Quảng Ninh: Sản xuất an toàn, đánh thức tiềm năng cây dược liệu
Phát huy lợi thế
Những năm qua, Ba Chẽ được quy hoạch là một trong 3 vùng dược liệu của tỉnh Quảng Ninh. Hiện, huyện đang triển khai vùng sản xuất tập trung cây dược liệu với 3 cây chủ lực gồm ba kích tím, trà hoa vàng, nấm lim xanh.
Trong đó, cây ba kích tím hiện đang được trồng trên diện tích gần 200ha; trà hoa vàng hiện có diện tích là 141ha; nấm lim xanh được quy hoạch vùng sản xuất đến năm 2020 với quy mô 735 tấn nguyên liệu...
Để phát huy hiệu quả, huyện đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến, xây dựng chuỗi giá trị, từ đó xây dựng vùng sản xuất hiệu quả, đảm bảo an toàn lao động, mang lại những sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao.
HTX kinh doanh dịch vụ lâm sản ngoài gỗ Ba Chẽ (xã Đồn Đạc) được huyện hỗ trợ một máy sấy dược liệu, một máy khử độc tố andehit trong rượu và một máy hút chân không. Từ ngày ứng dụng những loại máy móc này vào chế biến và bảo quản, hiệu quả sản xuất của HTX tăng lên đáng kể.
Anh Vũ Văn Minh - Giám đốc HTX, cho biết HTX tổ chức thu mua, chế biến và bán ra thị trường các sản phẩm thế mạnh của địa phương như: nấm lim xanh khô, rượu ba kích, măng mai, sâm cau… Trong mùa thu hoạch, mỗi ngày HTX thu mua 200 - 300kg sản phẩm dược liệu các loại.
“Sau khi đẩy mạnh khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giá trị sản phẩm của HTX tăng lên đáng kể. Điều kiện làm việc của thành viên, người lao động cũng được cải thiện,quy định về ATLĐđược nâng cao, các rủi ro về sức khỏe giảm thiểu”, anh Minh nhấn mạnh.
Chú trọng sản xuất an toàn
Bên cạnh HTX lâm sản ngoài gỗ Ba Chẽ, thời gian qua, huyện đã hỗ trợ 110 triệu đồng cho CTCP kinh doanh lâm sản Đạp Thanh đầu tư hệ thống máy sấy, đóng gói trà túi lọc tự động; hỗ trợ gần 50 triệu đồng cho Tổ hợp tác mật ong thị trấn Ba Chẽ mua máy hạ thủy phần mật ong…
Nhờ được hỗ trợ kịp thời, CTCP kinh doanh lâm sản Đạp Thanh đã và đang xây dựng được thương hiệu của trà hoa vàng với việc cung cấp ra thị trường khoảng 10.000 cây giống mỗi năm; doanh thu từ trồng, chế biến cây trà hoa vàng của doanh nghiệp năm 2017 đã đạt mức 3 tỷ đồng, tăng hơn 1 tỷ đồng so với năm 2016.
“Không chỉ gia tăng lợi ích về kinh tế, Công ty đang hoàn thiện các quy định về ATLĐ, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Các thành viên hiện đang được hưởng đầy đủ các chế độ về lương, thưởng, bảo hiểm và được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động trong quá trình làm việc”, ông Nịnh Văn Trắng - Giám đốc Công ty, cho hay.
Cùng với việc hỗ trợ mua máy móc cho các các HTX, công ty trên địa bàn để chế biến và bảo quản các sản phẩm từ dược liệu, huyện Ba Chẽ còn chú trọng đến việc đổi mới mẫu mã bao bì, tem nhãn cho sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, quảng bá thương hiệu địa phương, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhờ đẩy mạnh khoa học - kỹ thuật vào chế biến, bảo quản và đóng gói đã tạo ra các sản phẩm đảm bảo chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao sức mạnh cạnh tranh, đồng thời, phát triển sản xuất an toàn, nâng cao ATLĐ trong quá trình làm việc.
Trong thời gian tới, huyện Ba Chẽ sẽ tập trung ưu tiên chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong việc phát triển các sản phẩm từ cây dược liệu quý để mang lại những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đặc biệt, chú trong phát triển sản xuất an toàn, đem lại hiệu quả toàn diện cho người dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo