Một số chính sách hỗ trợ DNNVV vẫn chưa đi vào cuộc sống: Vướng ở đâu?
Đại diện Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) đã đưa ra đánh giá này tại Hội thảo Thúc đẩy triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức mới đây.
Luật Hỗ trợ DNNVV đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Để triển khai đồng bộ, có hiệu quả, sớm đưa các chính sách, giải pháp quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV vào cuộc sống, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ.
DNNVV chiếm tới 97-98% các doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, Luật Hỗ trợ DNNVV là đạo luật đặc biệt quan trọng đối với tương lai của cộng đồng DN cũng như triển vọng chung của nền kinh tế. Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ được xem là cần thiết, kịp thời giúp DNNVV trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.
Theo đại diện Cục Phát triển DN, sau gần 2 năm triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV, khung pháp lý hướng dẫn Luật đã cơ bản hoàn thiện, nhiều đơn vị đã chủ động triển khai hoạt động hỗ trợ.
Về hỗ trợ tín dụng, tính đến cuối tháng 10/2018, tín dụng đối với DNNVV đạt trên 12,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,8% so với cuối năm 2017. Số lượng DNNVV có dư nợ tại các tổ chức tín dụng đạt gần 185.000 DN. Từ cuối tháng 7/2019, một số ngân hàng thương mại đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn trong một số lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh, DN khởi nghiệp hoặc áp dụng cho vay ưu đãi với DNNVV.
Đối với hỗ trợ mặt bằng sản xuất, nhiều địa phương tham gia tích cực. Hoạt động hỗ trợ mở rộng thị trường, hỗ trợ công nghệ… cũng được triển khai.
Tuy vậy, thực tế cho thấy, một số chính sách hỗ trợ DNNVV vẫn chưa thể triển khai và đi vào cuộc sống mà nguyên nhân là do quy định pháp lý chưa hoàn thiện. Đó là chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN cho DNNVV; cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng; hỗ trợ vốn cho DNNVV từ Quỹ Phát triển DNNVV…
Tại hội thảo, ông Lê Văn Quân, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DNNVV TP. Hà Nội cho biết, đến nay, chưa có quy định cụ thể về chính sách thuế cho từng đối tượng DN và đối tượng được hưởng hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ DNNVV. Việc hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết, chuỗi giá trị hiện còn nhiều khó khăn. Đối với hoạt động triển khai mạng lưới tư vấn viên, quy định về trả phí cho tư vấn viên quá thấp dẫn đến khó thuê tư vấn viên thực hiện tư vấn.
Từ đó, ông Quân đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của Luật để các DNNVV sớm được thụ hưởng. Đồng thời, sớm ban hành hướng dẫn Nghị định 34, nhất là các cơ chế để xử lý rủi ro và hạ bớt lãi suất phù hợp; sớm ban hành văn bản công nhận mạng lưới tư vấn viên.
Đề cập cụ thể đến vướng mắc trong triển khai, đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho rằng trong việc triển khai Nghị định số 34/2018/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV (NĐ34) thì cơ chế bảo lãnh của Qũy còn rườm rà, phức tạp nên các ngân hàng không mặn mà phối hợp với Quỹ.
Một số ý kiến cho rằng, vòng đời của một DN nhỏ, siêu nhỏ chưa chắc đã dài, nếu chính sách hỗ trợ có mà không được thực thi thì chưa chắc DN được hưởng. Do đó, việc đẩy mạnh triển khai và triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV có ý nghĩa rất lớn đối với cộng đồng DNNVV.
End of content
Không có tin nào tiếp theo