Hải Phòng phải thành “cứ điểm” của các doanh nghiệp logistics mạnh
Bất động sản Bình Dương tăng giá, thị trường nhộn nhịp / Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất
Những năm gần đây, hạ tầng logistics tại Việt Nam từng bước được nâng cấp, phát triển: Hệ thống cảng trải dài từ Bắc vào Nam, trong đó có 2 cảng cửa ngõ là Cảng quốc tế Hải Phòng và Cảng Cái Mép - Thị Vải; hệ thống sân bay được mở rộng, thêm các hãng hàng không mới; các tuyến đường cao tốc phát triển; hình thành nhiều trung tâm logistics hiện đại.
Hải Phòng cần trở thành “cứ điểm” của các doanh nghiệp logistics mạnh. Ảnh minh họa: KT. |
Tuy nhiên, dịch vụ logistics còn nhiều bất cập, như: chi phí logistics cao, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp, tính kết nối hạ tầng chưa đồng bộ…
Đối với Hải Phòng, dịch vụ logistics dựa trên 3 nền tảng trọng tâm là: Dịch vụ cảng, dịch vụ sau cảng và vai trò trung chuyển; trong đó, vai trò trung chuyển của Hải Phòng rất lớn, đặc biệt thể hiện tính kết nối, làm động lực cho liên kết vùng và quốc tế.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, với vị trí và vai trò như vậy, thành phố Hải Phòng cần tạo nên đột phá về logistics.
“Hải Phòng phải trở thành “cứ điểm” của các doanh nghiệp logistics mạnh. Đầu tư hạ tầng phải có chọn lọc, quy mô và tính hiện đại. Ví dụ: Các kho phải là kho thông minh, theo dõi bằng phương tiện hiện đại. Hiện, nhân lực cho logistics còn thiếu, Hải Phòng có thể tập trung trong phát triển nhân lực cho logistic. Vai trò của các cơ quan chính quyền trong đẩy mạnh và hỗ trợ doanh nghiệp cũng rất quan trọng”, ông Hải nhấn mạnh.
Với Hải Phòng, logistics không chỉ giúp thành phố cảng phát huy thế mạnh mà phải trở thành động lực, nội lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế xã hội, tăng trưởng GDP, hiện đại hóa nền kinh tế, đẩy mạnh sự lan tỏa của thành phố Hải Phòng ra khu vực.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, thành phố Hải Phòng cần khẩn trương nghiên cứu xây dựng và ban hành kế hoạch hành động để triển khai Quyết định 200 của Thủ tướng về phát triển hệ thống logistics, cũng như kế hoạch cải thiện chỉ số LPI của logistics mà Bộ Công thương đã ban hành.
“Chúng ta phải nhìn tổng thể Hải Phòng trong tương lai phát triển và hội nhập của Việt Nam, trong bối cảnh của các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta đang tham gia, đặc biệt trong những liên kết mà do tính chất đặc thù của cơ cấu kinh tế và địa chính trị của chúng ta quyết định”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kiến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất cho vay
Đại biểu Quốc hội đề xuất áp thuế suất ưu đãi cho cơ quan báo chí
Giá nông sản ngày 28/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá vàng thế giới ngày 28/11: Phục hồi sau chuỗi ngày giảm sâu
Đầu tư Khai khoáng và Quản lý Tài sản FLC GAB bị xử phạt
Giá ngoại tệ ngày 28/11/2024: USD chững lại tại một số ngân hàng thương mại lớn