng hoá là một trong những vấn đề được quan tâm.

Tránh gây đình trệ

Theo đó, do vật liệu sản xuất phụ thuộc vào nhập khẩu nên DN Nhật kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp đảm bảo việc lưu thông hàng hóa không bị ngưng trệ, chậm trễ.

Thực ra, đó cũng là mối quan tâm chung của nhiều DN xuất nhập khẩu hiện nay với mong muốn chính sách lưu thông hàng hoá không “nghẽn” trước đại dịch Covid-19.

Như vừa qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) có văn bản gửi UBND TP Hải Phòng về việc tạo điều kiện thuận lợi cho các DN sản xuất, xuất nhập khẩu và logistics vận chuyển hàng hóa đến và rời Hải Phòng.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đề nghị TP Hải Phòng xem xét, rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, phí cơ sở hạ tầng... thực hiện hình thức thu phí thuận lợi, góp phần hỗ trợ DN sản xuất, xuất nhập khẩu và DN logistics.

Hoặc như trường hợp trục trặc xuất khẩu(XK) gạo tại cảng, kho, rồi trước đó là việc “tạm dừng XK gạo”, với nhiều rối rắm do sự thiếu phối hợp nhuần nhuyễn giữa các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Tổng cục Hải quan. Điều này khiến cho khá nhiều DN gặp thiệt hại.

Có thể nói, để thúc đẩy phát triển thị trường XK và nhập khẩu trong lúc khó khăn này do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì việc tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về mặt chính sách lưu thông hàng hoá rất cần được ưu tiên và vừa đảm bảo phòng tránh dịch bệnh.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng các cơ quan quản lý cần rà soát lại các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gây ra khó khăn như thế nào trong thương mại, trong hoạt động xuất nhập khẩu ở những thị trường lớn. Để từ đó, khâu chính sách cần có những biện pháp hỗ trợ DN xuất nhập khẩu phù hợp và hiệu quả hơn.

Chẳng hạn ở thị trường EU, trong bối cảnh dịch Covid-19, hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào các nước EU bằng đường hàng không bị ảnh hưởng đáng kể do nhiều chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc cắt giảm. Các quy định liên quan đến kiểm soát dịch cũng có thể gây đình trệ việc ký kết các đơn hàng XK trong thời gian tới giữa Việt Nam với các đối tác EU.

Giới DN quan tâm nhiều đến chính sách lưu thông hàng hoá hậu Covid-19
Giới DN quan tâm nhiều đến chính sách lưu thông hàng hoá hậu Covid-19

Trông chờ chính sách thiết kế tốt

Không chỉ EU, ngay như thị trường Bắc Mỹ, nhằm kiểm soát dịch bệnh, các chính sách kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, di chuyển của các cá nhân có thể làm chậm trễ dòng chảy hàng hoá Việt Nam sang thị trường này, cũng như chịu tác động tiêu cực từ dịch vụ, lưu kho, lưu thông hàng hóa.

Hiện nay, xu hướng chính của các đối tác là hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6/2020 trở đi (thông thường hàng năm, thời gian này đã là thời gian hai bên đàm phán cho các đơn hàng cuối năm).

Chính lý do đó đã khiến các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ đang hứng chịu tác động kép từ dịch Covid-19 do nguồn nguyên liệu sản xuất vừa mới được cải thiện từ đầu tháng 3, nhưng nay lại gặp khó khăn ở thị trường đầu ra, đặc biệt EU và Mỹ là hai thị trường XK chủ lực của Việt Nam.

 

Trong việc lưu thông hàng hoá không thể không nhắc đến vai trò của các DN logistics. Vừa qua, để vượt “cơn bão” Covid-19, Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) đã đề ra một số kiến nghị nhằm làm giảm chi phí logistics, hỗ trợ các DN sản xuất và xuất nhập khẩu nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo đó, cần xem xét giảm giá dịch vụ cho DN kinh doanh vận tải, như phí cầu đường, phí BOT, cảng phí, các loại giá ở cảng biển, cảng hàng không, giá xăng dầu cho xe tải và tàu biển, tàu bay, tới mức có thể để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ DN sản xuất, DN xuất nhập khẩu và DN dịch vụ logistics trong lúc khó khăn này.

Dẫn kinh nghiệm từ Trung Quốc, các đại lý nước ngoài của DN dịch vụ logistics cho biết từ nay đến hết tháng 6/2020, nước này tạm bỏ việc thu phí sử dụng đường cao tốc và nhiều tuyến đường khác trên cả nước. Ngoài ra, phí vận chuyển hàng hóa và chi phí lưu kho tại các cảng cũng được giảm 20% cho đến hết tháng 6/2020.

Về phía Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, vừa qua có kiến nghị Bộ GTVT cho miễn phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2020; giảm 50% phí đăng kiểm xe cơ giới; điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định ôtô chu kỳ đầu là 24 tháng và chu kỳ tiếp theo là 12 tháng; không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng…

Xét về mặt chính sách, như chia sẻ của Ts. Phạm Thị Thu Trà (Đại học RMIT Việt Nam), đó là trong tình hình hiện nay thì độ tin cậy của các chính sách công sẽ là chìa khóa để đảm bảo hiệu quả của chính sách, cả trong quá trình chống lại Covid-19 và hành trình giúp đất nước vượt qua thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra.

 

Điều mong mỏi của các DN xuất nhập khẩu cho giai đoạn hậu Covid-19 là độ tin cậy sẽ có được khi chính sách lưu thông hàng hoá được thiết kế tốt, có mục tiêu rõ ràng, minh bạch, và được triển khai kịp thời ở tất cả các cấp trung ương và địa phương.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm