Kiên Giang: Nuôi tôm sạch theo mô hình lót bạt đáy của ông Lê Việt Hải cho thu nhập cao
Nuôi tôm sạch theo mô hình lót bạt đáy của ông Lê Việt Hải (64 tuổi), ngụ ấp Phước An, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao (Kiên Giang) vừa thân thiện với môi trường, vừa ổn định đầu ra và bán được giá cao.
Khám phá kỹ thuật nuôi tôm trong hồ lót bạt HDPE đạt 40 đến 50 tấn/ha tại Cần Giờ / Bình Định: Hiệu quả nuôi cá lồng tại hồ chứa nước Hội Sơn
Năm 2014, ông về lại vùng quê xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao thuê 2 ha đất để nuôi tôm thẻ chân trắng. Sau hai năm gắn bó ở đây, ông quyết định gắn bó với vùng đất này. Ông tìm mua lúc đầu vài ha nằm cặp sông Cái Lớn, thuộc xã Thủy Liễu, đến nay đã có tổng cộng 7 ha.
Theo ông Lê Việt Hải, nếu không có niềm đam mê thì không thể nào gắn bó với con tôm ở đây được. Vì vậy, ông tự học hỏi từ bạn bè, trên trang mạng để đầu tư dần nuôi theo mô hình tôm sạch bằng hình thức lót bạt đáy. Trong tổng số 7 ha, nhưng chỉ nuôi hơn 1 ha, từ 4 - 6 ao, cả chục ao còn lại ông chỉ để xử lý nước sạch theo hệ thống tuần hoàn. Nguồn nước sau khi thu hoạch tôm, được bơm ra ao khác chứ không xả ra môi trường bên ngoài. Từ ao này chuyền qua ao khác, khoảng 7 - 8 công đoạn, đến khi đạt bơm trở lại ao nuôi tiếp đợt sau.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt đáy tại huyện Gò Quao. Ảnh: Lê Sen - TTXVN |
Với cách làm này, tôm ít bị bệnh và tôm hoàn toàn sạch, nên không chỉ cho năng suất cao mà còn bán được giá. Năm 2017 và 2018, ông Hải chỉ nuôi 4 ao, mỗi ao sau khi thả nuôi đến kỳ thu hoạch 100 ngày sẽ cho thu về từ 7 - 12 tấn/ao. Với trọng lượng khoảng từ 20 - 22 con/kg nên tôm bán được giá, cùng với đó bán số lượng nhiều nên giá cũng cao hơn người nuôi nhỏ lẻ.
Theo nhẩm tính của ông Hải, nuôi theo mô hình khép kín tuần hoàn, chi phí đầu ra tương đối cao. Trung bình, sau khi trừ chi phí, người nuôi còn lãi từ 20 - 30%. Ông Hải đầu tư mỗi năm từ 5 - 7 tỷ đồng.
Nuôi theo mô hình khép kín tuần hoàn lót bạt đáy còn được lợi nhiều hơn. Do nguồn tôm sạch, nên các công ty họ đặt mua giá cao hơn mỗi kg hơn 10.000 đồng và không phải lo đầu ra. Năm 2019, ông Hải tiếp tục mở rộng nuôi thêm 2 ao. Với 6 ao thả nuôi, chiếm diện tích khoảng 1.300 m2. Rút kinh nghiệm những năm rước, năm 2019, ông Hải thả nuôi sớm hơn, gần tết hoặc sau tết nguyên đán và thu hoạch dứt điểm vào tháng 4 hàng năm. Thời điểm này độ nước mặn đạt và giá tôm cũng cao hơn; thêm vào đó sẽ nâng lên nuôi được 3 vụ/năm thay vì 2 vụ như hiện nay.
Với kinh nghiệm của mình, ông Hải chia sẻ, nếu chấp nhận "ôm" con tôm thì phải tìm tòi học hỏi và mình giống như "kỹ sư" để theo dõi, nắm tình hình thời tiết, nước mặn ngọt thế nào, thả nuôi vào tháng nào trong năm cho phù hợp. Điều ông trăn trở nhất hiện nay, nhà nông đa phần nuôi tôm theo hình thức nhỏ lẻ, bị thương lái ép giá, đầu ra thiếu ổn định. Vì vậy, nếu các hộ nông dân nuôi hợp tác với nhau thì người nuôi trao đổi kinh nghiệm, thả đồng loạt, thu hoạch đồng loạt thì đầu ra vừa ổn định lại có giá bán ra cũng cao hơn.
Với suy nghĩ của mình, thời gian tới, ông Hải sẽ hướng cho người nuôi tôm trên địa bàn hợp tác với nhau, trong đó ông sẽ làm đầu mối để ký kết hợp tác đầu ra với các công ty thu mua. Qua đó nhằm giúp người nuôi tôm trên địa bàn tăng thêm thu nhập, nhất là ổn định được đầu ra.
Theo Lê Sen/Dân tộc và Miền núi
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo
Hồ nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt đáy của gia đình ông Hải ở Gò Quao. Ảnh: Lê Sen - TTXVN