Thời điểm này, hàng nghìn ha diện tích lúa hè thu ở Nghệ An đang sắp chín. Trên các cánh đồng lúa, châu chấu sinh trưởng rất nhiều. Với những người làm nghề săn bắt châu chấu (người dân thường gọi “tôm bay”) mỗi vụ có thể thu hàng chục triệu.
Khoảng độ tháng 5 đến tháng 11 là thời điểm người dân các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, TX. Hoàng Mai... vào mùa săn bắt “tôm bay”; cao điểm vào mùa là từ tháng 8 - 9. Ảnh: Việt Hùng.
Anh Nguyễn Văn Hưng ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu), đã nhiều năm làm công việc săn châu chấu. Đang vào mùa cao điểm, bình quân mỗi ngày anh Hưng săn được từ 10 - 12 kg châu chấu, thu về khoảng hơn 1 triệu đồng. Anh cho biết: Vào dịp lúa sắp chín, người dân tập trung đi đến các xứ đồng trên địa bàn huyện để săn châu chấu. Thời gian đi săn bắt tập trung đầu từ 6 giờ đến 11 giờ trưa, dễ bắt được nhiều châu chấu nhất trong ngày".
Hiện nay, người dân săn bắt châu chấu chủ yếu bằng cách chế 2 chiếc vợt lưới gắn vào xe máy rồi điều khiển đi khắp cánh đồng. Đi đến đâu, châu chấu đang trú ẩn trên bông lúa hay bờ ruộng đều giật mình bay vào trong. Cứ như thế, khi châu chấu được chao đầy vợt, người dân sẽ trút vào bao. Ảnh: Việt Hùng
Sau khi đi săn châu chấu về, người dân sẽ bán cho các đầu mối với giá từ 80.000 - 100.000 đồng/kg. Bình quân, mỗi người dân có thể săn được từ 10 - 20 kg/ngày (tùy địa bàn). Hiện nay, trên địa bàn xã Quỳnh Thanh có khoảng 5 đầu mối thu mua châu chấu, mỗi ngày thu mua khoảng 2 - 3 tấn. Ảnh: Việt Hùng
Chị Nguyễn Thị Hạnh - một hộ thu mua chấu chấu cho biết, hiện đang vào cao điểm, lượng châu chấu nhiều nên mỗi ngày chị thu mua từ 5 - 7 tạ. Sau khi thu mua về, chị thuê 4 - 5 công nhân sơ chế bằng cách luộc sơ, sau đó vớt ra rồi làm sạch, đóng gói hoặc châu chấu đang còn sống được cho vào thùng xốp ướp đá lạnh; sau đó sẽ được vận chuyển, nhập cho các nhà hàng ở Hà Nội; trừ chi phí, chị thu lãi khoảng 5 - 7 triệu đồng/ngày. Ảnh: Việt Hùng
Hiện nay có các đầu mối thu mua "tôm bay" ở Quỳnh Lưu, xã Diễn Yên (Diễn Châu), phường Mai Hùng (T.X Hoàng Mai). Với nghề săn bắt châu chấu theo thời vụ, người dân ở Nghệ An có thể kiếm cả chục triệu đồng/vụ. Công việc này vừa tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con nông dân vừa giải quyết nạn châu chấu phá hoại lúa. Ảnh: Việt Hùng
Sau khi châu chấu được mua về, người dân có thể ngâm nước vo gạo 30 phút rồi vớt ra làm sạch, rửa và chế biến các món chiên với sả, ớt thêm chút lá chanh; vừa hấp dẫn vừa giàu dinh dưỡng được dân "sành" ăn ưa chuộng. Ảnh: Việt Hùng
Theo baonghean.vn