Kỳ vọng hàng Việt "Made by Vietnam"
Trước những đòi hỏi cao về việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa từ những thị trường lớn như Mỹ, EU, điều quan trọng nhất là phải có các sản phẩm “Made by Vietnam” (tạo ra bởi người Việt) thay vì “Made in Vietnam” (làm tại Việt Nam) như hiện nay.
TP.HCM tăng gấp đôi hạn mức cho người nghèo vay tiền / Đề xuất thủ tục quá cảnh hàng hóa thông qua Hệ thống quá cảnh ASEAN
Ông Nestor Sherbey, chuyên gia của Liên minh Tạo thuận lợi thương mại toàn cầu (GTFA), cho rằng xuất khẩu (XK) của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vào thị trường Mỹ trong thời gian tới sẽ đối mặt không ít rủi ro trong vấn đề chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Cần sản phẩm “tạo ra bởi người Việt”
Theo ông Nestor, ngoài nguồn nông sản, thủy sản XK có thể chứng minh 100% nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam, những mặt hàng lắp ráp, gia công (điển hình như ngành hàng điện tử) có cấu phần, bộ phận đến từ nhiều hơn một quốc gia.
“Các DN Việt khi XK sang Mỹ cần phải đảm bảo cung cấp thông tin cụ thể, chi tiết về nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm được làm ra như thế nào, sản xuất ở đâu… Nếu DN cung cấp thông tin không chính xác sẽ vấp phải sự trừng phạt nặng nề từ phía Hải quan Mỹ”, ông Nestor lưu ý.
Chia sẻ với giới DN ở TP. Hồ Chí Minh tại hội thảo ngày 16/7 bàn về việc DN Việt Nam tận dụng cơ hội từ thương chiến Mỹ – Trung đến Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), ông Nestor nhấn mạnh người tiêu dùng Mỹ vẫn rất muốn nhập khẩu (NK) nhiều mặt hàng Việt hơn nữa. Thế nhưng, điều quan trọng để hàng Việt giảm thiểu rủi ro, không phải rơi vào “danh sách đen” ở Mỹ cần đảm bảo quá trình sản xuất minh bạch, xuất xứ rõ ràng và có uy tín thương hiệu.
Với căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, phía hải quan Mỹ càng để mắt nhiều hơn đến hàng hóa NK từ Việt Nam và Thái Lan trước viễn cảnh hàng hóa Trung Quốc chuyển tải vào hai quốc gia ở khu vực Đông Nam Á này rồi XK sang Mỹ.
Chẳng hạn như các tấm ván gỗ công nghiệp thành phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc được NK vào Việt Nam, thay đổi mã hàng hóa, rồi lắp ghép thành bàn ghế, sau đó gắn mác là sản xuất tại Việt Nam và XK sang Mỹ.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong dài hạn, trước những đòi hỏi cao về việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, các DN Việt Nam nên tranh thủ các lợi thế đang mở ra để thực hiện công cuộc đổi mới lần hai, nhằm tiến nhanh và xa hơn. Quan trọng nhất là Việt Nam phải có các sản phẩm “Made by Vietnam” chứ không phải “Made in Vietnam” như hiện nay.
“Made by Vietnam” được hiểu nôm na là sản phẩm hàng hóa được “tạo ra bởi người Việt” thay vì “làm tại Việt Nam” (Made in Vietnam). Hơn nữa, “Made by Vietnam” cũng được cho là một khía cạnh quan trọng trong định vị thương hiệu quốc gia, là một xu thế mới trong một bối cảnh mới, khi mà Việt Nam đã thực sự tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Bà Magdalena Krakowiak, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Trung và Đông Âu tại Việt Nam, đưa ra dẫn chứng như ngành dệt may Việt Nam sẽ gặp thách thức lớn để chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu nếu muốn tận dụng cơ hội từ khi EVFTA có hiệu lực.
“Các công ty may mặc của Việt Nam sẽ gặp phải khó khăn lớn khi nguồn vải không tự sản xuất ra mà phải NK rồi thực hiện công đoạn cắt và may. Điều này rất khó để đảm bảo lợi ích mà EVFTA mang lại”, bà Magdalena lưu ý.
Rất cần những sản phẩm điện tử “Made by Việt Nam” thay vì “Made in Vietnam”
Nâng cao năng lực nội địa
Vấn đề là các DN dệt may Việt cần NK nguyên liệu từ những quốc gia có FTA với Việt Nam và EU (đơn cử như Hàn Quốc). Theo bà Magdalena, để tận dụng cơ hội từ EVFTA, các DN Việt ở những lĩnh vực khác cần có “nhiều bài tập về nhà” để cải thiện, nâng cấp chuỗi cung ứng, thể hiện rõ những sản phẩm XK có giá trị được làm bởi người Việt.
Giới chuyên gia cho rằng xuất xứ hàng hóa trở thành một vấn đề chủ chốt mà các DN Việt cần lưu tâm để tận dụng cơ hội từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung cho đến các FTA thế hệ mới như EVFTA khi đây là yếu tố quyết định cho một sản phẩm XK có được ưu đãi về thuế quan hay không.
Thực tế cho thấy, sự tăng lên không ngừng của các quy tắc xuất xứ với sự khác biệt đáng kể và sự phức tạp vốn có trong tiêu chí, công thức và phương pháp xác định xuất xứ đã khiến cho nhiều DN Việt Nam thất bại trong quy trình chứng minh xuất xứ hàng hóa. Trở ngại lớn thường xuất hiện ở các DN sản xuất phụ thuộc vào nguồn cung ứng nguyên vật liệu đầu vào NK từ nước ngoài.
Khi hàng hóa không ở mức độ “thuần túy” thì việc chứng minh xuất xứ trở nên khó khăn và phức tạp. Đặc biệt, đối với các quốc gia thành viên của FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết hiệp định như EVFTA hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), việc tuân thủ quy tắc xuất xứ là điều kiện tiên quyết để hàng hóa XK của Việt Nam được hưởng ưu đãi.
Theo chia sẻ của TS. Vũ Thành Tự Anh, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, suy cho cùng, để XK của Việt Nam tận dụng được cơ hội cần làm thế nào nâng cao năng lực của DN Việt, làm thế nào tạo ra môi trường chính sách thông thoáng nhằm giảm chi phí cho DN, từ đó mới có thể tạo điều kiện cho XK của DN Việt được đi xa hơn.
“Thực ra thương chiến Mỹ – Trung chỉ là một trong những cơ hội từ bên ngoài. Điều quan trọng là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, nâng cao năng lực nội địa để không chỉ gia tăng cơ hội XK sang Mỹ hay cơ hội từ EVFTA mà còn tận dụng từ vô số các cơ hội khác”, Ts. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.
Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Cột tin quảng cáo