Xây dựng mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị
Hải Dương: Phát huy thế mạnh từ mô hình trồng ổi an toàn / Quảng Trị: Phát triển mô hình giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc vùng biên giới
Năm 2020, Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục hỗ trợ xây dựng 63 mô hình tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung hỗ trợ các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ 31,5 tỷ đồng. Các mô hình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, phát triển bền vững, tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm và khả năng tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương, tăng thu nhập của thành viên và nhân dân trên địa bàn, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Hiệu quả từ mô hình điểm
Sinh ra và lớn lên ở xứ chè, tuổi thơ đắm chìm bên những đồi chè xanh ngút ngàn, trong hương vị thơm ngát của những mẻ chè mẹ sao bên bếp lửa, bà Nguyễn Thị Hải (xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) luôn trăn trở: Tại sao chất lượng chè của quê mình không thua kém những nơi khác mà giá bán luôn thấp hơn. Phải làm thế nào để cái tên La Bằng đi vào lòng người tiêu dùng một cách tự nhiên và bền vững...?
Dưới sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, năm 2006, HTX Chè La Bằng được thành lập với 13 thành viên, chủ yếu là đội ngũ cán bộ xã và 4 nông dân. Mục tiêu trước mắt là xây dựng thương hiệu chè La Bằng và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Cũng từ đó, bà Hải cùng các thành viên HTX, người lao động miệt mài sản xuất, tham gia các hội chợ trong Nam ngoài Bắc để giới thiệu sản phẩm bằng kinh phí tự túc. Mấy năm trời ròng rã, tiền đã cạn mà không thu được kết quả, sức tiêu thụ sản phẩm vẫn chậm, La Bằng vẫn chìm nghỉm trên thị trường chè Việt.
Năm 2009, bà Hải cảm thấy bất lực, nhiều xã viên đã nản chí, bỏ cuộc, HTX chỉ còn lại 4 thành viên. Nếu buông bỏ thì thành quả gây dựng từ đầu sẽ tan như bong bóng, do vậy, bà Hải tự động viên mình và mọi người quyết tâm vượt qua khó khăn, không chấp nhận thất bại. Bà Hải vận động thêm 4 người nữa để đảm bảo 7 thành viên, đủ điều kiện giữ lại HTX và tiếp tục cố gắng giữa bộn bề gian khó.
Với lợi thế của địa phương là những đồi chè bát ngát, mát mắt, nằm bao quanh chân núi Tam Đảo, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên, sự đoàn kết của các thành viên đã đưa HTX Chè La Bằng từng bước vượt qua khó khăn, thách thức.
“Toàn xã La Bằng có hơn 400ha chè, trong đó HTX chè La Bằng có 40ha thì có 15ha sản xuất hữu cơ. Chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh khi năm 2019, HTX Chè La Bằng đã được Liên minh HTX Việt Nam lựa chọn để xây dựng mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị bằng việc hỗ trợ kinh phí, mua sắm trang thiết bị máy móc sản xuất, chế biến, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực”, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTXNguyễn Thị Hải phấn khởi cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Viện trưởng Viện phát triển Kinh tế hợp tác, đơn vị chủ trì dự án cho biết, chương trình đã cơ bản hoàn thành mục tiêu dự án đề ra. “Để chương trình phát huy hiệu quả, chúng tôi mong muốn việc hoạt động, sử dụng phương tiện, máy móc phải đảm bảo quy chế quản lý tài sản sao cho hiệu quả, phù hợp đúng quy định của pháp luật”, ông Cường nói.
Đồng hành cùng HTX
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết, Liên minh HTX Việt Nam thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao là tổ chức đại diện cho HTX, đồng thời tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của thành viên, cung ứng dịch vụ công cho HTX, tham vấn cho Chính phủ hoạch định chiến lược, xây dựng, tư vấn chính sách cho khu vực này.
Một trong những nhiệm vụ mà Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam xác định là hỗ trợ xây dựng mô hình HTX sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi giá trị. Năm 2019, hệ thống Liên minh HTX Việt Nam thực hiện xây dựng 63 mô hình HTX tại 62 tỉnh, thành phố; hỗ trợ 24 HTX phát triển sản xuất, chuyển giao công nghệ từ đề tài khoa học công nghệ với tổng kinh phí thực hiện 47,819 tỷ đồng. Hoạt động sản xuất chủ yếu của các HTX là trồng rau, củ quả (19 HTX), trồng lúa (16 HTX), nuôi trồng thuỷ sản (8 HTX), chế biến cà phê, hạt tiêu, hạt điều (5 HTX), chăn nuôi gà, lợn (7 HTX), chế biến nông sản, mắm, miến dong...
Qua triển khai, HTX đã thay đổi nhận thức, các thành viên cũng cơ bản thay đổi nhận thức trong sản xuất, trong xây dựng chiến lược, đáp ứng được yêu cầu thị trường. Thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam mong muốn các HTX phải đặc biệt chú trọng xây dựng thương hiệu để đưa sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp không chỉ sử dụng trong nước mà còn xuất khẩu ra thế giới. Năm 2020, Liên minh HTX Việt Nam tiếp tục hỗ trợ xây dựng 63 mô hình tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung hỗ trợ các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng kinh phí hỗ trợ 31,5 tỷ đồng.
“Liên minh HTX Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương, người dân và HTX, qua đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo, trong đó phải liên kết với nhau thông qua một tổ chức, doanh nghiệp liên kết sản xuất. Liên minh sẽ báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có hướng hỗ trợ phù hợp, không chỉ về vật chất mà còn về quản trị, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại, tiếp cận thông tin, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân lực...”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo