Lực lượng 'nòng cốt' của đề án 1 triệu hec-ta lúa chất lượng cao Đồng bằng sông Cửu Long
Cần Thơ: Tôn vinh các nhà khoa học và trí thức tiêu biểu / Bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản trước hạn mặn
Vai trò khuyến nông trong Đề án một triệu hec-ta lúa CLC
Ngày 15/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội thảo “Vai trò, nhiệm của khuyến nông, KNCĐ trong Đề án một triệu hec-ta chuyên canh lúa CLC và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh vài trò của lực lượng KNCĐ.
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại hội thảo, ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo chính của Việt Nam với sản lượng hàng năm đạt từ 24 - 25 triệu tấn, chiếm hơn 50% sản lượng lúa và 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, mang lại thu nhập cho hàng triệu hộ dân trong vùng.
Dù có nhiều lợi thế nhưng ĐBSCL đang đối mặt với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới; yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định các nước ngày càng nghiêm ngặt.
Trong bối cảnh đó, ngày 27/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao (CLC) và giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”
Mục tiêu của Đề án là hình thành 1 triệu hec-ta vùng chuyên canh lúa CLC và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ về mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Đến nay, Đề án đã được triển khai tại 12 tỉnh ĐBSCL với 2 giai đoạn: Giai đoạn (2024 – 2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tai Việt Nam (VnSAT) khoảng 180.000 hec-ta
Giai đoạn 2 (2026 - 2030) xác định rõ vùng trọng điểm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh CLC, giảm phát thải; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị.
Theo Bộ NN&PTNT, đây là Đề án lớn với nhiều nội dung và hoạt động mang tính liên ngành, liên vùng. Vì vậy, cần phải có sự quyết tâm nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ NN&PTNT với các bộ, ngành trung ương và sự chủ động của các tỉnh vùng ĐBSCL; cần huy động tối đa các nguồn lực, ngân sách trung ương, địa phương, sự đóng góp của DN, các tổ chức quốc tế. Trong đó, nội lực là chiến lược, quyết định lâu dài; ngoại lực là quan trọng đột phá.
Để triển khai Đề án, hệ thống khuyến nông đặc biệt là lực lượng KNCĐ được xác định đóng vai trò nồng cốt trong quá trình thực hiện. KNCĐ đồng hành cùng nông dân, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp.
Ở ĐBSCL, 5 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An đã tham gia Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình khuyến nông cộng đồng” và hiện có tổng cộng 376 tổ KNCĐ với gần 3 ngàn thành viên. Thời gian qua, các tổ KNCĐ đã có nhiều nỗ lực làm tốt vai trò nhiệm vụ được giao, nhất là trong thực hiện Đề án này. Tuy nhiên, quá trình hoạt động tổ KNCĐ vẫn còn nhiều khó khăn.
Tại hội thảo, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh cho biết, do chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ cho hoạt động của tổ KNCĐ, kinh nghiệm các thành viên còn hạn chế, làm việc trên cơ sở tự nguyện và lồng ghép nên quá trình hoạt động của tổ KNCĐ còn khó khăn, hiệu quả còn hạn chế.
Liên quan đến vấn đề này, ở một khía cạnh khác, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu phản ánh, trong quá trình tinh giảm biên chế, lực lượng cán bộ khuyến nông có tâm huyết, chuyên môn đã thay đổi, luân chuyển, một số nghỉ việc, từ đó, công tác khuyến nông của địa phương gặp khó về lực lượng, nhân sự.
Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, hợp tác xã (HTX) là chủ thể quan trọng trong triển khai thực hiện Đề án một triệu hec-ta lúa CLC, còn lực lượng trực tiếp phối hợp với HTX đo đếm tín chỉ các – bon là lực lượng khuyến nông.
Mô hình HTX sản xuất lúa hữu cơ tại ĐBSCL.
Bộ NN&PTNT xác định, lực lượng KNCĐ ở cơ sở là lực lượng chính để tham gia Đề án với nhiệm vụ chính là hỗ trợ, củng cố các HTX ở địa phương; tập huấn quy trình canh tác bền vững; tập hợp các số liệu từ HTX để thực hiện việc đo đếm, chi trả tín chỉ cac-bon. Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông, lực lượng khuyến nông cần thể hiện vai trò là bạn nhà nông, cùng nhà nông, vì nhà nông.
“Lực lượng KNCĐ là cánh tay nối dài của ngành nông nghiệp đến cơ sở, vừa thực hiện chức năng đơn vị sự nghiệp nhà nước được cơ quan quản lý nhà nước giao, vừa làm dịch vụ (chuyển giao khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật…). Bộ máy tổ chức do địa phương thành lập nhưng phải bám sát hai nhiệm vụ này”, Thứ trưởng Nam cho biết.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu, sau hội thảo này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cần triển khai ngay các nhiệm vụ theo chức năng nhiệm vụ được giao, Trung tâm Khuyến nông các địa phương cần trao đổi, tham mưu lãnh đạo tỉnh kiện toàn tổ chức, lực lượng nâng cao năng lực, xây dựng báo cáo tiến độ triển khai Đề án. Còn rất nhiều việc phải làm khi triển khai thực hiện Đề án, các địa phương cần chủ động, nghiêm túc, quyết liệt thực hiện với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Trong khuôn khổ hội thảo, Ban tổ chức tổ chức tham quan, khảo sát thực tế tại HTX Nông nghiệp Phát Tài, xã Thạnh Mỹ, huyện Châu Thành, Trà Vinh và HTX Nông nghiệp Phước Hảo tại xã Phước Hảo, huyện Châu Thành, Trà Vinh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT