Kịch bản tăng trưởng GDP mới trong bối cảnh dịch Corona
DNVN - Theo số liệu tổng hợp và tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona đối với phát triển KT-XH là rất nghiêm trọng.
Tìm kiếm thị trường thay thế các sản phẩm XNK từ Trung Quốc do dịch Corona / Long An: Nông dân trồng thanh long điêu đứng do ảnh hưởng bởi dịch do virus Corona
Chiều 05/02 đã diễn ra buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng. Tại đây, trả lời câu hỏi của báo chí về kịch bản phát triển KT-XH mới như thế nào trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Về kịch bản tăng trưởng kinh tế, từ năm 2016 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ KH&ĐT, trong đó nòng cốt là Tổng cục Thống kê, phải xây dựng một kịch bản tăng trưởng kinh tế để phục vụ cho công tác điều hành, can thiệp chính sách…
Kịch bản tăng trưởng GDP là kịch bản dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế theo quý, 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm… Trong trường hợp các điều kiện tốt hơn thì tốc độ tăng trưởng cao hơn. Trong điều kiện có những tác động tiêu cực thì tốc độ tăng trưởng có thể sẽ thấp hơn. Tuỳ theo các cấp độ cập nhật sẽ tham mưu, kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có những giải pháp thích hợp theo từng điều kiện để cố gắng phấn đấu thực hiện được kịch bản đã đề ra.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm 05/02, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã chuẩn bị và phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp thông tin, số liệu để xây dựng báo cáo đánh giá tác động của dịch cúm viêm đường hô hấp cấp tới tăng trưởng kinh tế.
Trên cơ sở dữ liệu của tháng 1 để có những tính toán dự kiến mức độ tác động của dịch đối với tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu tổng hợp được, tính toán của Bộ KH&ĐT cho thấy mức độ ảnh hưởng là rất nghiêm trọng. Nếu dịch được kiểm soát trong quý I thì mức độ tăng trưởng cả năm chỉ còn 6,27%. Nếu dịch kéo dài và chúng ta kiểm soát trong quý II, nguy cơ chúng ta bị giảm tăng trưởng chỉ còn 6,09%. Tất nhiên đây chỉ là con số chúng tôi ước tính, dự báo, còn thực tế tuỳ thuộc vào dịch được kiểm soát ở thời điểm nào cũng như những chính sách, tác động, sự điều hành của Chính phủ đối với nền kinh tế. Đây cũng là phương án để theo dõi.
Bộ KH&ĐT sẽ thường xuyên cập nhật thông tin, rà soát thường xuyên phương án kịch bản để báo cáo kịp thời Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan tới vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chia sẻ với TTXVN rằng: Theo tính toán, dự kiến nếu dịch do virus Corona được khống chế kịp thời trong quý 1 này, ước tính GDP năm nay tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra).
Nếu dịch do virus corona kéo dài sang quý 2 tới, tăng trưởng quý 2 tới là 5,81%, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP là 0,89 điểm phần trăm. Điều này dẫn tới ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước và thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra. Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 là thách thức rất lớn và khả năng sẽ không đạt được.
"Tôi cho rằng, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng Một vừa qua tổ chức sáng nay (5/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng là quyết định đúng và sẽ thử thách bản lĩnh của Chính phủ trong điều hành kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Theo đó, Chính phủ cần có những chỉ đạo kịp thời các bộ, ngành, địa phương có giải pháp trước mắt và lâu dài để thúc đẩy tăng trưởng", ông Nguyễn Bích Lâm cho biết.
Tại kỳ họp thứ 8, khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2019, dự báo về bối cảnh, tình hình của năm 2020 còn nhiều biến động khó lường, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế. Do đó, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ báo cáo Quốc hội mục tiêu tăng GDP năm 2020 khoảng 6,8% là mức tăng hợp lý, bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội. |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 5/1/2025: SJC dao động quanh mức 85 triệu đồng/lượng
Giá ngoại tệ ngày 5/1/2025: USD giảm tốc sau chuỗi tăng trưởng mạnh
Giá heo hơi ngày 5/1/2025: Biến động tăng trên cả ba miền
Giá nông sản ngày 5/1/2024: Cà phê ổn định, hồ tiêu tăng mạnh
‘Thúc’ giải ngân gói 145.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội
Cột tin quảng cáo