Nâng giá trị thương mại cho nông sản
Chỉ với quả dừa, nhưng gần đây có thể thấy sự đổi mới sáng tạo của một số doanh nghiệp (DN) ở Bến Tre trong việc gia tăng hàm lượng chế biến nhằm nâng giá trị cho loại quả khá phổ biến này ở vùng quê.
Gia tăng hàm lượng chế biến
Điển hình như công ty TNHH chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, sau thời gian nghiên cứu, hồi tháng 9 vừa qua đã trình làng sản phẩm ống hút dừa bằng công nghệ lên men vi sinh nước dừa.
Đầu năm nay, công ty đã sản xuất thành công và cho ra thị trường sản phẩm giấy dừa được làm từ nước dừa, tiếp đến là sản phẩm mặt nạ dừa tế bào gốc. Tổng cộng, công ty đã có 22 dòng sản phẩm chế biến từ quả dừa.
Hoặc như công ty TNHH Ngọc Như ở huyện Chợ Lách (Bến Tre), tuy chỉ là một DN nhỏ nhưng đã vận dụng công nghệ để sản xuất ra các loại mỹ phẩm từ dừa. Mỗi tháng, công ty sử dụng khoảng 700kg nguyên liệu dầu dừa để sản xuất ra hàng ngàn thỏi son thành phẩm và hàng chục ngàn sản phẩm khác liên quan đến làm đẹp, phân phối qua kênh thương mại điện tử, mang lại doanh thu gần 400 triệu đồng.
CTCP Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) với sản phẩm mới là nước sữa dừa hữu cơ (organic) đang có sức hút trên thị trường. Thậm chí có bên thứ ba mua lại sản phẩm này rồi đang rao bán trên sàn thương mại điện tử toàn cầu Amazon với mức giá khá cao: 1 lốc sữa dừa (12 hộp) là 22 USD.
Ngoài ra, có thể kể đến công ty TNHH Tây Cát (tỉnh Đồng Tháp) chuyên sản xuất các loại bánh phồng làm từ trái cây. Nhiều khách hàng Trung Quốc, Nhật Bản rất “nghiền” món bánh chuối phồng, số lượng đơn hàng được đặt tới 20 tấn/tháng.
Bà Nguyễn Thị Các Thủy, đại diện công ty TNHH Tây Cát, cho biết sản phẩm của công ty là đặc sản bánh chuối phồng, nhờ sự kết hợp giữa mứt chuối với bánh phồng, đồng thời kết hợp với bao bì bắt mắt đã cho ra một sản phẩm hiện đại, nâng cao giá trị thương mại cho sản phẩm truyền thống.
“Để nâng giá trị gia tăng, đẩy mạnh thương mại hóa sản phẩm nông sản, DN, cơ sở sản xuất cần đầu tư máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ, tổ chức nghiên cứu từ nguyên liệu đầu vào…, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm”, bà Thủy chia sẻ.
Đây là những minh chứng rõ nét về xu hướng gia tăng công nghệ chế biến nhằm nâng cao giá trị thương mại cho nông sản Việt mà những người làm nông nghiệp cần hướng tới.
Đặc biệt là mục tiêu cụ thể đặt ra cho ngành nông sản Việt trong 10 năm tới là tỷ trọng công nghiệp chế biến nông sản trong GDP của ngành nông nghiệp phải đạt trên 30% và tốc độ gia tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến đạt 7 - 8%/năm. Đồng thời, sẽ có trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu (XK) chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến.
Đầu tư vào công nghệ
Riêng ngành hàng rau quả, theo Ts. Lê Mạnh Hùng, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT), bên cạnh việc tiếp tục đầu tư nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ kỹ thuật cao để bảo quản rau quả tươi giúp DN đẩy mạnh, gia tăng XK, cần phải tập trung đầu tư vào công nghệ chế biến các sản phẩm rau quả lạnh đông, trái cây và rau chế biến tươi.
Trong bối cảnh hiện nay, với tình hình XK rau quả hướng tới giảm phụ thuộc vào Trung Quốc là thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, các nhà sản xuất và kinh doanh rau quả Việt Nam đang chú trọng XK vào các thị trường cao cấp như EU, Nhật, Mỹ, Úc, New Zealand… Do đó, việc gia tăng chế biến để nâng giá trị rau quả XK vào những thị trường này là yêu cầu cấp thiết được đặt ra.
Còn hiện nay vẫn tồn tại những hạn chế cố hữu của ngành hàng nông sản. Ở góc độ của một nhà thu mua sản phẩm nông sản, chia sẻ với giới DN trong ngành hàng nông sản ở Tp.HCM mới đây, ông Seo Fumio, Phó Tổng giám đốc Khối thu mua công ty TNHH Aeon Việt Nam, đã chỉ rõ là nông dân Việt đa phần muốn phát triển về sản lượng. Nông dân muốn xem được bao nhiêu kilôgam, tạ, tấn…, nhưng lại không nghĩ quan trọng nhất là cần cải thiện mặt chất lượng sản phẩm.
Chưa kể, theo ông Seo Fumio, khi nông dân sản xuất ra những sản phẩm chất lượng tốt, nhưng quá trình vận chuyển, đơn cử như từ Cần Thơ về Tp.HCM bán hàng lại có nhiều chuyện phát sinh. Đơn cử như việc thay đổi nhiệt độ xe chở hàng, khi cần xe chuyên dụng lạnh thì lại dùng xe bình thường, hoặc đường sá không tốt nên xe va đập dẫn đến nông sản bị hư hỏng.
Đặc biệt, nhiều nông dân khi bán nông sản ra ngoài, qua nhiều thương lái, trung gian nên họ không biết sản phẩm tới tay người tiêu dùng sẽ ra sao. Còn người tiêu dùng không biết sản phẩm mình mua do vùng nào, đơn vị nào sản xuất ra…
Còn theo ông Steven Starmans, Giám đốc điều hành công ty Kim Della Trading & Services Co., LTD, nếu muốn tăng giá trị cho nông sản, lúa gạo và trái cây thì phải tăng cường công tác tiếp thị. Có thể nhắc đến công nghệ blockchain, xuất xứ chỉ dẫn địa lý có thể giúp người tiêu dùng biết sản phẩm nông sản mà họ đang sử dụng đến từ đâu, được xử lý, chế biến như thế nào…
End of content
Không có tin nào tiếp theo