Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển
(DNVN) - Phát biểu trước Quốc hội và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, chiều 01/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.
Vì sao EU chưa gỡ bỏ “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam? / Bộ Tài chính: Nghiêm cấm cán bộ đi nước ngoài theo lời mời của doanh nghiệp
Chú trọng phát triển bền vững
Trong bài phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: Chúng ta không chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn ý thức rất rõ yêu cầu nâng cao chất lượng tăng trưởng, chú trọng phát triển bền vững.
Thực hiện nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo các quyền con người, quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, chăm lo đời sống văn hóa - tinh thần, cải thiện phúc lợi, tạo cơ hội học hành, tiếp cận y tế cho nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.
Chính phủ cũng chú trọng thực hiện chính sách phát triển tam nông; đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân trong các hoạt động của đời sống kinh tế và xã hội; củng cố năng lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, sẵn sàng ứng phó và không để bị bất ngờ trong mọi tình huống hay trước bất kỳ các thách thức và mối đe dọa nào có thể xảy đến.
Để bảo vệ các thành quả đã có và đạt được trọn vẹn những mục tiêu phát triển là cả một chặng đường đầy khó khăn, đòi hỏi phải không ngừng đổi mới, cải cách, luôn kiên định với lý tưởng, phải nỗ lực, quyết tâm trong nhiều giai đoạn, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cả những nhiệm kỳ kế tiếp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, dù tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường, nhiều mặt không thuận lợi đối với một nước hội nhập sâu như Việt Nam, nhưng Việt Nam đã giữ được ổn định chính trị - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao với chất lượng được cải thiện.
“Thành quả này nhờ nỗ lực chung cả cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực để phát triển mạnh mẽ và cải thiện hơn nữa cuộc sống của nhân dân”, Thủ tướng Chính phủ nói.
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư
Thủ tướng nêu rõ, cần quyết liệt hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ quyền tài sản, quyền công dân, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, kiểm soát quyền lực; đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, đề cao kỷ luật kỷ cương trong toàn bộ hệ thống chính trị; đẩy mạnh tinh giản biên chế, làm cho bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn trước Quốc hội, chiều 01/11.
Thủ tướng yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc và không để tái diễn vụ việc Con Cưng hay gần đây là vụ phạt tiền 90 triệu đồng đối với hành vi đổi 100 USD không đúng quy định...
Thủ tướng đề nghị toàn bộ hệ thống chính trị chia sẻ trách nhiệm khơi thông mọi điều kiện, giải phóng nguồn lực và tiềm năng cho sự phát triển của các thành phần kinh tế, trong đó có vai trò động lực quan trọng của kinh tế tư nhân.
“Làm được như vậy, chúng ta sẽ tạo ra được những không gian mới, động lực tăng trưởng mới trong các lĩnh vực quan trọng của thế kỷ 21 như nông nghiệp thông minh, công nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái, các loại hình dịch vụ và công nghệ tài chính hiện đại”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Giải quyết bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân
Chân thành cảm ơn các đại biểu về những ý kiến thảo luận, chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, điều đó giúp Chính phủ nhận diện rõ nét hơn những hạn chế, bất cập, trên cơ sở đó đề ra chương trình hành động và giải pháp sát thực tiễn để giải quyết những vấn đề đang đặt ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, an ninh tiền tệ, an ninh lương thực, an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Quyết liệt tái cơ cấu lại nền kinh tế theo nghị quyết của Quốc hội một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa, trong đó có việc giải quyết những yếu kém, bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân, nhất là thủ tục hành chính trong tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng, các loại chi phí còn cao, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh; nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia...
Thủ tướng cũng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện mạnh mẽ 3 đột phá chiến lược, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp phát triển; giải quyết những bất cập, yếu kém trong huy động, phân bổ nguồn lực, quản lý, xây dựng kết cấu hạ tầng.
Không “đuổi gà qua đám giỗ”
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP Hồ Chí Minh) về việc làm thế nào để các thành viên Chính phủ thực hiện nhiệm vụ đồng đều hơn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu quan điểm: Trước tiên, tất cả các thành viên Chính phủ phải đoàn kết để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước những yếu kém trong ngành, lĩnh vực mình phụ trách.
Để giải quyết vấn đề, Thủ tướng nêu rõ 4 giải pháp: Chỉ đạo kiểm tra đôn đốc tốt hơn các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, bởi vì thực tế, cùng một cơ chế, chính sách nhưng có địa phương, ngành này làm tốt trong khi nơi khác trì trệ, sai sót lớn đều do điều hành mà ra; thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn, đổi mới phương pháp trong công tác, kiểm tra các Cục, Vụ, Viện... chấm dứt tình trạng "trên nóng dưới lạnh"; mỗi thành viên Chính phủ tự rèn luyện, đổi mới sáng tạo sát dân, sát cơ sở, sát địa phương, không được lãnh đạo, chỉ đạo theo kiểu "đuổi gà qua đám giỗ", sơ sài, qua loa, sợ trách nhiệm; với trường hợp vi phạm nặng thì phải thay đổi công tác cho phù hợp.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) về nợ đọng xây dựng cơ bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu nói của dân gian: “Cháo nóng húp quanh, nợ trả dần”.
Theo đó, mặc dù nợ công còn nhiều, nhưng để thực hiện Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công, trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 đã bố trí trên 9.000 tỷ đồng để thanh toán nợ đọng của các bộ ngành Trung ương đã được rà soát, chốt đến tháng 12/2014.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nguyên tắc, tiêu chí sử dụng quỹ dự phòng chung cho đầu tư trung hạn để giải quyết một số vấn đề về thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản đang nợ nần.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
Cột tin quảng cáo