Hà Nội: 'Làm giàu' từ 'kẻ thù' của nhà nông
Làm giàu từ "kẻ thù" của nhà nông
Với tốc độ sinh sôi đến chóng mặt, sức tàn phá lúa cũng rất ghê gớm, ốc bươu vàng từ lâu đã trở thành đối tượng nguy hại với ngành nông nghiệp. Song ở xã Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội), con vật này đã mang lại khoản thu nhập cao, nhiều hộ đang sống nhờ nguồn thu từ việc bắt ốc bươu vàng.
Giữa những con đường nhỏ dẫn vào thôn Bến Vôi (xã Cấn Hữu), người dân tất bật với việc sơ chế ốc bươu vàng để kịp nhập cho chủ thu mua vào cuối giờ chiều mỗi ngày.
Hai năm trở lại đây, người dân Cấn Hữu có thêm nghề mới là bắt ốc bươu vàng. Không chỉ hạn chế sự sinh sôi nảy nở, tàn phá của loài này với cây lúa, người dân còn nâng cao thu nhập, nhiều hộ nuôi con học đại học nhờ việc… bắt ốc. Câu chuyện tưởng chừng khó tin nhưng đang diễn ra ở vùng quê nghèo này.
Bà con ở Cấn Hữu cho hay, trước đây khi ốc bươu vàng tràn ngập ruộng đồng, phá hại mùa màng, họ đi bắt về một phần làm thức ăn chăn nuôi, phần nhiều thì đưa đi chôn để tiêu hủy. Nhưng cách đây khoảng 2 năm, một vài thương lái thông báo với bà con nhận được mối ‘xuất khẩu’ ốc bươu vàng sang Trung Quốc, nên đứng ra thu mua sản phẩm này. Từ thời điểm đó, người dân nơi đây mới bắt ốc bươu vàng về sơ chế và bán thu tiền.
Nhiều người phải bất ngờ thốt lên, khi trước ốc bươu vàng tràn lan, tưởng chừng như không có cách nào để diệt tận gốc được, thì giờ chính "kẻ thù" lại mang về nguồn thu cho nhà nông.
Ông Nguyễn Văn Phấn (ở thôn Bến Vôi, Cấn Hữu) nói: “Người dân chỉ bắt ốc bươu vàng vào các tháng mùa hè, thời tiết nắng thuận lợi, ốc sinh và phát triển nhiều. Còn mùa đông sẽ không đi bắt, vì thời tiết lạnh”.
Theo yêu cầu của các chủ thu mua ốc, người dân phải luộc qua ốc, tách ra khỏi vỏ, vứt bỏ nhân, trứng… chỉ lấy mặt ốc. Các chủ thu mua ốc với giá 19.000/kg. Có thời điểm giá ốc ruột lên đến 23.000/kg. Với mức giá đó, mỗi gia đình thu từ 500.000 đồng – 700.000 đồng cho một ngày bắt ốc bươu vàng. Mức thu nhập trên không hề nhỏ đối với những người dân ở vùng quê Cấn Hữu.
Từ con ốc, nhiều hộ gia đình còn tiết kiệm được cả tiền xây dựng sửa sang nhà cửa, nuôi còn ăn học. Theo ghi nhận của PV, vào những ngày cao điểm, các thương lái thu mua từ 10 đến 12 tấn một ngày. Thời điểm cuối vụ như hiện nay, trung bình thương lái thu mua khoảng 4 đến 5 tấn ốc ruột từ người dân.
Vượt cả trăm cây số đi bắt ốc bươu vàng
Thôn Bến Vôi có khoảng 100 hộ dân, thì khoảng 70 hộ có nguồn thu từ việc bắt ốc bươu vàng. Sau một thời gian đổ xô đi bắt ốc trên địa bàn xã, nguồn ốc cạn kiệt dần, người dân phải di chuyển tới các tỉnh thành lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương để bắt ốc bươu vàng.
Chị Huyền (thôn Bến Vôi) nói: “Nếu bắt ở các huyện lân cận thì quá gần rồi. Thời gian này chúng tôi phải tới các tỉnh lân cận bắt mới được nhiều ốc. Khoảng 3 giờ sáng bắt đầu đi, đến trưa thì về. Hôm nào gặp ốc thì hai vợ chồng bắt được khoảng gần 40kg ốc ruột (ốc đã qua sơ chế - PV)”.
Đi bắt ốc bươu vàng hai năm nay, chị Huyền chia sẻ: “Trước đây thì bắt con ốc vì nó phá hoại lúa, giờ từ con ốc lại mang đến nguồn thu chính cho gia đình tôi. Mỗi ngày hai vợ chồng đi xe máy sang Bắc Ninh từ 3h sáng để bắt ốc trên các cánh đồng, ruộng bỏ hoang. Hôm nào năng suất thì hai vợ chồng bắt được khoảng hơn 30kg ốc ruột. Cũng nhờ con ốc, mà gia đình có nguồn thu đều đặn để trang trải cho cuộc sống hằng ngày”.
Không chỉ riêng người dân xã Cấn Hữu đi bắt ốc và mang ốc tới bán cho các thương lái trên địa bàn xã, nhiều hộ dân ở các xã thuộc huyện Chương Mỹ, xã Đông Sơn, Hòa Thạch, Tuyết Nghĩa… cũng mang hàng tới nhập cho các thương lái.
Các chủ thu mua ốc bắt đầu công việc của mình khoảng 15h hàng ngày. Các lán trại dã chiến được dựng lên khẩn trương giữa cánh đồng để gom nguồn hàng từ người dân. Ốc ruột được mang đến lán, sau khi rửa qua nước, ốc sẽ được cân và cho vào thùng xốp, ướp muối, đá lạnh để bảo quản. Mỗi thùng xốp được đóng 55kg ốc ruột đã sơ chế.
Mỗi buổi chiều, cảnh người dân mang ốc đến bán tại điểm thu mua tấp nập một góc cánh đồng. Kẻ bán, người mua, người đóng thùng hối hả cho kịp chuyến xe tối vận chuyển hàng. Theo một số người dân, số hàng sau khi thu gom sẽ được vận chuyển bằng xe tải lên Móng Cái, Quảng Ninh, sau đó ‘xuất khẩu’ sang Trung Quốc.
Trao đổi với PV VTC News, Ông Đỗ Văn Hùng – Phó chủ tịch UBND xã Cấn Hữu (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, việc người dân trên địa bàn xã bắt ốc bươu vàng để bán dã diễn ra khoảng 2 năm nay.
“Trên địa bàn xã có khoảng 600 – 700 hộ gia đình đi bắt ốc bươu vàng đế bán. Công việc này mang tính chất thời vụ, cao điểm từ tháng 6 đến tháng 10”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, trên địa bàn xã hiện có hai người đứng ra thu mua ốc bươu vàng và xuất sang Trung Quốc. Các điểm thu mua thường được đặt xa khu dân cư để tránh ảnh hưởng tới môi trường. "Phía chính quyền xã cũng yêu cầu người dân đổ vỏ ốc đúng nơi quy định, không gây ô nhiễm môi trường sống" ông Hùng nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Xu hướng tiêu dùng xăng E5 ngày càng giảm
Giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ tăng cao trong 3 năm tới
AWS dự kiến đầu tư hơn 5 tỷ USD vào Thái Lan
Việt Nam SuperPort cùng đối tác hợp tác phát triển hạ tầng logistics đường sắt, nâng cao năng lực thương mại quốc tế
Bộ Công Thương dẫn đầu các bộ về phục vụ người dân, doanh nghiệp năm 2024