Tiền trong thẻ liên tục "bốc hơi"
Trao đổi với Thanh Niên, anh L.X.Q, Q.Ba Đình, Hà Nội cho biết đã gắn bó hơn 5 năm với Ngân hàng HSBC, thông qua dịch vụ sử dụng thẻ tín dụng visa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thẻ của anh thi thoảng lại báo đã thực hiện một số giao dịch mua hàng trên các cửa hàng trực tuyến của Apple, Play Store (của Google), dù anh không giao dịch gì...
Mỗi lần từ vài trăm nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng. Điều đáng nói là có những thời điểm xảy ra lúc 1 - 2 giờ sáng. “Lúc đó tôi đang ngủ, thẻ visa của HSBC vẫn cất trong ví nhưng sáng sớm thấy báo mình đã thực hiện giao dịch mua sản phẩm của Google mất 450.000 đồng”, anh Q. phản ánh.
Trước đó, vào đầu tháng 8, chị N.H.N ở Hà Nội cũng cho biết, khi ngồi xem phim thì nhận được tin nhắn thẻ Visa Debit của Vietcombank phát hành đang được sử dụng tại một trang web nước ngoài. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt tin nhắn báo trừ tiền thẻ do đã mua hàng trên Facebook, Google. Tổng số tiền khách hàng này bị mất hơn 30 triệu đồng. Cùng ngày, chị Trang cũng ở Hà Nội bị mất 27 triệu đồng bởi giao dịch từ trang web Southern Railway Web.
Mất tiền là một chuyện, song điều mà nhiều khách hàng không hài lòng khi các thủ tục giải quyết hiện nay của nhiều ngân hàng và tổ chức thanh toán khá chậm và thiếu chuyên nghiệp. Anh L.X.Q cho biết, khi gọi đến tổng đài của HSBC đề nghị khóa thẻ, anh gọi mãi không được, đến khi gặp được nhân viên tư vấn thì câu đầu tiên là “chắc do khách hàng đã đăng ký giao dịch tại một trang web nào đó mà không nhớ nên bị trừ tiền”.
Khi anh Q. đề nghị khóa và thay thẻ mới, nhân viên của ngân hàng này bảo rằng giờ muốn thay thẻ thì mất 10 ngày. Thẻ mới gửi về chi nhánh do khách hàng chọn, trong khoảng 10 ngày, khách hàng tự gọi đến hỏi, nếu có thì ra lấy thẻ mới. “Một ngân hàng lớn hàng đầu thế giới hoạt động kiểu thiếu chuyên nghiệp như thế thì thật khó chấp nhận!”, anh Q. bức xúc.
Trong khi đó, ở trường hợp của Vietcombank, ngân hàng này khá nhanh khi đã thông báo và hẹn để giải quyết cho khách hàng. Tuy nhiên, theo Vietcombank, do quy định của Tổ chức Thẻ quốc tế, thời gian để xử lý qua hết các bước tra soát (từ yêu cầu xuất trình chứng từ giao dịch, đòi bồi hoàn lần 1, đòi bồi hoàn lần 2, quá trình hòa giải, quá trình xử lý thông qua trọng tài của Tổ chức Thẻ quốc tế) theo trình tự lên đến 180 ngày.
Giải quyết nhanh hơn cho khách hàng
Thanh toán không dùng tiền mặt là một trong các đề án và nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Theo báo cáo của ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, hiện hệ thống đã có 18.300 ATM, hơn 289.000 POS, 27 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Trong 6 tháng đầu năm, giao dịch thanh toán qua kênh internet đạt 127 triệu món với giá trị giao dịch là 8.020 tỉ đồng; tăng trưởng 50% về số lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ 2017. Giao dịch thanh toán kênh mobile đạt 81 triệu món với giá trị giao dịch là 676 tỉ đồng; tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ 2017 là 32% về số món và 144% về giá trị.
Tuy nhiên, rõ ràng các dịch vụ thanh toán trên internet và mobile hiện nay còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt ở phân khúc thẻ tín dụng, ATM, hay mua hàng online... Chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu, nhận định: “Mức độ an toàn là không cao khi thời gian vừa qua có rất nhiều trường hợp bị mất tiền”, và đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp để nâng cao tính an toàn, bảo mật cho thanh toán không dùng tiền mặt, và phải có quy định để giải quyết nhanh hơn khiếu nại của các khách hàng.