Với thủ đoạn giả mạo những giấy tờ, hợp đồng mua bán căn hộ, cùng với sai lầm của công chứng viên, nhiều nạn nhân bị mất trắng hàng tỷ đồng khi mua nhà.
Có công chứng vẫn bị lừa
Phản ánh đến báo Tiền Phong, ông Nguyễn Cảnh Phương (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) và Nguyễn Quang Bảo (trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết là nạn nhân của vụ lừa đảo từ mua nhà dù đã thực hiện công chứng qua văn phòng công chứng Vạn Xuân (số 48, phố Giang Văn Minh, Đội Cấn, Ba Đình).
Theo đó, ngày 16/3/2017, ông Nguyễn Cảnh Phương làm thủ tục sang nhượng căn hộ số 2307 (dự án Trung tâm thương mại - dịch vụ công cộng và nhà ở tại KĐT Trung Hòa Nhân Chính, phường Nhân Chính - Thanh Xuân, Hà Nội do Cty CP Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội làm chủ đầu tư) với bà Nguyễn Thị Hiền Đức. Bản công chứng hợp đồng mua bán căn hộ có số 0114117 được thực hiện cùng ngày tại Văn phòng công chứng Vạn Xuân.
Cũng với thủ đoạn tương tự, Nguyễn Quang Huy “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trị giá 1,5 tỷ đồng của ông Nguyễn Bảo Quang (trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội). Theo hồ sơ, ngày 25/10/2016, ông Quang và ông Huy có đến Văn phòng công chứng Vạn Xuân làm toàn bộ thủ tục chuyển nhượng Hợp đồng mua bán căn hộ số 804, tòa nhà hỗn hợp văn phòng cho thuê và nhà ở số 1 phố Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân, Hà Nội) với số hợp đồng công chứng tại Văn phòng công chứng Vạn Xuân là 04383216.
Tuy nhiên, đến ngày 11/4/2018, Công an quận Bắc Từ Liêm thông báo cho ông Quang biết, ông Nguyễn Quang Huy đang bị bắt giữ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và giả mạo con dấu, giấy tờ. Lúc này, ông mới tá hoả biết mình bị lừa.
Cơ quan công an xác định, thủ đoạn của Huy là ký hợp đồng thuê nhà thời gian dài từ 1-3 năm, trả tiền thuê qua tài khoản nên chủ nhà gần như không xuất hiện. Lợi dụng các văn phòng công chứng không thẩm định kỹ hồ sơ mua bán nhà nên Huy đã sử dụng giấy tờ giả qua mặt các văn phòng công chứng để làm thủ tục mua bán nhà một cách công khai. Với thủ đoạn này, ngoài 2 vụ việc nêu trên, Huy còn gây ra 3 vụ lừa đảotương tự.
Mòn mỏi đợi đền bù
Ông Phương và ông Quang nhiều lần tới Văn phòng công chứng Vạn Xuân yêu cầu bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại vì văn phòng này công chứng toàn bộ hồ sơ căn hộ giả mạo và không tra cứu, kiểm tra giao dịch đã có của các tài sản trên. “Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Trưởng Văn phòng công chứng Vạn Xuân cho rằng, lỗi do rủi ro nghề nghiệp của công chứng viên và văn phòng đã mua bảo hiểm của Cty PVI Hà Nội nên bảo hiểm sẽ đền bù cho khách hàng. Thế nhưng đến nay, tôi vẫn chưa nhận được bồi thường” - ông Quang bức xúc nói.
Ngày 24/8/2018 vừa qua, Cty Bảo hiểm PVI có công văn đề nghị Văn phòng công chứng Vạn Xuân bổ sung các tài liệu: Quy trình và thủ tục công chứng đối với các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản là bất động sản; Giải trình việc thực hiện quy trình công chứng viên thực hiện nghiệp vụ công chứng đối với trường hợp công chứng của ông Phương và ông Quang.
Qua điện thoại, ông Nguyễn Mạnh Dũng - Trưởng Văn phòng công chứng Vạn Xuân cho biết đang xử lý các vấn đề của 2 trường hợp nêu trên. “Mỗi năm, chúng tôi công chứng hàng nghìn hợp đồng mua nhà. Còn việc chúng tôi công chứng sai sẽ chịu trách nhiệm. Văn phòng đang chờ kết luận từ cơ quan điều tra”, ông Dũng nói. Về quy trình công chứng cụ thể tại Văn phòng Vạn Xuân, ông Dũng lấy lý do bận tổ chức hội thảo, sẽ cung cấp thông tin sau.
Giám đốc Kinh doanh nhà ở Savills khu vực miền Bắc và miền Trung Việt Nam cho rằng, hiện người Việt mua nhà không đặt nặng đến các chi phí vận hành, quản lý tòa nhà mà chỉ quan tâm đến vị trí. Đây cũng là một trong những nguyên do dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện tại một số khu chung cư.
Theo tienphong.vn