Lý giải yếu tố khiến giá vàng liên tục lập đỉnh
Sự quyết liệt, dứt khoát trong điều hành thị trường vàng sẽ được Ngân hàng Nhà nước trình sửa đổi Nghị định 24 ngay trong thời gian tới.
Khơi thông tín dụng đầu năm / Giá vàng ngày 8/3/2024: Tiếp tục lập đỉnh mới
Thị trường vàng đang chứng kiến diễn biến chưa từng có khi giá vàng trong nước liên tục "đổ xô" các mốc kỷ lục chỉ trong thời gian ngắn, không chỉ với vàng miếng mà cả vàng nhẫn. Theo giới phân tích, cả yếu tố trong nước và thế giới đang hỗ trợ giá vàng trong nước lập đỉnh những ngày này.
Một số cửa hàng, đơn vị kinh doanh rơi vào tình trạng khan hàng. Ảnh: Diệp Anh/TTXVN.
Trong phiên hôm nay 8/3, giá vàng miếng đã đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại ở mức 79,9 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 81,92 triệu đồng/lượng ở chiều chiều bán. Trong khi đó, vàng nhẫn khoảng 2 tuần nay gần như mỗi phiên lại tăng lên một mức kỷ lục mới và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cập nhật lúc 17 giờ, vàng nhẫn đã đạt mức giá 68,23 triệu đồng ở chiều mua vào và 69,43 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
"Tại thị trường trong nước, yếu tố quan trọng nhất là tỷ giá USD/VND đang trong đà tăng mạnh vài tuần gần đây. Trong khi giá vàng thường được tính theo giá USD, việc tỷ giá tăng cao đẩy giá vàng tăng theo", ông Trương Vi Tuấn – Nhà phân tích trang giavang.net cho biết.
Cùng với đó, nhu cầu đầu tư vàng để bảo toàn giá trị tài sản, đầu tư sinh lời của người dân đang thực sự tăng cao. Điều này thể hiện rõ ở việc người dân chuyển sang các sản phẩm đa dạng hơn khi không chỉ mua vàng miếng SJC mà còn lựa chọn các sản phẩm vàng nhẫn, vàng thương hiệu của các doanh nghiệp uy tín. Điều này dẫn đến giá miếng SJC và vàng nhẫn đua nhau lập kỷ lục. Theo đó, nhiều người dân lo ngại giá vàng trong nước và thế giới sẽ tiếp tục tăng cao nên mua vào. Bên cạnh đó, cũng nhiều người bán ra với mong muốn chốt lời khi đang ở vùng giá cao.
"Lãi suất huy động ngân hàng thấp, kinh doanh bất động sản còn khó khăn nên một số nhà đầu tư đổ tiền vào kinh doanh vàng. Chính tâm lý đám đông khiến giá vàng tăng cao. Chưa kể, với tính chất phòng thủ, vàng vẫn được coi là lựa chọn an toàn cho người dân và nhà đầu tư trong bối cảnh xung đột tại Trung Đông kéo dài", ông Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho biết.
Ông Thịnh cho biết thêm: "nguồn cung và cầu của vàng SJC hiện lệch nhau; trong đó, cầu nhiều nhưng cung hạn chế. Các ngân hàng mua đi bán lại các lượng vàng SJC đang có trên thị trường trong khi nhiều người dân đang mong muốn giữ vàng. Lượng bán vàng ít nên giá tăng là đương nhiên".
Trong bối cảnh cung cầu như vậy, thông tin việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nhận được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường vàng quốc tế và trong nước trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng, nhất là vàng miếng, nhưng luôn tôn trọng quyền cất trữ, mua bán vàng miếng của người dân. Nhà nước cũng không bảo hộ giá cho kinh doanh vàng miếng và không chấp nhận sự chênh lệch giá trong nước cao hơn thế giới, không chấp nhận vàng SJC cao hơn các vàng khác đến nhiều triệu đồng một lượng".
Ông Đào Minh Tú cũng cho biết, tất cả những vấn đề tồn tại này sẽ được xử lý với Nghị định 24 sửa đổi trong thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước sẽ trình sửa đổi Nghị định 24 với sự quyết liệt, dứt khoát trong điều hành thị trường vàng.
Hiện Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có công văn gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Quản lý thị trường về việc phối hợp trong quản lý thị trường vàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định đối với việc phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, đặc biệt là hóa đơn, chứng từ trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng; đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường, phát hiện, xử lý và phối hợp cung cấp thông tin về các hành vi vi phạm kinh doanh vàng, đặc biệt là trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.
Cùng với Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng. Trên cơ sở đó, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế để thực hiện kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo