Hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó do gián đoạn chuỗi cung ứng
DNVN - Thời gian tới, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn phải đối mặt với nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng; giá cước vận tải tăng cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu...
Tín hiệu tích cực trong huy động vốn đầu tư, kim ngạch xuất khẩu / Đà Nẵng, Đăk Lăk, Gia Lai và Kon Tum ký kết hợp tác kết nối giao thương
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,4%
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 30/3 thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 3 tháng năm 2022, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine và đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn, thương mại toàn cầu có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, sự gián đoạn nguồn cung, giá cước vận tải gia tăng đã làm giảm sức mạnh phục hồi của thương mại hàng hóa. Giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu và các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất tiếp tục tăng cao. Một số mặt hàng chạm các mốc kỷ lục đã ảnh hưởng tới phát triển một số ngành sản xuất công nghiệp.
Ở trong nước, tốc độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 nhanh chóng, sự phục hồi kinh tế toàn cầu và một số động lực chính đã tác động tích cực đế phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022. Theo đó, hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương đều trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Trong quý I năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Với riêng ngành công thương, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp tăng 7,07%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (5,03%) và tăng cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (6,44%).
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm.
Với các giải pháp đồng bộ hỗ trợ, khôi phục sản xuất kinh doanh nên sản xuất công nghiệp tháng 3 đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 tăng 22,9% so với tháng 2 và tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Tính chung quý I năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,3%; khai khoáng tăng 1%.
"Nhìn chung, sản xuất công nghiệp quý I năm nay được khôi phục ở hầu hết các ngành. Nhu cầu và sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.
Sức mua còn yếu,chuỗi cung ứng bị gián đoạn
Về xuất nhập khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, mặc dù tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine, nhưng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong quý I năm nay vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 88,58 tỷ USD, tăng 12,9%. Nhập khẩu hàng hóa đạt 87,77 tỷ USD, tăng 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2022 ước tính xuất siêu 809 triệu USD.
Về thị trường trong nước, hoạt động thương mại dịch vụ đã từng bước khôi phục, thị trường hàng hóa và đời sống người dân dần ổn định, các điểm bán lẻ, hệ thống phân phối, nhà hàng, khách sạn, hàng quán kinh doanh ăn uống... đã mở cửa trở lại. Các cơ sở kinh doanh bán hàng song song cả hình thức trực tiếp và trực tuyến đã khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I năm 2022 gia tăng, đạt 1.318.000 tỷ đồng, tăng 4,4%. Nếu loại trừ yếu tố giá, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Hàng hóa dồi dào nhưng sức mua vẫn còn yếu, tiêu thụ hàng hóa của người dân vẫn chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu. Bên cạnh đó, xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa trong năm nay và lạm phát kỳ vọng có thể khiến người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Trong thời gian tới tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ vào sự phục hồi của kinh tế thế giới và việc triển khai các FTA của Việt Nam được thực thi một cách đầy đủ. Làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Gói phục hồi kinh tế với các chính sách hỗ trợ sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh. Việc giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành.
Với thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định, cầu nội địa sẽ phục hồi và gia tăng dần do nước ta đã đạt tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 tương đối cao, đảm bảo người tiêu dùng có thể tham gia thị trường mua sắm an toàn hơn.
Việc mở cửa du lịch trở lại sẽ kích thích mua sắm, tiêu dùng. Triển vọng về tiêu dùng trong nước sẽ sáng sủa hơn do sản xuất phục hồi, người lao động trở lại làm việc, thu nhập gia tăng.
Tuy vậy, thời gian tới, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng phải đối mặt với nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải tăng cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu. Giá hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu nhập khẩu là đầu vào của sản xuất dự báo sẽ tiếp tục tăng cao, khiến hàng hóa trong nước tăng, gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thêm vào đó, việc triển khai các gói kích thích kinh tế của Chính phủ sẽ kích thích tăng trưởng nhưng cũng đồng thời gia tăng áp lực lạm phát.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo