Thuế giảm sâu, hàng Việt có cơ hội lớn tại thị trường EU
Xuất khẩu thủy sản: Gỡ “điểm nghẽn” thị trường Trung Quốc / Kinh doanh du lịch thời 4.0: Doanh nghiệp phải tìm hướng đi mới
Xuất khẩu nhảy vọt
Gần 45 tỷ USD là tổng giá trị hàng hóa Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường EU trong năm 2018, với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại, linh kiện (14,36 tỷ USD), hàng dệt may (4,23 tỷ USD), giày dép (4,4 tỷ USD), thủy sản (1,57 tỷ USD), cà phê (1,53 tỷ USD)...
Những con số “biết nói” này chắc chắn sẽ thay đổi nhanh chóng trong năm 2020, khi Hiệp định EVFTA sẽ được ký kết vào ngày 30/6/2019. Nếu mọi việc suôn sẻ, được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện EU phê chuẩn, EVFTA có thể được thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Sau 7 năm đàm phán, EVFTA đã sắp đi tới đích. Đây thực sự là tin vui cho nền kinh tế Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ đóng vai trò chủ thể. Khi đi vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản và các mặt hàng khác mà Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Đích thân Cao ủy phụ trách Thương mại của EU, bà Cecilia Malstrom khẳng định, với EVFTA, các nhà xuất khẩu của Việt Nam dễ tiếp cận thị trường châu Âu hơn. EVFTA có hiệu lực giúp 99% thuế quan sẽ được dỡ bỏ dần dần theo một lộ trình kéo dài từ 7 đến 10 năm. Ngoài lợi ích kinh tế, FTA này cũng đảm bảo rằng, thương mại và đầu tư luôn song hành với phát triển bền vững bằng cách thiết lập những tiêu chuẩn cao nhất bảo vệ người lao động, bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.
Thị trường xuất khẩu mở ra rộng lớn, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, chắc chắn sẽ không chia đều cho các mặt hàng, mà tiếp tục tập trung vào nhóm hàng dệt may, giày dép các loại và máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, vốn là nhóm hàng xuất khẩu liên tục chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu và là các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam trong nhiều năm qua sang thị trường EU.
Điều quan trọng, với chặng đường 7 năm đàm phán, nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn ít nhiều đã có sự chuẩn bị để vào EU được bài bản, tính cạnh tranh tốt hơn. Cá tra nói riêng và thủy sản nói chung là một trong những mặt hàng đã có sự chuẩn bị tích cực để có một bước đệm vững chắc khi EVFTA chuẩn bị được ký kết và có hiệu lực.
Còn dệt may, ngành công nghiệp đóng góp 36 tỷ USD cho xuất khẩu trong năm 2018 đang mong chờ EVFTA hơn ai hết. Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tính toán, năm 2019, mục tiêu xuất khẩu dệt may là 40 tỷ USD, những hiệu ứng từ việc EVFTA được ký kết chắc chắn sẽ giúp các nhà xuất khẩu có thêm đơn hàng lớn từ thị trường EU, giúp xuất khẩu có thể tăng thêm khoảng 1 tỷ USD.
Tất nhiên, để được giảm thuế, các doanh nghiệp ý thức rõ về câu chuyện đáp ứng quy tắc xuất xứ. Theo đó, các mặt hàng dệt may Việt Nam phải bảo đảm nguồn gốc xuất xứ hoàn toàn của Việt Nam, hoặc phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc EU và các nước có hiệp định song phương với EU. Để giải quyết khó khăn này, các doanh nghiệp dệt may đã và đang tăng cường liên kết, nâng cao sự chủ động về nguyên, phụ liệu, giảm bớt nhập khẩu để giảm chi phí đầu vào và tận dụng các ưu đãi thuế từ EVFTA.
Kỳ vọng lớn từ cắt giảm thuế quan
Việt Nam đã tham gia 16 FTA, trong đó 11 FTA đã có hiệu lực, nhưng với những cam kết rộng và trải dài trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã ký kết cho tới nay.
Cụ thể, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.
Bản thân các nhà nhập khẩu châu Âu cũng rất kỳ vọng vào EVFTA sớm ký kết, phê chuẩn và đi vào thực thi. Ông Jerome Pero, Tổng thư ký Liên đoàn các nhà sản xuất đồ thể thao châu Âu cho rằng, EVFTA thực sự có lợi cho toàn bộ các quốc gia thành viên EU. Thỏa thuận thương mại sẽ cải thiện năng lực cạnh tranh của 2 bên trong cả xuất khẩu và nhập khẩu.
“Đối với ngành sản xuất đồ thể thao, chúng tôi phải nhập khẩu gần hết từ giày dép, quần áo tới dụng cụ thể thao, bởi thế tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều nguồn nhập khẩu từ Việt Nam với giá cả tốt”, ông Jerome Pero nhấn mạnh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Được biết, xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong 3 năm gần đây liên tục tăng, năm 2016 đạt 34 tỷ USD, tăng 9,9%; năm 2017 đạt 38,18 tỷ USD, tăng 12,8% và năm 2018 đạt 41,79 tỷ USD, tăng 9,5%.
Về mặt vĩ mô, EVFTA sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,3% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033).
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định