Doanh nghiệp chủ động nắm bắt cơ hội lớn từ Hiệp định RCEP
Thúc đẩy đàm phán Hiệp định RCEP / Kỳ vọng gì khi tham gia RCEP?
Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia lớn trên thế giới là: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand đã được ký kết vào giữa tháng này tại Hà Nội, ngay trong năm Việt Nam là chủ nhà của Hội nghị cấp cao ASEAN 37. Sự kiện này đã chính thức hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Thực tế trước đó, các nước trong ASEAN cũng đã có các hiệp định thương mại tự do với các đối tác này. Vì vậy, mục tiêu đặt ra khi đàm phán RCEP không phải là xây dựng thêm những hiệp định thương mại tư do mới, mà là nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN.
Nhiều cơ hội lớn từ RCEP
Lần đầu tiên ASEAN thể hiện vai trò dẫn dắt trong mối liên kết kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua việc xây dựng một FTA với 5 đối tác lớn là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Như vậy, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực với sự tham gia của 15 thành viên, sẽ tạo ra thị trường có quy mô 2,2 tỷ người, gần 27 tỷ USD, và chiếm gần 30 % GDP toàn cầu, nên trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Có thể thấy rõ điều này khi so sánh RCEP với các Hiệp định lớn khác mà Việt Nam đã ký như:
- Về quy mô GDP: RCEP lớn gấp gần 3 lần so với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và gấp 1,5 lần Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
- Trong khi nội dung chính của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký là cam kết về mở cửa thị trường, giảm thuế về 0% thì với RCEP là tạo thuận lợi hóa và kết nối sản xuất.
"RCEP vẫn là một khuôn khổ liên kết kinh tế quan trọng, lớn nhất ở thế giới, tạo thuận lợi cho ASEAN có không gian phát triển chưa từng có", Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn Cao cấp của Ban Thư ký quốc gia về ASEAN 2020, nhấn mạnh.
"Hiệp định sẽ là một trong những động lực tăng trưởng mới giúp thúc đẩy kinh tế khi vực ASEAN sau đại dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư, thương mại và du lịch trong khu vực", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Lào Thongphane Savanphet, nhận định.
Tuy dự báo tác động đến nền kinh tế Việt Nam thấp hơn so với các Hiệp định thương mại tự do lớn khác như CPTPP, EVFTA..., nhưng các tiêu chuẩn và cam kết trong RCEP lại dễ dàng hơn với các doanh nghiệp Việt Nam, nên việc tận dụng những cơ hội, lợi ích từ RCEP sẽ thuận lợi hơn.
Theo Bộ Công Thương, nước ta nhập siêu từ các nước trong khối ASEAN khoảng 6 - 8 tỷ USD mỗi năm. RCEP sẽ giúp việc nhập khẩu những hàng hóa này được rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Tận dụng hiệu quả ưu đãi từ RCEP
Bên cạnh đó, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông lâm, thủy sản cũng được đánh giá là có thể đáp ứng yêu cầu của hầu hết thành viên RCEP. Vì vậy, cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước là rất lớn nếu chúng ta biết tận dụng một cách hiệu quả các ưu đãi từ RCEP. Đặc biệt khi những quy định về quy tắc xuất xứ trong RCEP được cho là lỏng hơn rất nhiều so với các hiệp định khác.
Mỗi năm, lượng gỗ mà nước ta phải mua từ ASEAN đang cao gấp 3 lần giá trị gỗ có thể bán vào thị trường này. Nhiều nguyên vật liệu khác chưa thể tự chủ, vẫn phải mua từ Australia và New Zealand. Hiệp định RCEP bao trùm khắp những thị trường này, do vậy giá nguyên liệu đầu vào mua từ các thị trường của nhau sẽ rẻ hơn.
Còn với dệt may, nỗi ám ảnh về quy tắc xuất xứ từ sợi hay từ vải trở đi phải sản xuất tại Việt Nam sẽ được giải tỏa trong RCEP. Hiệp định cho phép thiết lập một quy tắc xuất xứ chung, tức là sử dụng nguyên liệu trong RCEP, khi xuất bán trở lại vào khối sẽ được hưởng ưu đãi. Cùng với đó, cánh cửa vào các thị trường chiến lược ngoài ASEAN cũng rộng mở hơn.
"Hiện chúng ta có thị phần rất nhỏ ở Australia, xuất vào chưa đến 500 triệu USD. Bởi vậy, cải thiện được thị phần ở đây có thể đem về cho dệt may Việt Nam hàng tỷ USD", ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết.
Với dệt may, nỗi ám ảnh về quy tắc xuất xứ từ sợi hay từ vải trở đi phải sản xuất tại Việt Nam sẽ được giải tỏa trong RCEP. Ảnh: Báo Đầu tư.
"Bên cạnh câu chuyện thuế quan có thể tốt hơn so với những hiệp định hiện tại, quy tắc xuất xứ linh hoạt hơn và bao trùm hơn, còn có những cái kỳ vọng được, ví dụ như các quy tắc chung thống nhất, biện pháp giảm thiểu những biện pháp phi thuế quan có thể hạn chế hàng hóa xuất khẩu của chúng ta", bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho hay.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng e ngại việc nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự, nhưng năng lực cạnh tranh lại cao hơn. Các thị trường trong khối cũng có sự chênh lệch và khác biệt lớn về yêu cầu chất lượng hàng hóa nên sẽ rất khó cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cạnh tranh cũng như đáp ứng yêu cầu của tất cả các thị trường.
Dự kiến sẽ cần một khoảng thời gian là 18 tháng để các nước thành viên thông qua RCEP. Do vậy, Bộ Công Thương cho biết trong quá trình phê chuẩn hiệp định, Bộ này sẽ phối hợp với các bộ, ngành chức năng xây dựng một kế hoạch hành động chi tiết về triển khai hiệp định để hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt, vận dụng sao cho thuận lợi và hiệu quả.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cam kết những giá trị bền vững dẫn lối cho sự phát triển của Masterise
Bước đệm cho tăng trưởng từ giảm 2% thuế VAT
VCCI kiến nghị lập cơ quan độc lập đốc thúc giải quyết vướng mắc, bất cập
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg