Thị trường

Nguyên nhân nào khiến xử lý nợ xấu chưa đạt yêu cầu?

(DNVN) – Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, sáng 01/11, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng đánh giá, việc xử lý nợ xấu thời gian qua đã đạt kết quả tích cực, nhưng vẫn còn tồn tại, hạn chế, khó khăn…

Vì sao EU chưa gỡ bỏ “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam? / Bộ Tài chính: Nghiêm cấm cán bộ đi nước ngoài theo lời mời của doanh nghiệp

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Lê Minh Hưng, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) nói: Thời gian qua, NHNN Việt Nam thực hiện tái cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trên nguyên tắc thận trọng đã đạt hiệu quả, được các tổ chức quốc tế đánh giá là thành công.
Tuy nhiên, theo đại biểu, việc xử lý các ngân hàng yếu kém theo Nghị quyết 42/2017/QH14 thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng chưa đạt yêu cầu, chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ. “Nguyên nhân do đâu, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp đột phá nào để thực hiện quyết liệt nhất thời gian tới?”, đại biểu Yến nêu câu hỏi.

Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng 1/11/2018.

Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng 1/11/2018.

Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng trả lời, theo quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, trên cơ sở quy định của pháp luật, NHNN đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, báo cáo để Chính phủ phê duyệt chủ trương về phương án, định hướng xử lý các ngân hàng yếu kém.
Tuy nhiên, Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận, tiến trình thực hiện đúng là có chậm, vì sau khi có chủ trương của Chính phủ, NHNN Việt Nam hiện đang phải tiến hành định giá các ngân hàng yếu kém, đàm phán lần cuối với các nhà đầu tư.
Quá trình đàm phán với các nhà đầu tư, đặc biệt là các phương án cụ thể để các nhà đầu tư tham gia xử lý các ngân hàng yếu kém cũng mất nhiều thời gian.
Trên cơ sở cam kết của các nhà đầu tư, định hướng của Chính phủ, thời gian tới, NHNN Việt Nam sẽ hoàn thiện phương án chi tiết, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt phương án thực hiện cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém.
Liên quan đến tình hình triển khai Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, việc triển khai trong thời gian qua là rất quyết liệt và đã đạt được những kết quả khá tích cực.
Nghị quyết 42 mới có hiệu lực từ 15/8/2017, thời gian tổ chức thực hiện mới được hơn 1 năm. NHNN Việt Nam mới tổ chức sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội cũng như Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020". Kết quả đạt được về xử lý nợ xấu là rất tốt.
Trong vòng hơn 1 năm, các tổ chức tín dụng đã xử lý số nợ xấu khoảng 140.000 tỷ đồng. Riêng Công ty Quản lý tài sản VAMC đã xử lý được khoảng 95.000 tỷ đồng với số nợ đã mua.
Số liệu nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu khi báo cáo Quốc hội vào cuối năm 2016 là 10,08%. Đến cuối năm 2017, số liệu tổng thể các khoản nợ xấu là khoảng 7,7%. Đến tháng 6/2018 đã đưa tổng thể các khoản nợ xấu là khoảng 6,7%, nợ xấu nội bảng là 2,09%.
Cho rằng kết quả như vậy là rất tích cực, nhưng Thống đốc Lê Minh Hưng cũng nói, trong quá trình sơ kết việc triển khai Nghị quyết 42 cũng cho thấy một số tồn tại, khó khăn, hạn chế liên quan đến các bộ, ngành và một số địa phương.
“Chúng tôi đã có báo cáo chi tiết gửi Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ, tới đây sẽ phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các địa phương và đặc biệt là các Tòa án nhân dân các cấp để triển khai quyết liệt hơn nữa để xử lý các nhóm vấn đề tồn tại trong quá trình phối hợp với các cơ quan”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói và bày tỏ tin tưởng, với sự phối hợp chặt chẽ như vậy, tiến trình xử lý nợ xấu sẽ đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm