Quảng Nam: Trồng cây dược liệu giúp người dân xóa đói giảm nghèo
Tỉnh Quảng Nam không chỉ được biết đến là “thủ phủ” của sâm Ngọc Linh mà còn có nhiều loại cây dược liệu quý như ba kích, đẳng sâm, sa nhân, đương quy, giảo cổ lam...
Theo khảo sát, hơn 830 loài, gần 600 chi, 190 họ thực vật ở các vùng núi tỉnh Quảng Nam có khả năng làm nguyên liệu dược. Địa phương cũng xác định phát triển cây dược liệu là ưu tiên hàng đầu trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2030.
Nam Trà My là một trong 2 huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam hội đủ các điều kiện để trồng cây dược liệu. Các loại cây dược liệu đã được người dân đưa vào trồng đa dạng về chủng loại như: Quế Trà My, đẳng sâm, sâm quy, giảo cổ lam, sơn tra, sa nhân… Xác định trồng cây dược liệu là hướng đi đúng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào, chính quyền và ngành chức năng địa phương tích cực tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng các mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng; Đồng thời cử cán bộ xuống tận nơi hướng dẫn cho các hộ dân kỹ thuật trồng, chăm sóc.
Đến nay đã có 10/10 xã của huyện triển khai mô hình nhóm hộ trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Trong số các loại cây dược liệu ở huyện Nam Trà My, sâm Ngọc Linh được xem là quốc bảo của ngành dược liệu Việt Nam. Đây là một trong những lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao.
Hai năm trở lại đây, cứ đến những ngày đầu tháng, hàng trăm hộ dân đồng bào Ca Dong, Xê Đăng ở 10 xã vùng cao của huyện Nam Trà My lại tập trung về trung tâm huyện tham gia phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu. Kể từ khi sâm Ngọc Linh được xếp vào danh mục sản phẩm quốc gia thì giá sâm liên tục tăng. Người trồng sâm Ngọc Linh ở 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum giàu lên trông thấy.
Ông Hồ Văn Du ở xã Trà Linh, huyện Nam Trà My cho biết, gia đình hiện sở hữu hơn 10.000 gốc sâm trên 10 năm tuổi. Giá mỗi ký sâm loại củ lớn không dưới 100 triệu đồng/1kg. Tính ra, vườn sâm của gia đình ông Du trị giá cả trăm tỷ đồng. Ông Hồ Văn Du còn được người dân nơi đây gọi là “vua sâm” ở đỉnh Ngọc Linh.
Ông Hồ Văn Du chia sẻ: "Hồi xưa bà con ở Trà Linh rất là nghèo khó. Bây giờ nhờ cây sâm Ngọc Linh mà rất khá giả".
Cùng với việc mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh lên hơn 1.500 ha, chính quyền huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam còn hỗ trợ người dân gieo ươm hàng trăm nghìn cây giống dược liệu.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết: "Hiện nay trên Nam Trà My có rất nhiều cây dược liệu, hơn 830 loài cây dược liệu trên núi Ngọc Linh. Đứng đầu là cây sâm Ngọc Linh. Hiện nay người dân trồng 1 ha sâm Ngọc Linh sau 5 năm, khả năng thu 70 đến 75 tỷ đồng".
Đề án “Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017- 2025, định hướng đến năm 2030”, địa phương tiến hành quy hoạch trồng và phát triển 6 loài dược liệu chính là đảng sâm, ba kích, sa nhân tím, đương quy, giảo cổ lam, lan kim tuyến.
Các huyện Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang và Nam Trà My được chọn để quy hoạch, trồng và phát triển giống kết hợp sản xuất, cung cấp nguồn giống. Các huyện miền núi khác cũng được chọn triển khai trồng dược liệu dưới tán rừng, trồng thuần, trồng xen canh, luân canh…
Để triển khai đề án trồng dược liệu, tỉnh Quảng Nam xây dựng các trung tâm nhân giống, hỗ trợ vốn, kỹ thuật để người dân mở rộng diện tích. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chế biến dược liệu đang đầu tư vào Quảng Nam. Lợi ích của từ việc trồng cây dược liệu chính là hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ lớn, rủi ro thấp.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trồng dược liệu còn có một lợi ích khác đó là bảo vệ được rừng nguyên sinh.
"Chúng tôi hiện nay cũng đã quy hoạch vùng dược liệu Quảng Nam theo hướng trở thành vùng dược liệu quốc gia khu vực Nam Trung bộ. Mục xóa đói giảm nghèo tiến đến làm trên vùng dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng" - ông Lê Trí Thanh cho biết.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 50.000 - 60.000 tấn dược liệu, sử dụng vào chế biến vị thuốc y học cổ truyền, nguyên liệu ngành công nghiệp dược. Mặc dù có tiềm năng thế mạnh lớn nhưng hiện nay Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ sản xuất thuốc trong nước, còn lại 75% vẫn phải phụ thuộc vào nguồn dược liệu nhập khẩu.
Vì vậy, đầu tư phát triển cây dược liệu là hướng đi phù hợp vừa phát triển kinh tế, nâng cao sức khỏe người dân. Tỉnh Quảng Nam đang tính toán sẽ thu hồi hàng ngàn héc ta đất quy hoạch trồng cây cao su để chuyển sang trồng các loại dược liệu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao