Thị trường

Nợ xấu và nỗi lo của ngành ngân hàng

Nỗi lo lớn của ngành ngân hàng cả năm 2021 là sự phình to của khối nợ xấu, đặc biệt là khối nợ xấu tiềm ẩn đang được “che” dưới lớp vỏ cơ cấu lại nợ.

'Hồi sinh' sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở vùng đất cỏ bàng / Hà Nội thu hút 3,72 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài

no-xau-9796-1609750869.jpg

Covid-19 khiến cho nợ xấu của ngành ngân hàng tăng.

Sau khi đại dịch Covid-19 tại Việt Nam được khống chế, tăng trưởng tín dụng “bứt tốc” nhanh trong 2 tháng cuối năm 2020. Tuy nhiên, dù muốn hay không, chất lượng tài sản của các ngân hàng sẽ giảm đáng kể, bởi tác động của dịch bệnh đến thị trường bất động sản và tiêu dùng, sản xuất tăng nguy cơ phá sản nhiều dự án và giảm chất lượng tín dụng của các ngân hàng.

Thực tế sẽ cao hơn báo cáo

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã vượt 2%. Tuy nhiên, con số này chỉ phản ánh phần nào tình hình thực tế, bởi dù năm tài chính2020 đã kết thúc, nhưng thời điểm này các ngân hàng chưa công bố kết quả kinh doanh quý IV.

Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, nợ xấu của ngân hàng có chiều hướng gia tăng, nhất là vào các tháng cuối năm. Dự báo mức tăng khoảng 30%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể ở mức 3% vào cuối năm 2020 và sẽ tăng thêm trong năm 2021 do tác động của nền kinh tế tới ngành ngân hàng có độ trễ.

Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong năm 2020 con số nợ xấu của các ngân hàng chưa phản ánh đúng thực tế, vì ngay sau khi đại dịch Covid-19 xảy ra, NHNN đã ban hành Thông tư 01 cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và cho phép giữ nguyên nhóm nợ. Do đó, nợ xấu thực tế sẽ cao hơn con số báo cáo.

 

Tính đến 14/12/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng. Cho vay mới với lãi suất giảm từ 0,5-2,5% so với trước dịch với doanh số cho vay khoảng gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng.

Đơn cử như Ngân hàng chính sách xã hội đã gia hạn nợ cho trên 167 nghìn khách hàng với dư nợ trên 4 nghìn tỷ đồng, cho vay mới đối với khoảng trên 2 triệu khách hàng với số tiền trên 72 nghìn tỷ đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, vấn đề này có thể tiếp tục kéo dài đến năm 2021, vì các ngân hàng có thể cơ cấu lại các khoản cho vay giải ngân trước ngày 23/1/2020, lên đến 12 tháng, mà không cần phân loại lại thành nhóm cho vay rủi ro hơn, nhưng những khoản này có thể phản ánh trên bảng cân đối kế toán trong năm nay.

Quan điểm xử lý nợ xấu của ngân hàng phải thay đổi

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Covid-19 khiến cho nợ xấu của ngành ngân hàng tăng. Nợ xấu gộp đến cuối năm 2020 ước tính sẽ khoảng 4,5%, con số này của năm 2021 có thể tăng lên 5-6%.

 

“Năm 2021 kế hoạch cũng như quan điểm xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ phải thay đổi”, ông Lực nhấn mạnh.

PGS.TS Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, ngân hàng luôn phải đặt nhiệm vụ xử lý nợ xấu là trọng tâm, đặc biệt là việc xây dựng các giải pháp riêng biệt cho từng nhóm khách hàng và đẩy mạnh bán nợ.

Theo chuyên gia này, với những khoản nợ đến từ lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sẽ dễ dàng phục hồi hơn là nợ xấu đến từ những lĩnh vực tạo bong bóng như giai đoạn trước. Bởi năm 2021 kinh tế dự báo sẽ phục hồi do Việt Nam và thế giới đã có vắc-xin phòng dịch.

Bên cạnh đó, các ngân hàng phải tìm các phương án đẩy nhanh bán nợ cũ, thanh lý tài sản đảm bảo, nếu không áp lực và rủi ro cho ngân hàng sẽ càng lớn vào cuối năm nay.

Thực tế, xử lý nợ xấu được các nhà băng rất quan tâm trong thời gian qua. Tuy nhiên, quá trình xử lý không dễ dàng, nhiều khoản nợ xấu được rao bán hàng chục lần, với mức giá giảm vài chục % so với giá khởi điểm, nhưng vẫn không tìm được người mua.

 

Vì vậy, các chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng cho rằng cần sớm thành lập sàn giao dịch mua bán nợ xấu và hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện ngay khi sàn đi vào hoạt động. “Khi hành lang pháp lý đầy đủ, nợ xấu mới dễ bán”, một lãnh đạo ngân hàng cho hay.

Ngoài ra, một giải pháp cần thiết để hạn chế nợ xấu gia tăng được chuyên gia khuyến nghị đó là các ngân hàng ngoài việc nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong ngắn hạn, thì về dài hạn cần điều chỉnh danh mục cho vay, thậm chí hướng tới điều chỉnh danh mục tài sản tiến tới giảm tỷ trọng tài sản tín dụng, tăng tài sản phi tín dụng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm