Ngân hàng giảm thêm lãi suất cho khách hàng vay hiện hữu
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN của Trung Quốc / Cải cách hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu
Theo đó, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) mới đây công bố giảm lãi suất cho vay dành cho khách hàng cá nhân hiện hữu lên đến 2,6%/năm nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh và hỗ trợ nhu cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm.
"Cuối năm là thời điểm quan trọng cho các hoạt động kinh doanh và tiêu dùng. Chúng tôi cam kết tiếp tục giảm lãi suất và triển khai các ưu đãi để đồng hành cùng khách hàng và doanh nghiệp, giúp họ nâng cao sản xuất, kinh doanh và chất lượng cuộc sống", Đại diện Nam A Bank chia sẻ.
Trước đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Nam A Bank đã thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất để đồng hành với doanh nghiệp và người dân trước những thách thức của nền kinh tế. Ngoài ra, ngân hàng còn tập trung vào số hóa hoạt động và tiết giảm chi phí để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng.
Không riêng Nam A Bank, nhiều ngân hàng cũng đã triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đang thực hiện 3 gói vay ưu đãi có tổng quy mô lên đến 13.000 tỷ đồng. Lãi suất cho các khoản vay từ 5%/năm, tỷ lệ cho vay tối đa 85% và thời hạn vay lên đến 35 năm. Đặc biệt, gói vay cho sản xuất kinh doanh được thiết kế với lãi suất 5%/năm cố định trong 6 tháng đầu, trong khi lãi suất cho vay mua nhà là 5,9%/năm, vay mua xe ô tô là 7%/năm.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã triển khai nhiều gói vay có tổng giá trị lên đến 5.000 tỷ đồng, lãi suất từ 6,5% mỗi năm. Trong đó, với các khoản vay mua nhà, khách hàng có cơ hội hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm và vay mua ô tô với lãi suất từ 9,5%/năm.
Trước đó, OCB đã ra mắt 2 gói lãi suất ưu đãi khác dành cho khách hàng cá nhân với tổng hạn mức lên đến 12.000 tỷ đồng và mức giảm lãi suất 1,8% bình quân kỳ hạn 12 tháng.
Còn tại Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), chương trình giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2,5%/năm đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau được triển khai từ tháng 6 đến hết năm 2023. Dự kiến tổng số tiền giảm lãi suất lên tới 350 tỷ đồng, tương ứng số dư nợ được giảm là 64.000 tỷ đồng cho đợt giảm lãi suất này.
Bên cạnh các gói tín dụng ưu đãi phục vụ sản xuất kinh doanh, kể từ đầu tháng 9 đến nay, các ngân hàng đã lần lượt công bố chương trình cho vay với lãi suất thấp dành cho khách hàng cá nhân vay để trả nợ ở ngân hàng khác.
Trong đó, lãi suất hấp dẫn nhất đang được áp dụng tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) với mức từ 5,6%/năm cho vay sản xuất kinh doanh và từ 7,5%/năm cho vay tiêu dùng. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho vay với lãi suất từ 6%/năm cho khoản vay ngắn hạn và từ 6,8%/năm cho khoản vay trung dài hạn.
Còn tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất ưu đãi áp dụng cho khách hàng vay vốn để trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác linh hoạt từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8% /năm trong 24 tháng đầu...
Những chính sách giảm lãi suất và các chương trình hút khách hàng vay vốn được triển khai trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng vẫn còn thấp. Điều này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, làm gia tăng sự cạnh tranh giữa các ngân hàng, kích cầu tín dụng những tháng cuối năm.
Chuyên gia phân tích từ Công ty CP Chứng khoán VNDirect dự báo mặt bằng lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm mạnh hơn 100-150 điểm cơ bản (1 điểm tương ứng với 1/100 của 1%) trong các tháng sắp tới. Điều này sẽ kích thích tiêu dùng và đầu tư từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần vào sự phục hồi của nền kinh tế.
Mặc dù lãi suất cho vay có thể giảm nhưng giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, thị trường thu hẹp và doanh nghiệp hạn chế mở rộng hoạt động sản xuất thì tăng trưởng tín dụng cũng khó có thể đột biến.
Tại Hội nghị về đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long diễn ra mới đây, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, tiếp tục giảm lãi suất khoản vay mới và xem xét cả những khoản cũ, cả lãi suất với ngoại tệ và nội tệ. Bên cạnh đó, tiếp tục cắt giảm phí, các thủ tục không cần thiết, nghiêm cấm việc bán bảo hiểm kèm tín dụng mới giải ngân; linh hoạt hơn các hạn mức tín dụng, gắn với mùa vụ; tăng cường liên kết, cho vay chuỗi giá trị…
Đối với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh các tỉnh, thành phố, Phó Thống đốc nhấn mạnh ngoài việc kết nối, báo cáo chính quyền địa phương, theo dõi đánh giá khó khăn thực tế trên địa phương, cần phải thực sự là nơi đầu mối kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp, nắm đc những khó khăn thực tế của doanh nghiệp hiện nay. Trên cơ sở đó, cùng các ngân hàng trên địa bàn hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các lĩnh vực cần sự ưu tiên, ưu đãi.
Ông cũng khuyến khích các doanh nghiệp tìm ra hướng đi mới cho mình, cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, cơ cấu lại thị trường; tăng cường nguồn lực; minh bạch tài chính, minh bạch dòng tiền; chủ động trong việc trao đổi những khó khăn với ngân hàng để đề xuất giải pháp, cộng sinh cùng tháo gỡ khó khăn…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao