Thị trường

Thông điệp mạnh mẽ về quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong tình hình mới

Một số vấn đề kinh tế - xã hội năm 2021-2022 được đề cập trong bài phát biểu khai mạc hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy thông điệp rất mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước về quá trình phục hồi, phát triển kinh tế trong tình hình mới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính GDP cả năm 2021 đạt mức 3-3,5% / Từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế

Là một trong hai nhóm vấn đề lớn, quan trọng đang được Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIIInghiên cứu thảo luận, xem xét và quyết định, nhiều đảng viên và các tầng lớp nhân dân cho rằng, một số vấn đề kinh tế - xã hội năm 2021-2022 được đề cập trong bài phát biểu khai mạc hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều là những nội dung rất quan trọng. Qua đó cho thấy, thông điệp rất mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước là tiếp tục đặt mục tiêu an toàn trước dịch bệnh Covid 19; đảm bảo sinh kế, sức khỏe của người dân; song song với đó là đưa ra biện pháp để phục hồi và phát triển kinh tế trong những tháng còn lại của năm và kế hoạch cho năm 2022 tới.

Theo dõi qua các phương tiện truyền thông về Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, đặc biệt là bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều đảng viên và các tầng lớp nhân dân đều đánh giá cao những nội dung mà Bộ Chính trị nêu ra để Trung ương tập trung thảo luận về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam thời gian qua; cũng như nêu rõ cần xác định quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế, xã hội trong tình hình mới.

Sáng 4/10, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội (Ảnh: dangcongsan.vn/
Sáng 4/10, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội (Ảnh: dangcongsan.vn

Bà Đỗ Thị Xuyến, ở phường Cổ Nhuế, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho rằng,những đường hướng mà Tổng Bí thư nêu ra dựa trên những nhận định đúng về những thời cơ và thách thức trong tình hình hiện nay. Trước khó khăn chung của đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội, để góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, dù ở vị trí nào, bản thân xác định phải hoàn thành tốt công việc của mình được giao, chấp hành nghiêm đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong giai đoạn hiện nay; tuân thủ đầy đủ công tác phòng chống dịch, cũng như quyền, nghĩa vụ của một công dân.

“Tôi rất tâm đắc với bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 4, cá nhân tôi đánh giá cao trước những nhận định của Tổng Bí thư về tình hình kinh tế - xã hội trước ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19. Là một đảng viên, bản thân tôi bày tỏ sự tin tưởng trước những chủ trương, chính sách, kế hoạch của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới và tin tưởng rằng tình hình kinh tế -xã hội sẽ sớm ổn định phục hồi và có sự phát triển”, bà Đỗ Thị Xuyến nói.

Đối với nhiều chuyên gia kinh tế, năm nay rõ ràng là một năm khó khăn cho nền kinh tế của đất nước khi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 ập đến với biến chủng Delta lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, có nhiều diễn biến phức tạp... Thực tế này đã làm cho những kế hoạch, mục tiêu đặt ra trong năm 2021 này gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, trong lúc bộn bề khó khăn, bủa vây bởi dịch bệnh, thông điệp rất rõ ràng và mạnh mẽ từ bài phát biểu của Tổng Bí thư đó là: chúng ta sẽ vẫn tiếp tục đặt mục tiêu an toàn trước dịch bệnh COVID-19, đảm bảo sinh kế cũng như sức khỏe của người dân là vấn đề hết sức quan trọng. Song song với đó là phải có biện pháp để phục hồi và phát triển kinh tế trong những tháng còn lại của năm và kế hoạch cho năm tới. Điều này đã cho thấy một quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước trong việc kiềm chế dịch bệnh, ổn định xã hội và phát triển kinh tế trong tình hình mới.

“Sau gần 2 năm chống dịch, đặc biệt là qua bùng phát lần thứ 4 vừa qua, chúng ta cũng hiểu hơn về dịch bệnh, hiểu hơn về các thách thức mà chúng ta có thể hành động. Vì thế tôi nghĩ là tính dự báo sau đợt này chúng ta có thể xây dựng được nhiều kịch bản và các kịch bản đó sẽ không bị bất ngờ như sự bùng phát vừa rồi đã diễn ra. Đặc biệt, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư có nhắc đến tính phù hợp và tôi cho rằng, đối với Việt Nam tính phù hợp rất quan trọng. Nếu đưa ra một mức cao hơn mức hành động thì sẽ không thực hiện được. Do đó, tính phù hợp cũng là điều rất quan trọng”, ông Tô Hoài Nam nêu rõ.

 

Với sự điều hành quyết liệt, thận trọng, đưa ra nhiều giải pháp đúng đắn đối với từng thời điểm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng qua đã đạt được một số kết quả tích cực. Tính chung 9 tháng, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì. Một số điểm sáng của nền kinh tế là tăng trưởng tín dụng đạt 7,17%, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021. Tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán cho nền kinh tế tăng 12%... Tuy nhiên, để đảm bảo nền kinh tế phát triển trong tình hình mới, thì yêu cầu đặt ra đó là cần chuyển đổi nhanh tăng trưởng kinh tế sang mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, việc làm cho người lao động.

Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình lưu ý, hiện nay mặc dù tình hình dịch bệnh cơ bản đã được khống chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vì thế, Hội nghị Trung ương 4 đã đưa ra những vấn đề cùng bàn thảo và thảo luận đường hướng phát triển trong thời gian tới là rất quan trọng.

“Chúng ta cần phải có những biện pháp chống dịch tương xứng với những rủi ro của dịch bệnh, không nên sử dụng những biện pháp quá mạnh mẽ trong bối cảnh, mức độ rủi ro không tương xứng. Ưu tiên hàng đầu đó là phải khôi phục lại được hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp một cách bình thường. Các doanh nghiệp hiện nay có một mong muốn hết sức giản dị, chỉ cần được sản xuất một cách bình thường được lưu thông hàng hóa một cách bình thường thông suốt trên 63 tỉnh thành trên cả nước. Điều đó cũng đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay”, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình nêu quan điểm.

Trong bối cảnh và yêu cầu mới đang đặt ra cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế cần có sự đổi mới của công tác quản trị, điều hành, cũng như có biện pháp cơ chế mới trong công tác phòng, chống dịchbệnh, quản trị xã hội, quản trị kinh tế. Từ đó, để bước sang năm 2022 với một tâm thế vững mạnh hơn, tự tin hơn cũng như đạt nhiều thành tựu tốt hơn.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm