Lúa gạo Việt Nam tiến tới xuất khẩu “được giá, được lượng”
Ngành đồ uống kỳ vọng lùi lộ trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt / Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 15/3/2024: Thị trường tự do và ngân hàng cùng tăng mạnh
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2023, xuất khẩu gạo cả nước đạt 492.387 tấn, trị giá đạt gần 339 triệu USD, đưa tổng khối lượng gạo xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam đạt 8,131 triệu tấn, trị giá gần 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử của ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Việc Ấn Độ ban hành các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo để ổn định thị trường trong nước và nguồn cung tại một số quốc gia bị sụt giảm do El Nino đã thúc đẩy nhu cầu và giá gạo tăng cao trong thời gian qua. Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi từ diễn biến này của thị trường. Chỉ tính riêng trong tháng 11/2023, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đạt 667 USD/tấn, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là mức giá cao nhất kể từ trước đến nay và cao hơn cả mức giá 665 USD/tấn đối với gạo trắng 5% tấm đang được chào bán trên thị trường.
Ông Tạ Văn Bông - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tân Bình (Đồng Tháp) cho biết: Vụ Đông Xuân năm 2023, giá lúa giữ được trên 9.000 đồng/kg, nông dân rất phấn khởi, nhất là trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, chi phí nhân công tăng cao. Năm 2023, tăng trưởng doanh thu của HTX Tân Bình đạt từ 15 - 20%. Giá lúa tăng cao, giữ ở mức từ 9.000 – 11.000 đồng/kg, giúp nông dân lãi từ 35 - 40%. Tới đây, HTX Tân Bình triển khai sản xuất lúa an toàn theo tiêu chuẩn SRP, hướng đến sản xuất lúa phát thải cacbon thấp. Đến năm 2025 sẽ cho ra thị trường sản phẩm gạo an toàn, tiến tới xây dựng thương hiệu "Nông sản Cù lao Tây" trong những năm tiếp theo… "Thị trường ngày càng quan tâm đến chất lượng. Việc trồng lúa chất lượng cao, đi vào sản xuất an toàn thực phẩm sẽ mang lại lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. HTX hiện đang có 220ha lúa trồng hữu cơ, năm 2024 dự kiến sẽ mở rộng diện tích lên 300 - 400ha và hướng đến trồng lúa hữu cơ toàn bộ diện tích (hơn 700ha)", ông Bông cho biết.
Chuyển biến tích cực của ngành lúa gạo Việt
Thu hoạch lúa Đông Xuân ở Đồng bằng Sông Cửu Long, ảnh Gia Bảo.
Các nhà quản lý và chuyên gia đều thống nhất rằng, bối cảnh thế giới đang thiếu gạo, Việt Nam cũng bị biến đổi khí hậu nhưng ít hơn, có thể tăng sản xuất. Đây không chỉ là cơ hội "trời cho" mà cả sức mạnh nội tại. Giá gạo Việt Nam cao hơn Thái Lan là do có sự đầu tư thật sự. Việt Nam hơn hẳn Thái Lan về bộ giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao chứ không phải "ăn may".
Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời nhận định, "Năm 2023, xuất khẩu gạo cán đích 8,1 triệu tấn, tương ứng 4,7 tỷ USD, tăng 14% về lượng và tăng 35% về giá trị so với năm 2022. Ngành gạo đã lập kỷ lục xuất khẩu cả về lượng và kim ngạch sau 34 năm tham gia vào thị trường toàn cầu. Bình quân giá gạo xuất khẩu trong năm 2023 đạt 580 USD/tấn, tăng 19% so với năm 2022. Vị thế của quốc gia, của hạt gạo và của nông dân cùng được nâng lên. Ngành lúa gạo Việt Nam đã chuyển dần quyền thương lượng về giá từ người mua sang người bán".
Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho biết, "Năm 2023 kết quả xuất khẩu gạo năm 2023 đã tốt, năm 2024 có thể tốt hơn khi chúng ta tận dụng được cơ hội thị trường, nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn".
Đồng quan điểm, theo ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), "Dù Việt Nam xuất khẩu gạo 600 USD hay 1.000 USD/tấn là xuất khẩu gạo hay xuất khẩu tài nguyên, công sức của nông dân. Để có hạt gạo xuất khẩu không chỉ công sức của nông dân, doanh nghiệp mà cả tài nguyên, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi tại Đồng bằng sông Cửu Long".
Xuấtkhẩu gạo Việt Nam 2023 vượt trội do đâu?
Kho gạo của Công ty cổ phần gạo Ông Thọ, TP Hồ Chí Minh, ảnh Lê Nguyễn.
Đánh giá về kết quả xuất khẩu gạo năm 2023, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, "Việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo đã có tác động lớn đến thị trường gạo thế giới. Ấn Độ chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới vì vậy việc Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu gạo được coi là cơ hội của các nước và Việt Nam đã biến cơ hội đó thành tiền để nâng cao thu nhập cho nông dân".
Cũng theo ông Cường, ngoài nhu cầu của thị trường gạo tăng cao, việc chỉ đạo linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành đã góp phần thành công cho gia tăng giá trị xuất khẩu. "Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay đã trở thành định hướng quan trọng để ngành chức năng và các địa phương tập trung sản xuất và điều tiết", ông Cường nhấn mạnh.
Đồng tình với phân tích trên, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy bổ sung, "Để có những kết quả vượt trội trong xuất khẩu gạo vừa qua chính là do: Bộ Công Thương cùng với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã riết ráo kiểm tra, kiểm soát thực trạng các cơ sở bảo quản, xay xát, thu mua và các dịch vụ hậu cần cho sản xuất và xuất khẩu. Đồng thời, chỉ đạo các thương nhân thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đảm bảo duy trì mức dự trữ lưu thông, cân đối xuất khẩu hiệu quả".
Đồng thời, Cục Xuất nhập khẩu cũng đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Công Thương để ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT về tăng cường thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước. Mặt khác, Bộ Công Thương tích cực đàm phán, trao đổi song phương với các đối tác nhập khẩu truyền thống, trọng điểm (Malaysia, Philippines) về việc xem xét tiến tới ký kết Bản ghi nhớ thương mại gạo.
Song song, đã tổ chức Đoàn giao dịch thương mại gạo tại thị trường Trung Quốc nhằm duy trì, củng cố và mở rộng thị phần sản phẩm gạo tại thị trường này. Có thể nói, ngành lúa gạo năm nay chúng ta đã tranh thủ được cơ hội thị trường, biến thời cơ thành thu nhập của người nông dân trồng lúa và lợi nhuận cho doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất khẩu gạo.
Hướng đi hiệu quả cho triển vọng xuất khẩu gạo 2024
Ảnh Hải Hưng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đánh giá, khi cánh cửa thị trường đã mở, sau đó vẫn có những hàng rào kỹ thuật, câu chuyện tiêu chuẩn xanh, hay xanh hóa sản xuất là thông điệp được nhắc đến trong suốt năm 2023. "Chúng tôi cũng hi vọng rằng trong năm 2024 này, các doanh nghiệp có thể biến chuyển và đáp ứng các tiêu chuẩn xanh hóa mà các thị trường đã đặt ra, để từ đó đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tại các thị trường truyền thống và mở rộng tại các thị trường mà chúng ta có ký các FTA. Khi đó, Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng xuất nhập khẩu cao hơn trong năm 2024 này", chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Theo thống kê, trong nửa đầu tháng 1/2024, cả nước xuất khẩu 194.074 tấn gạo, kim ngạch đạt 134,57 triệu USD. So với cùng kỳ 2023, lượng gạo xuất khẩu giảm gần 32.000 tấn, tuy nhiên, kim ngạch tăng gần 20 triệu USD. Đáng chú ý, nửa đầu tháng 1/2024, bình quân mỗi tấn gạo xuất khẩu thu về khoảng 693 USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 507 USD/tấn. Như vậy, trị giá xuất khẩu gạo bình quân tăng tới 36,68%.
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tình hình thế giới, khu vực sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; hậu quả của đại dịch COVID-19 còn tác động kéo dài. Cạnh tranh chiến lược các nước lớn ngày càng gay gắt hơn, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm. Lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa đựng yếu tố bất định. Đơn hàng phục hồi nhưng xuất khẩu hàng hóa đối diện thách thức mới, trong đó, Biển Đỏ "nổi sóng" đang là vấn đề nóng đối với các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức đan xen như nêu trên, một trong những nhiệm vụ được chỉ ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ đó là tăng cường công tác xúc tiến thương mại; tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, sản phẩm, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng; ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược.
Theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt. Thị trường gạo dự kiến sẽ tiếp tục thắt chặt vào đầu năm do các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Trong khi đó, nhu cầu vẫn tăng trong dịp lễ Tết. Những yếu tố này sẽ tạo động lực cho giá gạo tăng cao hơn nữa.
Trước tình hình đó, Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường cho rằng, "Dù diện tích lúa có xu hướng giảm nhưng kế hoạch sản xuất năm 2024, ngành trồng trọt vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên".
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi bị xử phạt
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang