Nhà băng ‘khát’ nhân sự ngân hàng số
Xuất khẩu dệt may giảm sau 25 năm tăng trưởng liên tục / Doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội lớn từ Hiệp định RCEP
Hàng năm, NCB đều tổ chức cácđợt đào tạo chuyên môn cho toàn bộ cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống. (Ảnh: NCB) |
Trong công bố thông tin về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam thông qua nhu cầu tuyển dụng của các khách hàng đối với Navigos Search trong quý III/2020, mức lương cao nhất ghi nhận trong quý này là 280 triệu đồng/tháng đến từ ứng viên trong ngành ngân hàng.
Cầu lớn hơn cung
Theo đánh giá của các chuyên gia, các ngân hàng trong nước đang tập trung phát triển dịch vụ số hóa, nên nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan cũng tăng mạnh trong thời gian qua.
Cụ thể là các vị trí như: Phát triển kinh doanh cho dịch vụ ngân hàng số, phân tích trải nghiệm khách hàng và mảng công nghệ thông tin như quản lý dự án, phân tích dữ liệu…
Tuy nhiên, các ngân hàng đang gặp nhiều thách thức trong tuyển dụng những vị trí này, vì nguồn ứng viên trong nước vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Bên cạnh đó, do là ngành mang tính đặc thù cao nên các ngân hàng vẫn ưu tiên lựa chọn các ứng viên có kinh nghiệm làm việc trong ngành trước khi tìm kiếm đến những ứng viên từ ngành khác.
Để giải quyết một phần thách thức trên, hiện nay các ngân hàng đang ưu tiên tìm kiếm ứng viên Việt nhưng có kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài hoặc Việt kiều về nước làm việc.
Dẫu vậy, việc tìm kiếm cũng không hề dễ dàng, do nhu cầu tuyển dụng các vị trí này tăng cao trong khi nguồn ứng viên còn hạn chế vì lĩnh vực ngân hàng số mới phát triển.
Các ngân hàng cũng nhận định việc thiếu trầm trọng ứng viên chất lượng cao đang là một trong những trở ngại lớn với quá trình chuyển đổi số hiện nay.
Nguồn nhân sự chất lượng cao cho ngân hàng đòi hỏi phải có "3 trong 1", bao gồm kiến thức về công nghệ, tài chính và ngoại ngữ. Nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn chiếm chủ yếu trong lao động ngành ngân hàng hiện nay, có tới 90% có kỹ năng chuyên môn tài chính nhưng lại không có kỹ năng về IT và yếu kém ngoại ngữ.
Trong khi đó, nhân sự giỏi IT thì lại không giỏi chuyên môn khiến lập trình ứng dụng hiệu quả không cao, mâu thuẫn tác nghiệp.
“Nhân sự cấp cao các ngân hàng hiện nay thường ít am hiểu về IT dẫn tới quyết định chậm hoặc sai lầm khi đầu tư về công nghệ. Có những phó tổng ở các ngân hàng thương mại chuyên về IT nhưng am hiểu về chuyên môn quản trị tài chính thì yếu hơn”,một chuyên gia đánh giá.
Theo kết quả một cuộc khảo sát với các ngân hàng thương mại của Ngân hàng Nhà nước, có 3 thách thức lớn nhất trong công tác tuyển dụng hiện nay. Trong đó, 26% là thách thức đến từ mức lương và chế độ đãi ngộ cạnh tranh.
Lương "khủng" vẫn khó hút nhân sự
Trước tình trạng cung không đủ cầu về nguồn nhân lực cho ngân hàng số, nhiều nhà băng đã đưa ra mức lương "khủng” để thu hút nhân sự.
Ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT Vietcombank cho biết từng phỏng vấn thành công nhân sự, đưa ra mức lương rất tốt nhưng sau đó ứng viên này lại nhảy sang một ngân hàng khác với mức lương cao hơn. Theo ông Tuấn, cuộc chạy đua về lương thưởng để thu hút nhân sự nếu tiếp tục sẽ không có điểm dừng.
Một đại diện của Vietinbank cũng thừa nhận, trong năm qua, không ít nhân sự giỏi của ngân hàng đã nhảy việc.
Đáng nói, các ngân hàng không chỉ có sự cạnh tranh gay gắt về nhân sự ngân hàng với nhau, mà còn phải giải bài toán để giữ chân nhân sự trước mức đãi ngộ rất tốt của các công ty fintech (công nghệ tài chính).
Tuy nhiên, với các ngân hàng thương mại cổ phần, việc đưa ra mức lương “khủng” hút nhân tài sẽ dễ hơn so với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước do bị khống chế mức lương. Ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng này khó khăn trong việc giữ chân, thu hút nhân sự vì bị khống chế mức lương do mô hình 100% vốn thuộc sở hữu Nhà nước.
Năm qua, 20 nhân sự trong bộ phận công nghệ thông tin nghỉ việc nhưng Agribank chỉ tuyển dụng được 2 người. Một trong những lý do mà ngân hàng quyết tâm cổ phần hóa cũng là để có thể có chính sách đãi ngộ tốt hơn nhằm giữ chân nhân sự.
Phó Tổng giám đốc VPBank Phùng Duy Khương cho biết, thực tế có nhiều nhân sự sau thời gian nhảy việc giữa nhiều đơn vị lại quay về với ngân hàng.Đánh giá việc nguồn nhân sự chuyển dịch giữa các ngân hàng, ông Khương cho rằng đây cũng là yếu tố tích cực. “Một người làm việc lâu năm tại một nơi cũng cần thử thách mới”, ông Khương nói.
Để đáp ứng được nhu cầu của các ngân hàng trong kỷ nguyên số, Ngân hàng Nhà nước ban hành Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định tăng cường hợp tác giữa đơn vị đào tạo và đơn vị sử dụng lao động trong ngành ngân hàng. Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đào tạo lực lượng cán bộ nắm bắt được tiến bộ khoa học công nghệ và ứng dụng vào thực tiễn của ngành; xây dựng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin tại các tổ chức tín dụng…
Tuy nhiên, trước mắt để giải bài toán nhân lực cho ngân hàng số, lãnh đạo một số nhà băng mong muốn các ngân hàng nên liên kết để tránh tình trạng cạnh tranh, giành giật thu hút nhân sự lẫn nhau.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương