Nông dân Sa Đéc thuần hóa nhiều giống cây kiểng "độc, lạ"
BẢN TIN TÀI CHÍNH-KINH DOANH: TP HCM triển khai hệ thống hải quan tự động, giá heo hơi hạ nhiệt / Hà Nội thu hút 6,26 tỷ USD vốn FDI trong 8 tháng
Mới đây, ở làng hoa Sa Đéc xuất hiện cây sen thơm (hay còn gọi là cây Nhất Mạt Hương) vừa làm cây chưng trên bàn, vừa có hương thơm nên được nhiều khách hàng chọn mua và hút hàng. Trước đây, giống cây sen thơm chỉ trồng được và phát triển ở vùng có khí hậu ôn đới như ở Đà Lạt.
Nông dân chăm sóc cây sen thơm
Người đã thuần dưỡng thành công và trồng được cây sen thơm ở khí hậu nhiệt đới chính là nông dân Nguyễn Văn Ân (ngụ ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc) - người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hoa, kiểng.
Cây sen thơm có mùi thơm bát ngát và có tác dụng đuổi muỗi khi chưng trong nhà
"Cây sen thơm được tôi mua giống từ Đà Lạt về và bắt đầu thuần dưỡng, nhân giống khoảng vài tháng trở lại đây. Cây sen thơm được trồng khoảng 3 tháng là có thể bán. Hiện, trong vườn tôi có hơn 1.000 cây, mặc dù chưa đến thời gian bán nhưng thương lái đến đặt mua trước với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/cây", ông Ân chia sẻ.
Với đặc tính có hương thơm bát ngát, cây sen thơm vừa có thể chưng trên bàn làm việc, vừa có tác dụng xua đuổi muỗi khi đặt trong nhà nên rất nhiều khách hàng tìm mua. Hiện, chỉ có một vài hộ ở làng hoa Sa Đéc trồng thành công nên cây sen thơm không đủ cung ứng ra thị trường.
Nông dân Tống Thiện Hồng (ngụ khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc) đã tìm tòi, nhân giống thành công cây phát tài Singapore (còn gọi là phát tài thịnh vượng). Cây phát tài Singapore dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Hiện, giá bán từ 100.000 - 150.000 đồng/cây.
Ông Tống Thiện Hồng giới thiệu cây phát tài Singapore
Ông Hồng cho biết ông nhân giống thành công cây phát tài Singapore được khoảng 3 năm. Mỗi năm, cung ứng cho các vựa hoa kiểng trong nước khoảng 1.000 cây vì nhu cầu sử dụng cây để trang trí văn phòng làm việc và nhà ở rất lớn. "Cây ra lá cứng cáp, mọc thẳng lên trên, không rũ xuống như những loại phát tài trồng từ cây cấy mô. Cây trồng càng lâu, có lóng thân cao thì càng đẹp và có giá trị cao", ông Hồng cho hay.
Tại làng hoa Sa Đéc còn xuất hiện loại dưa kiểng PePiNo (hay thường gọi là dưa hấu Nam Mỹ). Người trồng thành công giống dưa kiểng PePiNo là nông dân Trần Văn Tiếp (ngụ ấp Khánh Hòa, xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc). "Dưa kiểng PePiNo có nguồn gốc từ Nam Mỹ, ở Việt Nam trước nay chỉ được trồng ở những vùng có khí hậu ôn đới như Đà Lạt", ông Tiếp khẳng định.
Ông Trần Văn Tiếp chăm sóc cây dưa kiểng PePiNo
Theo ông Tiếp, cây khá dễ trồng, ít sâu bệnh nhưng rất kén phân, không chịu phân hóa học, nếu trồng bằng hạt thì 5 tháng sẽ cho ra trái, trồng bằng cành thì 4 tháng. "Qua nhiều năm trồng thử nghiệm với khí hậu nhiệt đới, hiện cây dưa đã ra trái và tôi cũng đã nhân giống hơn 2.000 cây con để cung ứng cho thị trường", ông Tiếp nói.
Đặc biệt, loại dưa PePiNo vừa có thể làm cây kiểng chưng trong nhà, vừa có thể làm cây ăn trái. Khi chín, quả dưa PePiNo có màu vàng sọc tím trông rất đẹp mắt, vị ngọt vừa phải và có thể ăn như các loại trái cây khác. Giá mỗi cây từ 50.000 - 100.000 đồng.
Nhiều nông dân thuần dưỡng, trồng thành công nhiều giống cây kiểng mới, lạ, góp phần làm cho làng hoa Sa Đéc hơn 100 năm tuổi, nổi tiếng nhất khu vực ĐBSCL thêm phong phú và thực hiện thắng lợi đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo