SHB: Nợ xấu tăng hơn 6.000 tỷ đồng, giá cổ phiếu liên tục giảm
DNVN - Quý 1/2020, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (HNX: SHB) lãi trước thuế đạt gần 780 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu lại tăng từ 1,91% lên 2,17%.
Hỗ trợ DN nhưng không được phá vỡ các tiêu chí về an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng / Xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm giảm 10%
Nợ xấu tăng trên 2,1%
Theo nội dung báo cáo tài chính quý 1/2020, SHB đạt lãi thuần 1.684 tỷ đồng, tăng 24% và lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt mức 45 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, với chi phí hoạt động tăng 34%, lên mức 1.071 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước và đa phần thu nhập ngoài lãi giảm mạnh nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ đạt 780 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với quý 1/2019.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2020 tại SHB.(Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2020).
Tại ngày 31/3/2020, nợ xấu nội bảng của SHB là 6.136 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với đầu năm (tương đương tăng 21% so với đầu năm). Nợ xấu gia tăng đột biến chủ yếu do nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 59%, lên mức hơn 1.699 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 63%, lên mức hơn 753 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu (trên tổng dư nợ cho vay) tăng từ 1,91% lên 2,17%.
Đáng nói, khoản nợ dài hạn tại SHB tăng 10%, lên mức 87.333 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ trung hạn tăng 9%, lên mức 87.610 tỷ đồng so với đầu năm.
Chất lượng nợ cho vay quý I/2020 tại SHB.(Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2020).
Dư nợ theo thời gian tăng dần. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2020).
Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2020.
Ngoài ra, các khoản lãi, phí phải thu của SHB cũng tăng 20%, lên mức 9.641 tỷ đồng so với cùng kỳ và chiếm hơn 2,61% tổng tài sản (tổng tài sản tính đến hết tháng 3/2020 là 368.981.764 triệu đồng).
Các khoản lãi và phí phải thu trên thực tế là lãi dự thu (dự kiến thu được trong tương lai). Trong số 9.641 tỷ đồng lãi phải thu của SHB có bao nhiêu % lãi phải thoái và khả năng thu hồi của ngân hàng vẫn là một dấu hỏi lớn.
Các khoản lãi và phí phải thu quý I/2020 tại SHB.(Nguồn: BCTC hợp nhất quý I/2020).
Thực tế, nếu số lãi dự thu phải thoái càng lớn, lợi nhuận ngân hàng sẽ càng teo tóp. Quy mô lãi ‘ảo’ càng tăng sẽ gây nhiều rủi ro về nợ xấu và đe dọa lợi nhuận cho ngân hàng, dòng tiền mắc kẹt trong lãi dự thu sẽ rất vất vả để thu hồi.
‘Cục’ nợ xấu khổng lồ từ Cocobay Đà Nẵng
Tháng 9/2016, SHB ký hợp đồng hợp tác với Công ty Thành Đô và trở thành ngân hàng độc quyền cho vay mua bất động sản dự án Cocobay có vốn đầu tư lên tới 14.000 tỷ đồng. SHB cho khách hàng vay lãi suất cố định 8%/năm trong 12 tháng hoặc 8,5%/ năm trong 18 tháng.
Tuy nhiên, cuối năm 2019 Công ty Thành Đô đã hủy cam kết trả lợi nhuận lên tới 12%/năm khiến nhiều khách hàng mua sản phẩm condotel Cocobay như ngồi trên đống lửa.
Vì vậy, cổ đông của SHB lo lắng khoản cho vay tại Cocobay tương lai sẽ thành khối nợ xấu khổng lồ khi thị trường bất động sản đang rơi vào trạng thái ‘bất tỉnh’. Đến hiện tại, nợ xấu của SHB trong quý 1/2020 tăng đột biến lên mức 6.136 tỷ đồng.
SHB được xem là như một trong những ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán rất sớm vào 20/4/2009, chỉ sau Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB, mã ACB).
Giá cổ phiếu SHB liên tục giảm. Nguồn: stockbiz.vn.
Đáng chú ý, 1 tuần qua giữa lúc công bố tài chính quý 1/2020, cổ phiếu của SHB liên tục giảm. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 6/5, cổ phiếu SHB đã đánh mất 0.400 đồng (- 2,63%) xuống giá 14.800 đồng.
Ba phiên trước đó, cổ phiếu SHB liên tục giảm từ 15.900 đồng/cp ngày 29/4, giảm xuống 15.600 đồng/cp hôm 4/5 và còn 15.200 đồng/cp hôm 5/5.
Tính từ 27/4 – 6/5, cổ phiếu ngân hàng này mất 1.600 đồng/CP, tương đương mức giảm 9%
Hà Phương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo