Thị trường

Kiến nghị mở rộng lĩnh vực được thu hút đầu tư PPP

DNVN - Cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đề nghị 5 lĩnh vực thu hút vốn PPP. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị mở rộng thêm các lĩnh vực khác.

Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm ước đạt gần 96.900 tỷ đồng / 5 nhiệm vụ, dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư công

Tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra tại Nhà Quốc hội, ngày 20/4, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng thu hẹp lĩnh vực, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.
Để phù hợp với thực tiễn, dự thảo luật quy định nguyên tắc chung, chỉ rõ 5 nhóm lĩnh vực thể hiện tại Khoản 1 Điều 5 với các lý do lựa chọn các lĩnh vực này như trong bản đầy đủ của dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật.
5 lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP theo Khoản 1 Điều 5 dự luật bao gồm: Giao thông vận tải; nhà máy điện, lưới điện; cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; y tế, giáo dục-đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Đấu thầu)
Đồng thời, nhằm bảo đảm tính linh hoạt trong triển khai trên thực tế, bổ sung quy định tại Khoản 2 Điều 5 để xử lý tình huống phát sinh dự án ngoài lĩnh vực quy định tại Khoản 1 Điều 5 nhưng cần thiết, đáp ứng 4 điều kiện và có khả năng thực hiện đầu tư theo phương thức PPP, cơ quan có thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện đầu tư theo phương thức PPP.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi với một số lĩnh vực khác, đồng thời đề nghị không quy định khoản 2 Điều 5.
Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị mở rộng thêm lĩnh vực hệ thống thủy lợi. “Tôi thấy, thủy lợi là lĩnh vực có thể thu hút đầu tư được. Nhất là đồng bằng sông Cửu Long phát triển mở ra hình thức này chắc chắn có nhiều nhà đầu tư quan tâm”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Đồng thời, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, quy định “nhà máy điện” sẽ chưa bao trùm hết phần sản xuất điện, vì nhiều nơi sản xuất điện mặt trời, điện gió không gọi là nhà máy. Vì vậy, nên quy định giống như Luật Đầu tư công là lĩnh vực “sản xuất điện”, hoặc “công nghiệp điện” để thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị cân nhắc việc quy định 5 lĩnh vực đầu tư PPP. Theo ông Uông Chu Lưu, thực tế có vấn đề là hiện nay, ngân sách nhà nước chưa đủ để làm các hệ thống truyền tải điện và lưới điện.
“Ví dụ, ở Ninh Thuận, Khánh Hòa, một số tỉnh miền Trung và miền Nam, các nhà máy điện mặt trời rất nhiều, nhưng thiếu hệ thống truyền tải điện dẫn tới quá tải. Vậy tại sao không cho thu hút đầu tư đối tác công tư vào đây, các nhà đầu tư sẵn sàng bỏ tiền vào”, ông Uông Chu Lưu nói.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng ý với Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, mặc dù hiện nay, truyền tải điện đang là lĩnh vực độc quyền, nhưng cần cân nhắc để đáp ứng yêu cầu sản xuất điện.
Về lĩnh vực thủy lợi, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đồng ý với Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Theo quy định của Luật Thủy lợi thì vẫn có hình thức thu thủy lợi phí. Vì thế, nếu quy định đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực thủy lợi cũng có thể thu hút đầu tư được, nhất là trong điều kiện một số vùng miền ở nước ta đang gặp khủng hoảng về nước ngọt phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt và sản xuất.
Theo kế hoạch, dự thảo luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ chín diễn ra từ cuối tháng 5 tới.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm