Tìm kiếm thị trường thay thế các sản phẩm XNK từ Trung Quốc do dịch Corona
DNVN - Đây là một trong những yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đối với các đơn vị trực thuộc bộ trong Chỉ thị khẩn về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Dịch nCoV: Xử lý kịp thời hành vi mua gom, tăng giá bất hợp lý trang thiết bị y tế / Quảng Ninh: Tổ chức ký cam kết không được đầu cơ, nâng giá hàng hóa vì Corona
Chiều 31/01/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ban hành chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh. Đây được coi là hành động quyết liệt, nhằm hiện thực hóa yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư và Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng về phòng chống dịch nCoV với tinh thần quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả.
Hiện nay dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona diễn biến rất phức tạp tại Trung Quốc và trên thế giới. Theo số liệu mới nhất công bố sáng 01/02/2020 từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tính đến hết ngày 31/01, toàn Trung Quốc có 259 người chết, 11.791 ca nhiễm virus corona. Tổng cộng đến nay thế giới đã có 11.948 ca nhiễm.
Tổ chức Y tế thế giới WHO đã tuyên bố dịch bệnh do virus Corona lây lan từ Trung Quốc là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, trong bối cảnh số người lây nhiễm tăng mạnh.
Để chủ động tăng cường các biện pháp ứng phó và hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị trực thuộc bộ thực hiện quyết liệt các biện pháp để hiện thực hóa yêu cầu của Chính phủ.
Theo đó, người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng có thể mất cân đối cung cầu do dịch bệnh để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường;
Theo dõi sát diễn biến của giá dầu thế giới do tác động của dịch bệnh để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp với kịnh bản điều hành giá của Chính phủ;
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng tại thị trường trong nước trong đó cần tập trung hỗ trợ kết nối các mặt hàng nông, thủy sản từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Ảnh minh họa.
Với, Cục Xuất nhập khẩu, các Vụ Thị trường Châu Á-Châu Phi, Thị trường Âu Mỹ, Đa biên, Bộ Công Thương yêu cầu đánh giá chính xác và toàn diện về tác động của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra đối với quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc từ đó có biện pháp hiệu quả nhằm giảm tối đa thiệt hại kinh tế do dịch bệnh gây ra;
Nghiên cứu, xây dựng giải pháp nhằm tìm kiếm thị trường thay thế cho các sản phẩm xuất nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm ổn định thị trường trong nước;
Đánh giá tác động tổng quan chung của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra đối với hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam với các nước trên thế giới;
Phối hợp với ngành Y tế tìm kiếm các nguồn nguyên liệu từ các thị trường nước ngoài để phục vụ sản xuất các sản phẩm phòng chống dịch;
Riêng Cục Xuất nhập khẩu được yêu cầu phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin về tình hình thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường trong giai đoạn thị trường bị tác động bởi bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Với Tổng cục Quản lý thị trường, phải trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện để phục vụ cho cán bộ, công chức quản lý thị trường bảo đảm an toàn trong quá trình thi hành nhiệm vụ;
Chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các địa phương tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh của vi rút Corona. Trường hợp nếu phát hiện các hành vi nói trên thì cần xử lý nghiêm hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;
Chỉ đạo Cục Quản lý thị trường địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép, thực phẩm tươi sống nhằm góp phần ngăn chặn nguồn bệnh lây lan;
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra cao điểm về vấn đề cung ứng, phân phối các trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh không để các cơ sở bán hàng đầu cơ, trục lợi từ việc nhu cầu sử dụng tăng cao và xử lý nghiêm nếu có các hành vi vi phạm;
Phối hợp với các lực lượng của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc cấm đi lại qua các đường mòn, lối mở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc; tạm đóng cửa các đường mòn, lối mở; không khuyến khích giao thương, giao lưu với Trung Quốc trong thời gian có dịch bệnh.
Bộ Công Thương cũng giao một số nhiệm vụ cho Vụ Kế hoạch, Văn phòng Bộ; Cục Công nghiệp; Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị, báo cáo kịp thời các khó khăn vướng mắc hoặc khi có biến động bất thường về Bộ Công Thương để phối hợp xử lý.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
Cột tin quảng cáo