TPHCM sắp có sàn giao dịch heo hơi
Bất động sản năm 2019: Cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc căn hộ cao cấp / Năm buồn với xuất khẩu cà phê, thiệt hại 3.000 tỷ đồng vì mất giá
Văn phòng UBND TPHCM đã truyền đạt ý kiến của UBND thành phố về việc chấp thuận cho Sở Công Thương thí điểm xây dựng Đề án sàn giao dịch heo hơi để nhân rộng ra các loại hàng hóa nông sản khác.
Đây là công tác nhằm tái cơ cấu và chuẩn hóa sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ thực hiện chủ trương quy hoạch và đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở giết mổ công nghiệp. Điều này nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực an toàn thực phẩm của TPHCM cũng như hình thành hoạt động mua bán, kinh doanh văn minh tại thành phố.
Việc có sàn giao dịch heo hơi sẽ giúp việc mua bán thịt heo trở nên rõ ràng hơn khi chất lượng hàng hóa được kiểm tra nghiêm ngặt.
Đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết, Sở đã gửi tờ trình lên UBND thành phố từ tháng 6/2018. Việc hình thành sàn giao dịch heo hơi sẽ giúp hiện thực hóa chủ trương giết mổ công nghiệp của thành phố, hướng đến ứng dụng công nghệ 4.0 vào chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh trên cơ sở bắt buộc heo giao dịch qua sàn phải được giết mổ công nghiệp, đạt chuẩn VietGAP và đã thực hiện truy xuất nguồn gốc từ giai đoạn chăn nuôi, phân phối lưu thông trên thị trường.
Theo Sở Công Thương, hiện nay, thành phố đã có đủ điều kiện để xây dựng và vận hành sàn giao dịch heo hơi vì dung lượng thị trường của thành phố là rất lớn.
Cụ thể, mỗi ngày, TPHCM giao dịch bình quân 10.000 con heo, tổng giá trị lên đến 500 triệu USD/năm. TPHCM cũng đã tập hợp, thống kê được tương đối đầy đủ danh sách, số liệu hoạt động chăn nuôi, giết mổ, kinh doanh thịt heo tại địa bàn và các tỉnh, thành khác.
Việc sử dụng các thiết bị công nghệ truy xuất nguồn gốc heo cũng đã được các doanh nghiệp và người dân thành thạo. Điều này sẽ giúp cho việc vận hành sàn giao dịch heo hơi trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Cũng theo Sở Công Thương, nguồn cung cấp heo tối thiểu cho sàn giao dịch là số lượng heo chăn nuôi công nghiệp của các doanh nghiệp lớn.
Với sàn giao dịch thịt heo, các doanh nghiệp, hợp tác xã chăn nuôi, cơ sở, hộ chăn nuôi sẽ kết nối trực tiếp. Người chăn nuôi và tiểu thương của các chợ đầu mối có quyền quyết định chính, thương lái chỉ cung cấp dịch vụ logistics (bắt và vận chuyển heo).
Ngoài ra, sàn giao dịch heo hơi sẽ có đơn vị kiểm định độc lập để kiểm tra tỉ lệ nạc, mỡ, độ pH trong thịt để làm cơ sở cho các bên quyết định giá bán, giá mua, mức thưởng, mức phạt cụ thể.
Dự kiến, sàn giao dịch heo hơi sẽ đi vào vận hành thử nghiệm vào cuối năm 2019. Thời gian đầu, các bên liên quan sẽ được miễn phí giao dịch qua sàn.
Tiểu thương và người chăn nuôi sẽ là những người có quyết định chính trên sàn giao dịch heo.
Nhiều người dân tại TPHCM chia sẻ, họ mong muốn sàn giao dịch heo hơi đi vào hoạt động để yên tâm hơn về nguồn gốc, chất lượng thịt heo. Khi có sàn giao dịch thịt heo thì người dân cũng sẽ mua được thịt heo đúng với giá trị chất lượng mà chúng đem lại.
Đại diện các chợ đầu mối lớn tại TPHCM chuyên cung cấp thịt heo như chợ đầu mối Bình Điền, chợ đầu mối Hóc Môn cũng đang rất háo hức với việc áp dụng giao dịch heo hơi qua sàn tại các chợ này. Đây là hai chợ đầu mối cung cấp khoảng 8.000 con heo/ngày, chiếm 85% lượng thịt heo tại thành phố.
Ở Việt Nam, nhiều sàn giao dịch nông sản cũng đã được ra đời nhưng đa phần là “chết yểu” vì nhiều nguyên nhân như: chất lượng nông sản không đảm bảo, người tham gia sàn không chịu trả phí, việc thanh toán không thuận lợi khi tham gia giao dịch trên sàn…
Theo phương thức giao dịch qua sàn, người bán (cơ sở chăn nuôi) và người mua (thương nhân kinh doanh thịt heo tại 2 chợ đầu mối) trao đổi thông tin, thống nhất giá cả, phương thức vận chuyển, kiểm tra chất lượng hàng hóa thông qua sàn giao dịch với các phương thức kinh doanh sau: Trường hợp 1: Người bán xuất bán heo hơi tại trại, người mua thanh toán tiền hàng và thuê phương tiện vận chuyển bắt heo để vận chuyển về cơ sở giết mổ công nghiệp (thương nhân đã ký hợp đồng giết mổ) để giết mổ. Heo sau khi giết mổ sẽ vận chuyển về chợ đầu mối kinh doanh. Thương lái chỉ đóng vai trò là đơn vị thực hiện dịch vụ vận chuyển heo từ nơi này đến nơi khác theo yêu cầu của người mua. Trường hợp 2: Người bán xuất bán heo hơi và vận chuyển heo đến cơ sở giết mổ công nghiệp để bán cho người mua. Người mua nhận heo hơi tại cơ sở giết mổ, thanh toán tiền hàng và phí vận chuyển đến cơ sở giết mổ cho người bán, giết mổ heo và vận chuyển về chợ đầu mối. Người mua và người bán có thể thuê thương lái thực hiện các dịch vụ vận chuyển, giao nhận hàng.
Trường hợp 3: Người bán xuất bán heo hơi, vận chuyển đến cơ sở giết mổ công nghiệp để giết mổ và bán cho người mua sản phẩm heo mảnh. Người mua nhận heo mảnh tại cơ sở giết mổ và vận chuyển về chợ đầu mối. Người mua thanh toán tiền hàng cho người bán khoản chi phí gồm: tiền hàng (giá bán heo hơi) + phí vận chuyển (từ trang trại của người bán đến cơ sở giết mổ) + phí giết mổ. Giá cả mua bán trong các trường hợp trên được xác định thông qua đơn vị kiểm tra chất lượng thịt độc lập, thịt ngon sẽ có giá cao và thịt chưa ngon sẽ có giá thấp hơn. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương