Thị trường

Mía đường làm gì khi đã bỏ hạn ngạch?

Đã qua hơn 2 tháng xoá bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu với mặt hàng đường theo Hiệp định ATIGA, vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp đường nội địa làm gì để nâng sức cạnh tranh khi đây vẫn là mối băn khoăn lớn.

Quảng Bình: Cải thiện điều kiện lao động để đưa thương hiệu vươn xa / Việt Nam đã nhập gần 66.000 tấn thịt

Mới đây, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26 sắp tới tại Đà Nẵng, phía Việt Nam sẽ thông báo đã thực hiện đúng cam kết bãi bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường từ ngày 1/1/2020 theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Lợi thế cho sản xuất lớn

Theo đó, toàn bộ hạn ngạch nhập khẩu đường từ các nước ASEAN sẽ bị xóa bỏ, mức thuế nhập khẩu sẽ ở mức 5% khi nhập khẩu đường từ các quốc gia ASEAN vào Việt Nam.

Áp lực cạnh tranh đòi hỏi Việt Nam cần những nhà máy đường có công suất lớn

Áp lực cạnh tranh đòi hỏi Việt Nam cần những nhà máy đường có công suất lớn

Do mặt hàng đường là ngành sản xuất quan trọng của Việt Nam, cho nên vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp (DN) mía đường nội địa hiện đang làm gì trước áp lực xoá bỏ hạn ngạch này?

Trong khi đó, theo ước tính ngành mía đường Việt Nam có 22/38 DN có năng lực sản xuất nhỏ hơn 3.000 tấn mía/ngày, với khoảng 300.000 tấn đường trên thị trường (28% thị phần).

Những nhà máy này chủ yếu bán đường qua thương lái, cung cấp đường cho các khách hàng tiêu dùng, khách hàng tiểu thủ công nghiệp, các DN vừa và nhỏ. Với ATIGA, những DN này được cho là gặp khó khăn trong cạnh tranh về giá và chất lượng đường cũng như có khả năng sẽ phải dừng hoạt động.

Riêng với những DN mía đường có công suất lớn, có thể thấy họ có những lợi thế nhất định.

 

Chẳng hạn với DN đầu ngành là CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa (SBT) đang chiếm khoảng 56% thị phần đường nội địa. Nhận định lợi thế hội nhập của DN này sau khi việc xoá hạn ngạch có hiệu lực hơn 2 tháng, giới phân tích nhấn mạnh đến yếu tố năng suất.

Cụ thể, công suất ép mía của SBT đạt 48.600 tấn mía/ngày, có thể sản xuất hơn 350.000 tấn đường từ mía và luyện đường thô lên tới 830.000 tấn thành phẩm/năm.

Tỷ trọng luyện đường từ đường thô của SBT tăng lên các qua các năm và trong khoảng thời gian sau vụ ép mía mỗi năm. Điều này giúp DN tận dụng hiệu quả năng lực sản xuất của mỗi nhà máy, phục vụ được nhu cầu lớn về sản lượng cũng như chất lượng từ các khách hàng công nghiệp và xuất khẩu.

Hay như một “ông lớn” khác là CTCP đường Quảng Ngãi (QNS) đang có tổng công suất ép mía đạt 20.200 tấn mía/ngày, mỗi năm sản xuất hơn 200.000 tấn đường (khoảng 13% năng lực sản xuất toàn quốc).

Điểm lợi thế là DN này đang sở hữu những thương hiệu thực phẩm – đồ uống lớn, là những mảng kinh doanh có sử dụng đường là nguyên liệu đầu vào trong quá trình sản xuất.

 

Việc sở hữu các nhà máy có công suất lớn với các mảng kinh doanh liên kết nhau giúp cho QNS có được lợi thế kinh tế theo quy mô và khả năng đa dạng hóa các sản phẩm của DN.

Khó so kè với đường Thái

Thế nhưng, có thể lường trước năm 2020 là một năm khó khăn, nhiều cạnh tranh nên QNS vẫn giữ mục tiêu doanh thu là 8.400 tỷ đồng trong khi chỉ tiêu lợi nhuận chỉ là 913 tỷ đồng, giảm đến 29% so với năm ngoái.

Nguồn đường Thái vẫn là một áp lực lớn

Nguồn đường Thái vẫn là một áp lực lớn

 

Sau khi xoá hạn ngạch mặt hàng đường từ đầu năm nay, với các DN nội địa, nguồn đường nhập khẩu từ Thái Lan trong khối ASEAN tràn vào Việt Nam vẫn là một nỗi lo lớn.

Nhiều năm nay, đường Thái Lan vẫn được xem là đối thủ chính của toàn ngành và các DN mía đường Việt Nam. Thậm chí, một số DN ngành đường và DN chế biến thực phẩm – đồ uống có thể nhập khẩu trực tiếp đường thô giá rẻ từ Thái Lan để luyện đường, hoặc dùng làm nguyên liệu chế biến.

Tuy nhiên, mọi dự báo đều có thể thay đổi khi ngay năm đầu tiên Việt Nam xoá hạn ngạch thì sản lượng đường của Thái Lan lại giảm xuống mức thấp nhất trong 9 năm qua do ảnh hưởng của hạn hán.

Trong niên vụ 2019/2020, sản lượng đường Thái Lan dự báo sẽ chỉ đạt 10,5 triệu tấn, giảm 28% so với niên vụ trước. Lượng đường xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2020 dự kiến chỉ đạt từ 6-7 triệu tấn, giảm mạnh so với mức 11 triệu tấn trong niên vụ trước.

 

Mặc dù vậy, trong tương lai, nếu so kè thì nguồn đường Thái Lan vẫn áp đảo. Vùng nguyên liệu mía Việt Nam có năng suất trung bình 65 tấn mía/ha, thấp hơn mức 77 tấn/ha của Thái Lan, chữ đường ở mức 9,6 CCS, thấp hơn nhiều so với Thái.

Do đó, hiệu suất sản xuất đường của Việt Nam không cao. Như trong niên vụ 2017/18, tại Thái Lan, từ 1 tấn mía có thể sản xuất ra 109 kg đường, còn ở Việt Nam chỉ đạt 99 kg đường.

Mặc khác, như đánh giá của CTCP chứng khoán FPTS, chi phí sản xuất của các DN đường trong nước cao hơn Thái Lan. Chi phí sản xuất đường từ mía của Việt Nam ở mức khoảng từ 13.000 – 15.000 đồng/kg, cao hơn 30 - 40% so với Thái Lan (chỉ từ 8.000 – 9.000 đồng/kg đường).

Nguyên nhân chủ yếu là do giá mía của Việt Nam cao hơn giá mua mía của Thái Lan từ 60 - 62% và chi phí mía chiếm 75% cơ cấu chi phí sản xuất đường của mỗi nhà máy.

Ngoài ra, công suất trung bình của các nhà máy tại Việt Nam chỉ tương đương với 1/3 công suất trung bình tại Thái Lan. Nguyên nhân đến từ việc quy hoạch nhà máy đường không hiệu quả trong giai đoạn 1995 - 2000, dẫn tới hiệu suất sản xuất đường của Việt Nam còn kém, chưa phát huy được khả năng cạnh tranh.

 

Trong khi đó, theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, trong thời gian tới, các bộ, ngành sẽ còn phải nghiên cứu các phương án khả thi nhằm hài hòa hóa quan hệ quốc tế và khắc phục khó khăn cho sản xuất trong nước của ngành mía, đường.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm