Thị trường

Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

DNVN – Tại buổi làm việc với Trường Đại học Nông Lâm Huế, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định, tỉnh đang thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, do đó sẽ phối hợp với Nhà trường triển khai hiệu quả cũng như nhân rộng các dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Thừa Thiên Huế: Chủ tịch tỉnh yêu cầu phải đến tận nơi để tìm hiểu và gỡ khó cho doanh nghiệp / Thừa Thiên Huế: Tập trung thúc đẩy sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan, vừa có buổi làm việc với Trường Đại học Nông Lâm Huế (Đại học Huế) về hợp tác thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Theo Trường Đại học Nông Lâm Huế, trong những năm qua, bên cạnh thực hiện nhiều dự án nghiên cứu khoa học trong tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ thực vật, di truyền, công nghệ sinh học, phân bón, bảo quản và chế biến sản phẩm nông sản, Nhà trường đã triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Từ các chương trình, dự án của Trường Đại học Nông Lâm Huế đã góp phần giúp tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh và nâng cao chất lượng sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, qua đó nâng cao đời sống và xóa đói giảm nghèo cho người dân ở khu vực nông thôn, miền núi trong tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, PGS-TS Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Huế, cho biết, tuy thời gian qua, Nhà trường đã triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển nông nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nhưng nhìn chung vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vai trò của trường, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.
“Để các ý tưởng và các chương trình đề xuất hợp tác với tỉnh trong thời gian tới được triển khai, thực hiện hiệu quả, đề nghị tỉnh và các sở, ngành quan tâm, phối hợp thường xuyên; nhất là tập trung vào các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của tỉnh”, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Huế, nêu nguyện vọng.
PGS-TS Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Huế phát biểu tại buổi làm việc

PGS-TS Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Trường Đại học Nông Lâm Huế đã nêu một số ý tưởng khoa học công nghệ đề xuất thực hiện trong thời gian tới, như: Nghiên cứu xử lý chất thải chăn nuôi tập trung thành phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và nghiên cứu sản xuất thuốc thảo mộc bảo vệ thực vật từ thực vật bản địa tại Thừa Thiên Huế; Sản xuất hồ tiêu hữu cơ công nghệ cao ở các vùng gò đồi; Trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh ở Bạch Mã; Hoàn thiện quy trình sản xuất giống và xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Ong bầu (Rhynchopelates oxyrhynchus Terminck & Schlegel) tại Thừa Thiên Huế...
Bên cạnh đó, Nhà trường cũng đề xuất nhiều chương trình khoa học công nghệ gắn với phát triển nông nghiệp và kinh tế - xã hội, như: Phát triển các sản phẩm thủy sản đặc trưng (cá Dìa, cá Ong Bầu, Cá Nâu..) của vùng phá Tam Giang - Cầu Hai gắn với khôi phục sinh thái và du lịch cộng đồng; Phát triển cây ăn quả miền núi để hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số địa phương; Áp dụng công nghệ chế biến để đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp đặc trưng (Thanh Trà, Quýt Hương Cần, Atiso đỏ, Măng, Gạo địa phương, rau má, giống Bưởi Cốm đặc sản…).
Phát triển các giống lúa chất lượng cao và lúa địa phương; Phát triển trồng Sen quy mô lớn và đa dạng hóa các sản phẩm từ Sen hướng tới sản xuất quy mô công nghiệp, xuất khẩu; Xây dựng và phát triển dược liệu đặc trưng ở tỉnh Thừa Thiên Huế; Khởi nghiệp nông nghiệp của thanh niên ở tỉnh Thừa Thiên Huế; Phát triển trồng hoa hướng dương đa mục tiêu: Du lịch sinh thái, lấy hạt, tinh dầu, và thức ăn chăn nuôi...
Tại buổi làm việc, các sở, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế đã đánh giá cao những ý tưởng đề xuất nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ cũng như mong muốn triển khai các chương trình phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hy vọng, các ý tưởng và chương trình nêu trên nếu được triển khai, thực hiện sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh nói chung, nhất là thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương kết luận buổi làm việc

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương kết luận buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương khẳng định, tỉnh sẵn sàng ủng hộ các ý tưởng cũng như các chương trình mà Trường Đại học Nông Lâm Huế đưa ra để triển khai thực hiện trong thời gian tới; trong đó, tỉnh sẽ nghiên cứu bổ sung và huy động các nguồn lực để phối hợp với trường triển khai hiệu quả cũng như nhân rộng các dự án nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ của trường vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Phương cũng cho biết, hiện nay tỉnh đang tập trung đầu tư cho phát triển các hợp tác xã gắn với Chương trình OCOP, đồng thời có các chính sách thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho trường triển khai và thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ về phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, sạch, thân thiện môi trường.
“Tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với Nhà trường để xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể với tầm nhìn dài hạn, nhằm tạo bước đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh.
Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm