Sản xuất công nghiệp 'tìm đường' bứt tốc trong năm 2024
Chính sách kinh tế được dư luận quan tâm có hiệu lực từ tháng 1/2024 / Tác động lan toả của việc giảm thuế
Không có sự bứt phá
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu năm có tốc độ tăng thấp nhất trong 12 năm gần đây.
Dù vậy, theo bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) IIP tích cực hơn trong những tháng cuối năm, quý sau cao hơn quý trước.
Cụ thể, quý IV tăng 5%, quý III tăng 2,8%, quý II giảm 0,2%, quý I giảm 2,6%. Trong đó, có 2/4 số ngành công nghiệp cấp 1 quan trọng giảm sâu, tăng mức thấp so cùng kỳ năm trước. Trong cả năm 2023, trong số 33 ngành công nghiệp cấp 2 thì có tới 21 ngành có tăng trưởng so với cùng kỳ.
Một số ngành các tháng đầu năm giảm mạnh, đến cuối năm đã có phục hồi rất tích cực, tăng trưởng so với cùng kỳ như: ngành sản xuất xe có động cơ, kim loại, sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.
Một số địa phương là trung tâm công nghiệp của cả nước đã có tăng trưởng tốt, điển hình như: Bắc Giang, Trà Vinh, Phú Thọ, Nam Định, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hà Nam, Kiên Giang, Ninh Thuận, Hải Phòng.
Theo bà Nga, mặc dù sản xuất công nghiệp có xu hướng phục hồi tích cực dần theo thời gian nhưng sản xuất công nghiệp trong cả năm 2023 không có sự bứt phá, tăng tốc mà tăng trưởng chậm trong cả năm 2023.
Ngành khai khoáng gồm khai thác than cứng và than non, khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên có xu hướng giảm dần.
Với công nghiệp chế biến chế tạo, một số ngành vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các quy định của Nhà nước cũng như khó khăn trong tìm kiếm thị trường đầu ra sản phẩm như sản xuất xe máy, bia, rượu, trang phục.
Cần hỗ trợ để lấy lại đà tăng trưởng
Nhận định tình hình sản xuất công nghiệp trong năm 2024, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng cho biết, có nhiều yếu tố thuận lợi cho hoạt động sản xuất công nghiệp. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua đã tích cực, chủ động có các biện pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất.
Theo đó, việc giảm thuế VAT 2% cho DN và hộ sản xuất kinh doanh tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024, giảm lãi suất cho vay, đơn giản hơn thủ tục vay vốn.
Các nút thắt về khó khăn của thị trường bất động sản đã dần được tháo gỡ trong quý IV tạo điều kiện thúc đẩy các ngành sản xuất công nghiệp vật liệu phát triển.
Đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian qua, tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy nhanh hơn lưu thông hàng hóa.
Nhiều đoàn xúc tiến đầu tư của Chính phủ, các bộ, ngành trong thời gian qua liên tục được thực hiện cả trong và ngoài nước. Một số dự án lớn thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ký kết trong năm 2023 tại Thái Bình, Quảng Ninh góp phần là động lực tăng trưởng cho sản xuất công nghiệp trong năm 2024.
Song, theo bà Nga, hoạt động sản xuất công nghiệp còn đối mặt khó khăn do tiềm lực tài chính của doanh nghiệp có hạn và đã tới hạn, trong khi tiêu chuẩn sản xuất của các đơn hàng quốc tế ngày càng khắt khe hơn và yêu cầu cao hơn. Họ không chỉ yêu cầu về chất lượng sản phẩm mà còn phải đáp ứng các yêu cầu sản xuất hướng tới xanh và phát triển bền vững
Giá nhiên liệu và năng lượng trong năm 2023 diễn biến phức tạp, hiện tượng thiếu điện cục bộ tại một số địa phương phía bắc cũng gây tâm lý thận trọng cho các doanh nghiệp khi đầu tư mở rộng sản xuất. Việc tìm kiếm thị trường đầu ra gặp khó dẫn đến hàng tồn kho trong doanh nghiệp hiện đang rất cao.
Thêm vào đó, kinh tế thế giới năm 2024 dự báo còn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến sản xuất trong nước.
“Với các phân tích trên có thể thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp năm 2024 còn gặp rất nhiều khó khăn cả trong nước và quốc tế. Để có thể lấy lại đã tăng trưởng cao cần rất nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Chính phủ, các bộ, ngành, hệ thống ngân hàng, các địa phương tiếp tục có các biện pháp tích cực hơn nữa hỗ trợ sản xuất công nghiệp. Đặc biệt là đầu ra cho sản xuất thông qua các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng đơn hàng xuất khẩu, khơi thông lượng hàng hóa tồn kho cao ở cuối năm 2023”, bà Nga khuyến nghị.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp