Thị trường

Năm 2019: Sẽ không có 'bong bóng' bất động sản nhưng có thể có 'sốt nóng' cục bộ

Tại hội thảo “Xu hướng & cơ hội đầu tư bất động sản năm 2019” vừa được tổ chức tại TPHCM, các chuyên gia về bất động sản dự báo, năm 2019, sẽ không có "bong bóng" bất động sản nhưng có thể có "sốt nóng" cục bộ tại một số dự án nhà ở khu vực các trung tâm đô thị.

Chính phủ chỉ đạo phát triển hệ thống thanh toán mới tại Việt Nam / Giá trị thu được từ ngành cà phê chưa tương xứng

Đó là nhận định của ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng tại Hội thảo “Xu hướng & cơ hội đầu tư bất động sản năm 2019” vừa được tổ chức tại TPHCM.

Theo ông Vũ Văn Phấn, bước sang năm 2019, nền kinh tế vĩ mô của đất nước tiếp tục phát triển ổn định. Các thị trường đầu tư khác như thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán… dự báo không có biến động lớn.

Dự báo năm 2019 thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển ổn định.
Dự báo năm 2019 thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển ổn định.

Về bất động sản, hiện nay nguồn cung khá lớn so với nhu cầu. Chưa có khả năng xảy ra tình trạng khan hiếm bất động sản. Mặt khác, chính sách tín dụng bất động sản hiện đang được ngân hàng kiểm soát hiệu quả, dư nợ tín dụng đang ở mức cho phép và các tổ chức tín dụng đang thực hiện lộ trình hạn chế dần cho vay đối với lĩnh vực bất động sản.

Chưa hết, Nhà nước cũng đang kiểm soát, quản lý tốt thị trường bất động sản. Vì vậy, ông Phấn dự báo năm 2019 thị trường bất động sản sẽ tiếp tục phát triển ổn định.

“Dự báo thị trường bất động sản trong năm 2019 phát triển ổn định. Không có “bóng bóng” bất động sản nhưng thị trường có thể tiếp tục xảy ra tình trạng tăng giá đất nền tại các khu vực có quy hoạch trở thành các đặc khu, các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tình trạng “sốt nóng” cục bộ tại một số dự án nhà ở trong khu vực trung tâm đô thị có tiến độ thi công nhanh, hạ tầng đồng bộ, chủ đầu tư có uy tín, giá cả phù hợp”, ông Phấn nói.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cho biết, nhờ đà phát triển mạnh của năm 2017, thị trường bất động sản trong năm 2018 tiếp tục có những diễn biến tích cực.

Điển hình, lượng căn hộ bán tại TPHCM tính đến cuối tháng 9/2018 đạt hơn 31.000 căn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung căn hộ năm nay dự tính ở mức 43.000 - 44.000 căn, tương đương năm 2017, tỷ lệ bán hàng dự kiến sẽ duy trì ở mức cao với lần lượt 70% cho căn hộ và 90% cho nhà biệt thự phố.

 

Dự báo về thị trường bất động sản trong năm 2019, ông Stephen Wyatt thông tin, hiện nay, chính quyền TPHCM đã có biện pháp hạn chế nhà ở trong khu vực trung tâm nên thị trường bất động sản phát triển ổn định hơn.

Trong năm 2019, lượng căn hộ mới sẽ tăng thêm khoảng 40.000 căn, riêng đối với căn hộ tầm trung và bình dân thì giá sẽ bình ổn. Đáng chú ý, từ 2 – 3 năm nay, nguồn cung mới bất động sản ở phân khúc văn phòng có phần hạn chế và khan hiếm. Chính vì thế, thời gian tới, bất động sản ở phân khúc này nhiều khả năng sẽ tiếp tục “leo thang” về giá thành.

Cơ hội để “lột xác”

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dù có những diễn biến khó lường nhưng vẫn đang ảnh hưởng tích cực đối với Việt Nam. Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt được “cởi trói”, thoát khỏi sự lệ thuộc vào “bên ngoài” và bất động sản cũng là ngành được hưởng lợi.

Ông Stephen Wyatt cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã có sự ảnh hưởng tích cực đối với Việt Nam.

 

Cụ thể là, sau khi cuộc chiến nổ ra, nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc (bao gồm cả những doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp nước ngoài “đóng đô” tại quốc gia này) có sự dịch chuyển sang Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần cải cách kinh tế nhanh hơn nữa để “đón đầu” những cơ hội từ cuộc chiến.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, tác động tích cực và tiêu cực từ cuộc chiến này đến Việt Nam đều rất mạnh. Bởi lẽ, Mỹ - Trung đều là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở cả 2 chiều (xuất siêu lớn sang Mỹ, nhập siêu lớn từ Trung Quốc).

Do đó, nước ta cần phải chủ động ứng biến với những kịch bản có thể xảy ra, khi mà cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang đứng trước nguy cơ có những diễn biến khó lường. Tuy nhiên, ông Thiên cũng cho rằng, cuộc chiến lần này cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt có cơ hội “vươn mình”, thoát khỏi sự lệ thuộc vào “bên ngoài”.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là cơ hội lớn để chúng ta thay đổi vị thế và cách thức phát triển. Mục tiêu thoát khỏi sự lệ thuộc vào bên ngoài như bây giờ, đặc biệt là phát triển vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam sẽ thiết lập quan hệ sòng phẳng hơn, bình đẳng hơn.

"Về thời cơ thì như các vị nguyên thủ đã nhấn mạnh một điều rằng, muốn làm gì thì làm nhưng ta phải mạnh lên chứ chỉ ngồi “rình” cơ hội bên ngoài mà không lo cải cách, không lo củng cố lực lượng thì có cơ hội gì cũng không được”, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.

 

1
Theo dantri.com.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm