Thị trường

Gỗ Việt nơm nớp nỗi lo rủi ro giả xuất xứ

Được đánh giá là ngành có mức tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng bất chấp COVID-19 nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vẫn nơm nớp nỗi lo gian lận thương mại, bị giả xuất xứ.

Vẫn có điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu / Bất chấp dịch Covid-19, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tăng trưởng

Hiện, Việt Nam đang đối mặt với hai vụ kiện về chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ dán từ Mỹ và Hàn Quốc do nghi ngờ mặt hàng đồ gỗ làm từ gỗ dán cứng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hiện đã xuất hiện tín hiệu cho thấy một số rủi ro về gian lận thương mại đối với mặt hàng tủ bếp, bộ phận tủ bếp và ghế bọc đệm được xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Những cảnh báo rủi ro

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các tín hiệu trên bao gồm: Xuất khẩu mặt hàng này vào Mỹ tăng rất nhanh, kể cả trong giai đoạn đại dịch; nhập khẩu các mặt hàng này, hầu hết là từ Trung Quốc tăng nhanh và giá nhập khẩu khai báo của các mặt hàng này rất thấp, thậm chí thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất tại Việt Nam.

gia-xuat-xu-trong-nganh-go-2612-16000582

Tìm cách giảm rủi ro về gian lận thương mại cho ngành gỗ.

Tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 6 tháng đầu 2020 đạt khoảng 1,1 tỷ USD, giảm 12% so với kim ngạch cùng kỳ năm 2019. Gỗ tròn, gỗ xẻ, các loại ván và gỗ dán là các mặt hàng nhập khẩu truyền thống, có giá trị kim ngạch nhập khẩu lớn. Trong số các nhóm mặt hàng này, kim ngạch nhập khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ 6 tháng đầu năm 2020 so với cung kỳ 2019 giảm ở các mức tương ứng là 23% và gần 14%, trong khi kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng ván và gỗ dán tăng.

Đáng lo ngại, rủi ro về gian lận thương mại cũng đến với một số mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng bộ phận tủ bếp làm từ gỗ dán và gỗ dán đã cắt thành hình để làm ghế sofa.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu 2020, trong khi hầu hết các mặt hàng nhập khẩu có giá trị kim ngạch giảm, mặt hàng bộ phận đồ gỗ có giá trị nhập khẩu tăng gần 170% so với kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong kỳ năm 2019. 83% kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này là từ Trung Quốc. Đặc biệt, sản phẩm đồ dùng trong phòng bếp xuất khẩu sang Mỹ tăng 141% so với cùng kỳ 2019 và bộ phận đồ gỗ xuất khẩu Mỹ tăng 27% so với cùng kỳ 2019.

Đối với mặt hàng đồ gỗ đã cắt thành hình làm ghế sofa, 100% mặt hàng này được nhập khẩu từ Trung Quốc. Kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh kể từ tháng 3/2020. Lượng và kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong tháng 6/2020 tăng lần lượt là 50 lần và 80 lần so với lượng và kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này một tháng trước đó.

Số liệu thống kê của Hải quan cho thấy, trong năm 2019 và 2 tháng đầu năm 2020, không ghi nhận doanh nghiệp nào nhập khẩu gỗ dán đã cắt thành hình phần đáy của sofa. Hầu hết, doanh nghiệp nhập nguyên với kích thước phổ thông 1,22 x 2,44 m, độ dày tuỳ theo nhu cầu của người sử dụng. Tuy nhiên, từ tháng 3/2020, đã có doanh nghiệp nhập gỗ dán đã qua khâu chế biến đơn giản, dạng cắt thành tấm.

 

Sẽ có giải pháp

Dữ liệu thống kê cho thấy trong 6 tháng, Việt Nam đã nhập trên 1,4 nghìn m3 gỗ dán dạng cắt thành hình với giá trị 146,8 nghìn USD, tăng 48 lần về lượng so với tháng trước. 100% mặt hàng gỗ dán được cắt thành hình đáy sofa đều được nhập khẩu từ Trung Quốc. Các mặt hàng này là nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm gỗ.

Trong bối cảnh Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực, để ngăn chặn gian lận thương mại, mới đây Chính phủ ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp.

Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), Nghị định 102 sẽ hoàn thiện quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam sẽ quy định đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp, các ngành chức năng trong việc đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp, giúp sản phẩm gỗ đáp ứng đầy đủ các điều kiện của thị trường khó tính như EU. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10/2020.

"Thị trường châu Âu rất coi trọng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tính minh bạch và thận thiện môi trường của sản phẩm.Thực thi Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi Luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đòi hỏi Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc hợp pháp", ông Điển cho biết.

 

Theo ông Điển, những lô hàng hợp pháp sẽ được cấp giấy FLEGT và khi có giấy FLEGT, cánh cửa vào EU sẽ rộng mở hơn bao giờ hết.

Theo ông Tô Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Forest Trends, với tình hình đại dịch COVID-19 tiếp tục còn có những diễn biến phức tạp, ngành gỗ cần có những giải pháp dài hạn nhằm ứng phó với dịch và phù hợp với tình hình mới. Điều này đòi hỏi ngành cần nhanh chóng xác định chiến lượng phát triển về mặt thị trường, bao gồm cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa và về các dòng sản phẩm.

Việc phát triển thị trường và các dòng sản phẩm chiến lược cần được đặt ra trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động bởi dịch bệnh và căng thẳng thương mại quốc tế. "Chiến lược này cần dựa trên các yếu tố giảm rủi ro, bao gồm cả các rủi ro về gian lận thương mại, nhằm tránh các tác động tiêu cực tới ngành", ông Phúc nhìn nhận.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm