Pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn: Doanh nghiệp 'gánh' rủi ro, cơ quan quản lý lúng túng
Mặt khác, gây lúng túng cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực thi chính sách, cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước.
Nhiều chồng chéo, mâu thuẫn
Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thực trạng nhiều quy định pháp luật tại các bộ luật có sự chồng chéo, mâu thuẫn với nhau là vấn đề đã, đang tồn tại dai dẳng trong hệ thống chính sách pháp luật Việt Nam.
Minh chứng về vấn đề này, ông Tuấn cho biết, VCCI đã tiến hành khảo sát các quy định pháp luật về đầu tư kinh doanh được quy định tại nhiều bộ luật như Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS)… và thống kê được “hàng dài” trường hợp chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật.
Đơn cử, liên quan đến quy định về năng lực tài chính của chủ đầu tư trong hoạt động kinh doanh BĐS, Luật Kinh doanh BĐS quy định: Chủ đầu tư tham gia hoạt động kinh doanh BĐS phải có vốn pháp định ít nhất là 20 tỷ đồng (Điều 10). Trong khi đó, Luật Đất đai lại quy định: Chủ đầu tư phải có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc ta, không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên (Điều 14).
Hay liên quan đến quy định chấm dứt dự án đầu tư và thu hồi dự án đầu tư, Luật Đầu tư quy định: Dự án bị chấm dứt sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư (Điều 48.1.g). Trong khi đó, Luật Đất đai lại quy định: Cho phép gia hạn sử dụng đất 24 tháng sau khi đất (được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư) không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ chậm 24 tháng và nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án (Điều 64.1.i), (tức 2 luật trên quy định không thống nhất về căn cứ thu hồi đất của dự án đầu tư)…
Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, từ góc nhìn của một luật sư, ông Hà Huy Phong – Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, thực tế này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về mặt khách quan, nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nhanh, do đó hệ thống chính sách pháp luật liên tục phải sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu phát triển và phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế. Trong hệ thống pháp luật đó, có văn bản được sửa trước, văn bản sửa sau, dẫn đến cả hệ thống không thống nhất và ăn khớp với nhau, từ đó phát sinh ra những mâu thuẫn, chồng chéo…
Về mặt chủ quan, theo ông Phong, cơ chế xây dựng luật của Việt Nam chưa thực sự phù hợp, bởi chúng ta chưa có một cơ quan độc lập, thống nhất và có đầy đủ năng lực chuyên môn đảm trách. Trong khi đó, hiện tại, vai trò rà soát, “gác cổng” thẩm định luật của Bộ Tư pháp vẫn chưa thực sự hiệu quả. “Mặc dù Quốc hội là cơ quan lập pháp nhưng các dự thảo luật đều do các bộ, ngành chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến góp ý. Do đó, các đạo luật được trình lên Quốc hội phần nào đó vẫn chịu sự chi phối và ý chí chủ quan của bộ, ngành chủ trì soạn thảo, nên vẫn còn có tính phiến diện” – ông Phong nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phong, thực trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật sẽ đem đến nhiều hệ quả tiêu cực đối với DN. Trước hết, mọi hoạt động của DN trong quá trình đầu tư, kinh doanh đều chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Do vậy, khi hệ thống pháp luật không thống nhất, DN sẽ bị giằng co trong việc thực hiện nghĩa vụ tuân thủ pháp luật theo hướng đáp ứng đúng quy định của luật này thì lại không đúng với quy định của luật khác, kết quả là DN phải đối mặt với rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật rất cao. Điều đó cũng kéo theo DN sẽ phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của DN. Bên cạnh đó, DN phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, thời gian xử lý thủ tục hành chính kéo dài… dẫn tới tạo gánh nặng lớn về mặt chi phí, tốn kém thời gian, thậm chí lỡ nhịp thời cơ đầu tư kinh doanh.
Cần tiến tới hình thành một cơ quan độc lập thẩm định các luật
Thực trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật không chỉ tạo nên những rủi ro cho các DN, mà theo ông Hà Huy Phong, thực tế này còn gây lúng túng cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thực thi chính sách cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước.
“Sự thiếu thống nhất giữa các quy định pháp luật khiến các cơ quan quản lý nhà nước gặp lúng túng, bị động trong quá trình giải quyết công việc cho DN, công tác điều hành cũng khó quyết liệt và hiệu quả được. Thậm chí ở nhiều đơn vị chức năng còn xuất hiện tình trạng dừng, “ngâm” hồ sơ của DN không xử lý. Đặc biệt, khi các cơ quan quản lý, thực thi pháp luật đứng giữa những quy định pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn với nhau giống như đi giữa những “làn đạn” nên nhiều cán bộ phụ trách do tâm lý sợ sai, sợ rủi ro, sợ phải chịu trách nhiệm… dẫn đến tình trạng đùn đẩy hay tăng cường lấy ý kiến cấp trên để đảm bảo “an toàn” cho mình, cho đơn vị mình” – ông Phong nêu quan điểm.
Trước những hệ lụy tiêu cực từ thực trạng trên, ông Phong cho rằng, để khắc phục trước hết cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong công tác thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật, nhằm đảm bảo một quy định pháp luật mới được đề xuất chỉnh sửa, bổ sung phải phù hợp, thống nhất với các quy định pháp luật đã có trong hệ thống chính sách pháp luật.
Bên cạnh đó, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, với những chồng chéo, mâu thuẫn trong các quy định pháp luật hiện hữu, cần có sự phối hợp làm việc giữa các ban soạn thảo các luật để tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện vấn đề, từ đó đề xuất ban hành một luật sửa nhiều luật.
Về lâu dài, ông Tuấn cho rằng, cần tiến tới việc hình thành một cơ quan độc lập giúp Chính phủ rà soát, thẩm định việc xây dựng, soạn thảo luật của các bộ, ngành. Đặc biệt, soạn luật cần hướng tới chuyên nghiệp và độc lập, tách xây dựng pháp luật ra khỏi cơ quan cấp phép, để hạn chế tình trạng các bộ, ngành xây dựng “pháp luật cục bộ”, vì lợi ích cục bộ của bộ, ngành mình.
Sự thiếu thống nhất giữa các quy định pháp luật khiến các cơ quan quản lý nhà nước gặp lúng túng, bị động trong quá trình giải quyết công việc cho DN, công tác điều hành cũng khó quyết liệt và hiệu quả được. Thậm chí ở nhiều đơn vị chức năng còn xuất hiện tình trạng dừng, “ngâm” hồ sơ của DN không xử lý.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước