Thúc đẩy FTAs: Doanh nghiệp phải chứng minh tuân thủ tiêu chuẩn lao động quốc tế
Xuất khẩu sang khu vực Á-Âu chưa tận dụng được nhiều lợi thế của các FTA / Xuất nhập khẩu 2021 nhiều điểm sáng từ tận dụng FTA
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, trong đó có vai trò quan trọng của hội nhập kinh tế thế giới, tích cực tham gia mạng lưới FTAs.
Đến nay, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 FTAs, trong đó có 4 hiệp định chứa đựng cam kết lao động và được xếp vào loại “thế hệ mới”.
Đó là Hiệp định với Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do với Liên hiệp Vương quốc Anh (UKVFTA). Đặc biệt, với việc ký kết và thực thi Hiệp định CPTPP và EVFTA qua nhiều năm đàm phán, Việt Nam đã cơ bản hoàn thành những mục tiêu quan trọng nhất trong Chiến lược đàm phán hiệp định thương mại tự do giai đoạn 2010 - 2020.
Phát biểu tại hội thảo “Tiêu chuẩn lao động quốc tế: Cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp và chuỗi cung ứng xuất khẩu của Việt Nam”, sáng ngày 17/10, TS Đặng Đức Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, FTAs được thực thi cho phép hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận thị trường ở trên 50 quốc gia, bao gồm hầu hết các đối tác thương mại lớn nhất, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Các hiệp định CPTPP, EVFTA được coi là các FTA thế hệ mới, phù hợp xu thế phát triển của thương mại hiện đại. Tính chất “mới” của các hiệp định này bao gồm mức độ tự do hóa cao cho thương mại và đầu tư cùng các quy tắc thương mại tiên tiến, các cam kết phi truyền thống.
Nhờ vậy, các FTAs không chỉ mở ra các cơ hội thương mại tiềm năng với các nền kinh tế phát triển mà còn góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình cải cách thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp lý và thực thi về thương mại và đầu tư của nước ta.
FTAs thế hệ mới chứa đựng nhiều quy định điều chỉnh chính sách thương mại trong nước của các quốc gia thành viên và đặc biệt coi trọng mục tiêu phát triển bền vững. Điều này thể hiện ở các quy định không thuộc phạm trù thương mại (môi trường, lao động...) nhưng sẽ bị ràng buộc thực hiện.
Đơn cử, CPTPP và EVFTA không đặt ra những yêu cầu mới so với các tiêu chuẩn quốc tế chung về lao động và môi trường. Các quốc gia thành viên có nghĩa vụ tham gia các điều ước quốc tế cụ thể đã được quốc tế thừa nhận rộng rãi trong lĩnh vực này.
Ở trong nước, để thực thi các cam kết phi truyền thống, cụ thể trong lĩnh vực lao động, Việt Nam đã và đang tiến hành nội luật hoá các tiêu chuẩn lao động quốc tế và từng bước triển khai trên thực tế.
“Cùng với các cơ chế thúc đẩy thực thi FTAs, gần đây, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như EU và Mỹ còn tăng cường thực thi các cam kết phát triển bền vững thông qua Luật thẩm định trách nhiệm chuỗi cung ứng, đòi hỏi doanh nghiệp tại nước họ có trách nhiệm truy soát chuỗi cung ứng. Để có thể tiếp cận các thị trường này, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ phải chứng minh tuân thủ những tiêu chuẩn phát triển bền vững, trong đó có các tiêu chuẩn lao động quốc tế”, ông Đức Anh lưu ý.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết thêm, cam kết về lao động của VN-EAEU ở mức độ thấp nhất, cao hơn là EVFTA/UKVFTA và cam kết ở mức cao nhất là CPTPP. Những yêu cầu của thị trường Mỹ về tiêu chuẩn lao động quốc tế tương đương các cam kết của CPTPP.
Để khai thác hiệu quả FTAs, theo bà Thảo, cơ quan quản lý Nhà nước cần cải cách thể chế theo thông lệ quốc tế; nội luật hóa các cam kết và triển khai thực thi hiệu quả, trong đó có cam kết về lao động. Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bảo đảm quyền tự do kinh doanh, an toàn kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, khuyến khích sáng tạo.
Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước và tạo đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng từ các nước thành viên tham gia FTA. Hỗ trợ doanh nghiệp thực thi các điều kiện theo cam kết và giảm chi phí tuân thủ các hàng rào thương mại. Chủ động đàm phán và ký kết các thoả thuận công nhận chung và thoả thuận tương đương theo ngành với các nước thành viên nhằm giảm chi phí tuân thủ các hàng rào kỹ thuật.
Các bộ, ngàn cần lập danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của thị trường các nước thành viên trong FTAs. Hướng dẫn và quản lý hiệu quả quy tắc xuất xứ; cập nhật, chia sẻ thông tin và kết nối thị trường cho doanh nghiệp trong nước.
“Để nâng cao mức độ sẵn sàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin; có kế hoạch và sự chuẩn bị bài bản (bao gồm cả việc thực hiện các yêu cầu về lao động) để tận dụng cơ hội thị trường. Cần bảo đảm tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của EU, của các nước trong CPTPP, Mỹ.
Đồng thời, chú trọng tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc, quy tắc xuất xứ, yêu cầu về lao động cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường. Kết nối doanh nghiệp để thúc đẩy hợp tác, chuyên môn hóa, tạo chuỗi liên kết sản xuất, xuất khẩu”, bà Thảo nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng vai trò của truyền thông tuyên truyền, phổ biến các FTA (các cam kết, cơ hội, thách thức...), cập nhật các quy định mới của các nước thành viên đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp nắm bắt, triển khai và nâng cao vị thế trong thương mại quốc tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam