Thị trường

Quảng Trị: Phát triển mô hình giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc vùng biên giới

Năm 2019 huyện Đakrông (Quảng Trị) phấn đấu giảm nghèo sẽ đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra trên 5%. Để đạt được mục tiêu này, huyện khuyến khích người dân phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc vùng biên giới.

Hà Nội: Lãi lớn nhờ mô hình trồng rau hữu cơ vụ Đông / Bắc Giang: Sức lan tỏa từ mô hình trồng nấm sạch

Đakrông là huyện miền núi, có nhiều gia đình nghèo, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Trong khi nhiều người dân ở các bản làng vùng cao khác đang loay hoay tìm cây trồng phù hợp để ổn định cuộc sống, thì tại đây, bà con đã giải được bài toán khó nhờ việc trồng cây mây nước dưới tán rừng. Với mô hình này, người dân vùng cao vừa có cơ hội cải thiện thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo, vừa góp sức bảo vệ rừng.

Trồng cây mây nước

Là thôn nằm xa trung tâm xã Húc Nghì, cuộc sống bà con La Tó từ trước đến nay gắn với cái cuốc, cây rựa, lên rừng đốt nương làm rẫy, sống dựa vào nghề khai thác lâm thổ sản. Trong khi đang tìm đường thoát nghèo, người dân nơi đây được Tổ chức Birdlife International và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị giới thiệu mô hình khoán bảo vệ rừng gắn với trồng cây mây nước.

Trồng cây mây nước dưới tán rừng

Trồng cây mây nước dưới tán rừng

Theo chia sẻ của Trưởng bản La Tó Hồ Văn A Rai, lúc đầu nhiều bà con trong bản không mấy tin tưởng vào hiệu quả kinh tế cây mây nước mang lại. Cán bộ phụ trách nông nghiệp xã phải lặn lội về tận bản để tuyên truyền, thuyết phục bà con về việc trồng cây mây nước mang lại “hiệu quả kép” về kinh tế và bảo vệ rừng, nên bà con mới bắt đầu thực hiện.

Gia đình ông Hồ Văn Hang là hộ đi đầu cho biết: Sau khi nhận nhận khoán, chăm sóc và bảo vệ rừng, các hộ, nhóm hộ được hỗ trợ 200.000 đồng/ha/năm. Số tiền này được các hộ đầu tư trồng cây mây nước để làm giàu từ rừng và hưởng lợi lâu dài. Cây mây dễ trồng, phát triển mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân.

Cùng với La Tó, thôn Cợp cũng là một trong những thôn được hưởng lợi từ dự án trồng mây nước. Toàn thôn có 10 hộ tham gia dự án bảo vệ rừng và trồng mây, hộ ít nhất chăm sóc 1ha, hộ nhiều nhất cũng hơn 5ha. Tham gia dự án, ông Hồ Văn Chỗ cho biết thuận lợi lớn nhất của việc trồng mây là không quá tốn kém, không mất nhiều công sức. Cây lớn nhanh, một năm lên khoảng 3m. Tại lần thu hoạch mới đây, gia đình đã có một khoản thu nhập khá từ mây nước với khoảng 15 tấn mây nguyên liệu, giá bán trung bình 2.500 đồng/kg.

Ông Hồ Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND xã Húc Nghì khẳng định: Mây nước là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện canh tác của người dân vùng cao. Ngoài khai thác cây mây nước phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như làm nhà, làm vật dụng dùng trong lao động sản xuất, cây mây nước còn là nguồn nguyên liệu thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn, bởi ngày càng nhiều cơ sở thủ công mỹ nghệ ra đời cần có nguồn nguyên liệu cung ứng...

 

‘‘Chỉ sau khoảng 7 năm, cây mây đã có thể cho thu hoạch; bình quân 1ha mây cho thu hoạch gần 15 triệu đồng/năm. Sau kỳ thu hoạch lần đầu vào năm 2018, đến nay toàn bộ diện tích rừng có trồng mây nước đã cho thu hoạch đồng bộ, với sản lượng bao gồm mây tự nhiên sẵn có và mây trồng, đây có thể xem là nguồn nguyên liệu dồi dào, hứa hẹn đem lại thu nhập cao cho người trồng’’, ông Mười chia sẻ thêm.

Chăn nuôi theo hướng hàng hóa

Ngoài trồng cây mây nước dưới tán rừng, Hội Nông dân huyện còn khuyến khích người dân khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đồi núi để phát triển chăn nuôi theo hướng bản địa, tập trung đầu tư vào chăn nuôi gia trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình chăn nuôi gia trại, theo hướng sản xuất hàng hóa ở huyện miền núi Đakrông

Mô hình chăn nuôi gia trại, theo hướng sản xuất hàng hóa ở huyện miền núi Đakrông

 

Trước đây, hầu hết người dân trong vùng chăn nuôi theo lối thả rông, tận dụng đồng cỏ tự nhiên, không có chuồng trại và hoàn toàn không chữa trị, tiêm phòng khi các vật nuôi bị bệnh... nên độ rủi ro rất lớn. Những năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân chú trọng việc chăn nuôi tại gia đình theo hướng hàng hóa nên đã nhanh chóng thoát nghèo bền vững.

Nhiều hộ đã được hỗ trợ cho vay vốn đầu tư vào chăn nuôi dê, trâu, bò, lợn bản, gà rừng... đạt hiệu quả kinh tế cao, từng bước vươn lên làm giàu ngay trên mảnh đất biên cương. Điển hình như anh Nguyễn Đăng Khiêm (thôn Na Nẫm, xã Triệu Nguyên) mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi 8 con bò sinh sản, bình quân mỗi năm xuất bán được 5 con bò, thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng.

Không chỉ chăn nuôi trâu bò, các hộ nông dân ở Đakrông còn biết phát huy lợi thế vùng đồi núi, tập trung chăn nuôi dê, phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Từ việc thay đổi tập quán canh tác sản xuất và chăn nuôi thả rông, nhiều hộ nông dân trên địa bàn Đakrông chuyển đổi phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đây chính là những chìa khóa giảm nghèo bền vững, vươn lên khá và giàu cho người dân nơi đây.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm