Tránh "điệp khúc" nông sản tắc biên: Kết nối cung cầu ngay từ đầu vụ
DNVN - Theo bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), với những nguyên nhân nội tại khiến ùn ứ nông sản kéo dài ở cửa khẩu phía Bắc, cần thiết phải triển khai các giải pháp căn cơ. Trong đó, các địa phương sản xuất cần thiết phải xây dựng kế hoạch kết nối cung cầu ngay từ đầu vụ.
Karofi "lấn sân" mảng điều hòa / Trái cây độc, lạ tại miền Tây hút khách trước Tết nguyên Đán
Mới có 9 loại nông sản được xuất khẩu chính ngạch
Tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 12/1, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong năm 2021, dù chịu tác động không nhỏ bởi đại dịch COVID-19 nhưng ngành công thương đã đạt nhiều thành tích đáng kể.
Trong đó, sản xuất công nghiệp vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực. Quy mô sản xuất tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8%. Xuất nhập khẩu tiếp tục đạt con số kỷ lục mới, xuất siêu năm thứ 6 liên tiếp với con số thặng dư khoảng 4 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện mới có 9 loại nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Thị trường trong nước tương đối ổn định, đặc biệt là cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân trên toàn quốc. Thương mại điện tử đã trở thành phương thức phân phối chủ yếu, an toàn qua các sàn giao dịch thương mại điện tử. Doanh thu thương mại điện tử đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ và thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng về thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực vẫn tồn tại một số hạn chế. Trong đó đáng chú ý là lĩnh vực xuất khẩu dù tăng mạnh nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI lại tăng lên so với những năm gần đây. Tốc độ đa dạng hóa thị trường ở một số sản phẩm, như rau quả, còn chậm, chưa có khả năng đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng của các thị trường, tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ các FTA đã ký kết.
"Đáng lưu ý là một số nông sản quá dựa vào hình thức trao đổi cư dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ách tắc tại cửa khẩu kéo dài, ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại qua biên giới. Trong khi đó, năng lực xuất khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam còn chưa cao, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện mới có 9 mặt hàng hoa quả được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Bộ Công Thương đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo về việc tập trung xuất khẩu theo đường chính ngạch thay vì tiểu ngạch như hiện nay. Nếu còn tiếp tục duy trì hình thức buôn bán tiểu ngạch thì còn tái diễn tình trạng ùn ứ nông sản như hiện nay.
Điểm yếu cố hữu khiến nông sản ùn ứ
Phân tích sâu về tình trạng ùn ứ nông sản tại khu vực cửa phía Bắc, bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu Trung Quốc trong thời gian qua bắt nguồn từ nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp khi Trung Quốc tạm dừng thông quan ở hầu hết các cửa khẩu vào một số thời điểm. Đối với các cửa khẩu tạm thời mở, quy trình giao nhận được thực hiện chặt chẽ để bảo đảm kiểm soát dịch bệnh COVID-19.
Theo bà Nguyễn Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, nông sản ùn ứ xuất phát từ điểm yếu cố hữu.
Từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, Trung Quốc đã bắt đầu quan ngại về kiểm soát dịch bệnh. Khi đó mặc dù phía Việt Nam đã nỗ lực giao thiệp với phía Trung Quốc để không gián đoạn tình hình giao thương nhưng phía Trung Quốc duy trì biện pháp tăng cường quản lý rất chặt chẽ khiến nông sản ùn ứ.
Ở trong nước, bà Cẩm Trang cho rằng, xuất phát từ những điểm yếu cố hữu trong sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian qua. Đó là sản xuất chưa bám sát với tín hiệu và nhu cầu thị trường nhập khẩu. Chất lượng và bao gói sản phẩm ở đâu đó còn chưa được quan tâm đúng mức để đáp ứng nhu cầu của thị trường nhập khẩu. Việc truy xuất nguồn gốc, đăng ký vùng trồng vẫn còn chậm, dẫn đến trong số các sản phẩm nông sản xuất khẩu không phải sản phẩm nào cũng đi được đường chính ngạch. Thực tế, đa phần nông sản Việt mới dừng lại ở hình thức trao đổi giữa cư dân biên giới để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ngoài ra, liên quan đến vấn đề đàm phán, theo bà Cẩm Trang, việc đàm phán về quản lý chất lượng vẫn còn chậm. Do đó đến nay mới chỉ có 9 sản phẩm nông sản được công nhận để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bên cạnh đó, đàm phán về kiểm dịch COVID-19 còn chậm khiến cho 100% sản phẩm trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc phải kiểm dịch. Trong khi đó, trái cây Thái Lan chỉ phải kiểm dịch ở mức 30%.
Khi xuất hiện tình trạng nông sản ùn ứ ở các cửa khẩu, Chính phủ đã vào cuộc rất sớm và đã có những cuộc họp chỉ đạo các bộ, ngành để triển khai các biện pháp tháo gỡ. Các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương và đặc biệt là các địa phương biên giới đã tích cực vào cuộc.
"Đến nay tình hình đã có tiến triển tích cực, một số cửa khẩu đã thông quan trở lại. Đặc biệt đối với mặt hàng thanh long vốn đã bị dừng xuất khẩu trong những ngày gần đây, thì từ ngày 12/1 bắt đầu được thông quan qua Lào Cai", bà Trang đánh giá.
Có kế hoạch kết nối cung cầu ngay từ đầu vụ
Cho rằng, tình trạng ùn ứ, đặc biệt trong thời điểm cận Tết, đã xảy ra nhiều năm gần đây cùng những nguyên nhân nội tại liên quan đến sản xuất và xuất khẩu, bà Trang cho rằng cần thiết triển khai các giải pháp căn cơ.
Theo đó, cần quan tâm chất lượng nông sản xuất khẩu. Cần phải nâng tầm sản phẩm nông sản xuất khẩu để có thể đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và thâm nhập được vào các thị trường, đặc biệt là những thị trường mà Việt Nam đã có FTA để tận dụng được ưu đãi thuế quan từ những thị trường này.
Về phía các địa phương, đặc biệt là các địa phương sản xuất cần xây dựng kế hoạch kết nối cung cầu ngay từ đầu vụ. Bắc Giang, Hải Dương đã làm rất tốt việc chủ động kết nối giao thương ngay từ đầu vụ. Do đó, trong vài năm gần đây không có hiện tượng tắc nghẽn đối với vải thiều ở hai địa phương này.
Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp tích cực với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đàm phán về thông quan và kiểm dịch để có thể có thêm nhiều loại quả xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch, giảm bớt tỷ lệ kiểm soát dịch đối với trái cây Việt Nam.
Ngoài ra, theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, trong bối cảnh dịch bệnh, logistics càng có vai trò quan trọng trong việc giữ vững luồng luân chuyển hàng hóa. Chính vì năng lực hoạt động logistics ở đâu đó còn chưa đáp ứng được nhu cầu nên dẫn đến sự ùn tắc ở cảng biển, cước vận chuyển đường biển hay chi phí kho vận tăng cao. Đặc biệt, trong thời gian qua, xuất khẩu nông sản qua đường bộ gặp khó khăn càng đặt ra tầm quan trọng của việc chuyển sang phương thức vận tải khác như đường sắt, đường thủy.
Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp tháo gỡ ùn tắc như đã xảy ra trước đây ở cảng Cát Lái khi các địa phương tăng cường giãn cách xã hội do COVID-19. Bộ cũng đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam hay các đơn vị quản lý cảng biển có biện pháp giảm phí lưu container, lưu kho bãi, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất và xuất nhập khẩu kịp thời lưu thông qua hình thức vận tải đường biển.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam
Cột tin quảng cáo