Lơ là bảo hộ nhãn hiệu, xuất khẩu đối mặt rủi ro
Trong vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) Việt xuất khẩu (XK), ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc quốc gia công ty Amazon Global Selling Việt Nam, lưu ý việc XK trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) rất khác biệt với các hình thức XK truyền thống.
Thách thức lớn
“Khác biệt ở chỗ XK trên TMĐT là DN XK với những sản phẩm thành phẩm và XK với thương hiệu của mình. Tuy nhiên, đây chính là thách thức với các DN Việt Nam”, ông Thủy nhấn mạnh.
Nguyên nhân, theo Giám đốc quốc gia công ty Amazon Global Selling Việt Nam, dù đã nói nhiều về gia tăng giá trị thương mại, gia tăng giá trị XK, nhưng hầu như việc XK của các DN hiện nay thường sử dụng hình thức OBM, ODM, tức là sản xuất dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu, giá trị để lại cho DN khá thấp.
Do đó, ông Thủy mong muốn nếu các DN Việt XK dưới thương hiệu của mình thì giá trị gia tăng của sản phẩm sẽ rất khác biệt. Chẳng hạn như sản phẩm nước sữa dừa của Việt Nam được bán trên Amazon với giá khá đắt so với giá gốc đang bán tại thị trường trong nước.
Về việc phát triển thương hiệu riêng trên thị trường XK, ở góc độ DN, bà Trần Thị Mỹ Hạnh, Trưởng phòng Kinh doanh quốc tế, CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), cho rằng DN cần phải có thêm thời gian.
Có thể liên hệ đến việc bán sản phẩm nước sữa dừa hữu cơ (organic) có tên gọi Cocoxim của Betrimex đang rao bán trên Amazon có mức giá 1 lốc 12 hộp là 22 USD, được ghi nhận giá trị gia tăng khá cao.
Tuy nhiên, bà Hạnh thừa nhận việc rao bán mặt hàng này ở Mỹ trên nền tảng TMĐT là thông qua đơn vị thứ ba, tức là họ mua hàng của Betrimex rồi bán hàng trên Amazon.
“Thực sự về thương hiệu sữa dừa Cocoxim trên thị trường Mỹ hiện tại chưa đạt được theo như mong muốn của công ty và chúng tôi đang nỗ lực để tận dụng và khai phá thị trường này”, bà Hạnh chia sẻ.
Trong vấn đề XK qua kênh TMĐT hiện nay hoặc XK theo hình thức truyền thống, giới chuyên gia có lời khuyên là các DN Việt cần chú trọng phát triển thương hiệu cũng như đăng ký bảo vệ bản quyền, bằng sáng chế, nhãn hiệu thương mại và kiểu dáng công nghiệp của DN tại các quốc gia mà DN bán hàng.
Đơn cử với thị trường Mỹ - vốn được nhiều DN Việt đã và đang muốn đẩy mạnh XK, cần đăng ký nhãn hiệu thương mại để bảo vệ thương hiệu của DN và tận dụng tối đa các quyền lợi mà việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại mang lại.
Vấn đề về xây dựng và bảo vệ thương hiệu của DN Việt khi XK vào thị trường Mỹ mới đây cũng được Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston lưu ý đến các DN XK.
Nguy cơ mất thị trường
Phía Thương vụ nhấn mạnh việc bảo vệ thương hiệu cần được đặc biệt chú trọng ở bất kỳ thị trường nào mà DN đã hoặc đang có ý định XK hàng hóa. Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và thương hiệu nói riêng sẽ giúp DN an toàn tiếp cận thị trường cũng như tránh được các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để bảo vệ thương hiệu và thị phần của mình.
Thực tế, có không ít nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam đã bị đăng ký trước ở Mỹ và việc lấy lại thương hiệu sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí.
Có nhiều trường hợp DN phải bỏ tiền ra mua lại thương hiệu của chính mình với giá cao, hoặc chấp nhận sử dụng một thương hiệu khác trên đất Mỹ, hay tốn rất nhiều chi phí luật sư cho việc khởi kiện lấy lại thương hiệu.
Theo số liệu từ Cục Sáng chế và bảo vệ thương hiệu Mỹ (USPTO), Việt Nam hiện mới có 1.938 thương hiệu được đăng ký với USPTO, trong đó chỉ 1.090 thương hiệu đang trong tình trạng tồn tại.
Trong khi đó, một số nền kinh tế xếp sau Việt Nam về kim ngạch XK vào Mỹ lại có số lượng thương hiệu đăng ký lớn hơn nhiều lần, ví dụ Đài Loan là 33.820 thương hiệu được đăng ký, Singapore là 10.811; Malaysia là 2.690.
Thời gian trước, đã có hiện tượng DN Việt Nam bị chính các đối tác của mình tại Mỹ sử dụng trái phép thương hiệu và đăng ký trước với USPTO. Việc khiếu kiện tốn rất nhiều thời gian và tiền của mà vẫn không lấy lại được thương hiệu, hoặc phải trả một số tiền lớn cho bên sử dụng trái phép để mua lại thương hiệu của chính DN mình.
Do đó, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston khuyến cáo DN khi XK hàng hóa vào Mỹ nếu chưa kịp đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại hoặc thủ tục đăng ký chưa hoàn tất thì nên kèm ký hiệu “TM” đối với nhãn hiệu hàng hóa và “SM” đối với dịch vụ.
Biểu tượng “TM” thể hiện rằng DN có quyền sở hữu đối với nhãn hiệu hàng hóa này, nhãn hiệu đó được bảo vệ bởi thông luật nhưng chưa có đăng ký với liên bang (với USPTO). Bằng cách thông báo này, DN có thể ngăn cản và hạn chế các đối thủ cạnh tranh sử dụng và sao chép trái phép nhãn hiệu thương mại của mình.
Tuy nhiên, cách quan trọng nhất để tránh các vấn đề phiền phức khi bảo vệ nhãn hiệu thương mại ở Mỹ là DN XK cần có sự chuẩn bị chu đáo để đảm bảo có thể lường trước mọi vấn đề tiềm ẩn.
Theo Thế Vinh/Thời báo Kinh doanh
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025