Hải Phòng: Trở thành tỷ phú từ kinh tế trang trại
Thu tiền tỷ từ VAC
Có công việc ổn định tại Công ty Cơ khí Vận tải về xây dựng thuộc Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam, nhưng ông Lê Văn Thám (thôn Kinh Lương, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng) vẫn quyết định đầu tư xây dựng trang trại VAC trên đồng đất quê hương mình.
Năm 2010, ông Thám mạnh dạn đề nghị với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho gia đình chuyển đổi 3ha cấy lúa năng suất thấp sang làm trang trại chăn nuôi. Cũng nhờ làm nghề xây dựng được đi đây, đi đó, biết nhiều mô hình phát triển kinh tế hay nên trên phần diện tích được chuyển đổi, ông Thám mạnh dạn xây dựng 3 trang trại (3.000m2) nuôi gà đẻ trứng Thái Lan làm nền tảng, quy mô 15.600 con, nuôi gia công cho Công ty CP của Thái Lan. Diện tích xen kẽ giữa các trang trại, ông thả nuôi cá trắm, cá trôi, cá chim, cá chép… và trồng các loại cây ăn quả.
Những năm đầu, do vừa làm công việc tại công ty, vừa phát triển kinh tế trang trại, lại chưa có kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi nên ông Thám gặp không ít khó khăn, cây trồng - vật nuôi phát triển chậm, hiệu quả mang lại chưa cao, chỉ “lấy công làm lãi”.
Làm ăn vất vả, khó khăn là vậy nhưng ông Thám chưa vội nản chí. Từ các mối quan hệ sẵn có, ông đã tìm hiểu, học hỏi thêm kinh nghiệm từ các mô hình thực tế, qua sách, báo và các lớp tập huấn khuyến nông, khuyến ngư do các cấp tổ chức.
Sau khi nắm được kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, ông Thám chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, năng suất và sản lượng cây trồng - vật nuôi dần được nâng cao. Năm 2012, trang trại gà đẻ trứng của gia đình ông bình quân một ngày cho 14.000 quả trứng, thu lãi 4 - 4,5 triệu đồng/ngày; thu lãi từ 3 trại gà 1,2 tỷ đồng/năm. Thu nhập từ ao nuôi thủy sản bình quân 120 triệu đồng/năm.
Ông Thám chia sẻ: “Giống gà đẻ trứng Thái Lan đẻ rất khỏe, mỗi con gà cho thu khoảng 300 quả trứng/năm. Gà nuôi theo quy trình khép kín, thức ăn theo quy chuẩn, đảm bảo sản lượng. Sau khi thu hoạch trứng, Công ty CP sẽ thu mua toàn bộ theo như hợp đồng hai bên đã ký kết, nên tôi không phải lo chạy tìm đầu ra cho sản phẩm, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao”.
Nhận thấy việc làm ăn thuận lợi, năm 2014, ông Thám tiếp tục thuê thêm 2ha đất nông nghiệp, mở rộng trang trại lên 5ha. Diện tích thầu thêm ông Thám đầu tư xây dựng 2 trang trại nuôi lợn thịt với quy mô 1.000 con, mỗi lứa cho thu nhập 500 triệu đồng; diện tích còn lại chuyển đổi sang nuôi rươi.
Mô hình VAC của ông Thám giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng. Trừ chi phí, gia đình ông thu nhập khoảng 2 tỷ đồng/năm.
Đàn lợn sống sót giữa tâm dịch
Đầu tháng 3/2019, dịch tả lợn châu Phi bùng phát tại Cấp Tiến và lan nhanh như một cơn lốc, khiến cho các trang trại, gia trại lớn nhỏ trên địa bàn xã phủ trắng màu vôi bột, các hộ chăn nuôi gần như “sạch” lợn, chuồng trống. Đến nay, số lợn trong xã bắt buộc phải tiêu hủy trên 800 con, trọng lượng khoảng 40 tấn.
Dù nằm giữa vùng dịch nhưng do nhận thức được sức tàn phá của dịch tả lợn châu Phi là không hề nhỏ, lại chưa có vắc xin phòng bệnh, nên ông Thám ý thức phải tự “cứu mình, cứu lợn”. Đối với đàn lợn của gia đình, ông chủ động áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phun sát trùng tất cả các dụng cụ, khuôn viên trang trại cũng như các phương tiện ra vào trang trại. Hơn nữa, ông còn sử dụng nguồn nước ngầm cho đàn lợn để hạn chế thiệt hại và bảo vệ đàn lợn, dù dịch bệnh vây quanh.
Để đảm bảo an toàn cho đàn lợn của gia đình giữa “tâm bão” dịch tả lợn châu Phi, ông Thám chia sẻ: “Trong chăn nuôi, tôi từng trải qua nhiều đợt dịch lợn tai xanh, lở mồm long móng… nhưng chưa có loại bệnh dịch nào gây thiệt hại lớn như dịch tả lợn châu Phi. Đầu tháng 3, dịch tả lợn châu Phi tràn vào địa phương, dù người dân, chính quyền đã dùng đủ mọi biện pháp ngăn chặn nhưng nhiều hộ dân trong xã không giữ được lợn. Nhận thấy sức tàn phá của đợt dịch này, tôi rất cẩn thận trong việc chăm sóc đàn lợn. Hệ thống chuồng trại được khép kíp, nhân viên chăm sóc lợn phải đảm bảo vệ sinh, ra vào chuồng hay khu vực chăn nuôi phải khử trùng trước khi vào trại. Tôi còn phải liên lạc qua điện thoại với nhân viên chăm sóc lợn, có dám vào chuồng đâu. Sểnh ra là hỏng cả cơ nghiệp. Nay đã nghỉ hưu nên toàn bộ thời gian tôi giành hết cho việc chăn nuôi và phát triển trang trại của mình, coi như đây là cơ nghiệp để tôi về quê dưỡng già cho đỡ buồn”.
Trong khi đàn lợn của các hộ chăn nuôi lợn trong xã gần như bị xóa sổ vì dịch tả lợn châu Phi, thì trang trại lợn 1.000 con của gia đình ông Thám vẫn khỏe mạnh, hồng hào. Đến tháng 5/2019, đàn lợn đạt trọng lượng 100 - 120kg/con, được Công ty CP thu mua, ông Thám thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Sau khi 1.000 con lợn được xuất chuồng, đến tháng 7, ông Thám tiếp tục tái đàn nuôi tiếp 1.000 con nữa.
Ngoài việc phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao, gia đình ông Thám thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ con giống, vốn và chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nhiều hộ gia đình trong và ngoài địa phương có nhu cầu phát triển VAC.
Với thành tích trong việc phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương, năm 2014, gia đình ông Thám được UBND TP. Hải Phòng tặng Bằng khen. Năm 2016, ông được Hội Nông dân TP. Hải Phòng và Hội Nông dân Việt Nam cấp Chứng nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012 - 2016. Năm 2017, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2012-2017.
Theo Phạm Trang/Kinh tế nông thôn
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kê khai sai thuế, Công ty Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 D2D bị phạt hơn 865 triệu đồng
Ra mắt liên minh đổi mới đối tác AI tạo sinh
Đà Nẵng: Liên tiếp xử phạt bán hàng giả nhãn hiệu nổi tiếng tại quận du lịch trọng điểm
Nền tảng ngân hàng số cho doanh nghiệp
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông